“Chiến trường mới” với start-up

Hữu Tuấn| 15/04/2021 10:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Quý I/2021 đã ghi nhận 2 thương vụ gọi vốn lớn thành công trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), cùng tín hiệu tích cực của các start-up trong lĩnh vực giáo dục (edtech), chăm sóc sức khỏe (medtech)…

Quý I/2021 đã ghi nhận 2 thương vụ gọi vốn lớn thành công trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), cùng tín hiệu tích cực của các start-up trong lĩnh vực giáo dục (edtech), chăm sóc sức khỏe (medtech)…

“Chiến trường mới” với start-up - Ảnh 1.

Fintech tiếp tục thống trị

Đầu năm 2021, Momo tiếp tục làm dậy sóng thị trường khi công bố hoàn thành vòng gọi vốn series D, với sự tham gia của Warburg Pincus, Affirma Capital, Tybourne Capital Management và các quỹ đầu tư mới như Goodwater Capital, Kora Management, Macquarie Capital. Theo giới khởi nghiệp, Momo đã gọi vốn được gần 100 triệu USD.

Đại diện Momo cho biết, nguồn vốn mới sẽ được sử dụng để xây dựng nền tảng siêu ứng dụng, nâng cấp hệ sinh thái nhằm phục vụ hàng chục triệu người dùng và đối tác tại Việt Nam. Bên cạnh đó, MoMo cũng ra mắt Quỹ Đầu tư đổi mới sáng tạo MoMo nhằm hỗ trợ các start-up kết nối với lượng người dùng lớn của ví điện tử này.

Một ví điện tử khác là Gpay của G-Group cũng công bố gọi vốn thành công vòng series A từ Tập đoàn Tài chính KB (Hàn Quốc) với định giá 425 tỷ đồng thông qua Công ty Chứng khoán KB. Ông Nguyễn Thuần Chất, CEO Gpay chia sẻ, khoản đầu tư sẽ được sử dụng vào việc tăng trưởng người dùng dựa trên hệ sinh thái sẵn có, phát triển các giải pháp công nghệ mang tính chiến lược và đầu tư phát triển con người.

Nhìn lại năm 2020, do tác động của Covid-19, giới khởi nghiệp fintech đã trải qua một năm “thất bát” khi chỉ có 12 thương vụ gọi vốn thành công với tổng giá trị 61,2 triệu USD (theo ESP Capital và Cento Ventures), trong đó, không hề có thương vụ nào giá trị lớn như năm 2019.

Thế nên, việc xuất hiện trở lại các thương vụ rót vốn “khủng” vào fintech ngay đầu năm 2021 được giới đầu tư kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng domino tích cực, hứa hẹn sự trở lại ngoạn mục của dòng vốn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Tuy nhiên, ông Cris Trần, Tổng giám đốc Infinity Blockchain Venture (IBV) nhấn mạnh, năm 2021, thị trường sẽ diễn ra những cuộc sàng lọc gắt gao, bởi các sản phẩm fintech hiện khá giống nhau. Để có thể tồn tại trong cuộc cạnh tranh gay gắt này, các fintech buộc phải tạo được sự khác biệt với những sản phẩm ưu việt.

Tại Việt Nam hiện có hơn 130 ví điện tử đang hoạt động, hầu hết thị phần đang thuộc về VNPay và Momo. Ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin Credit đánh giá, lĩnh vực fintech rất hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế, bởi thị trường đang ở giai đoạn chưa ngã ngũ, nhiều ví điện tử đang “đốt tiền để giành thị phần”, nên nhiều khả năng, sẽ có những thương vụ lớn nổ ra trong thời gian tới.

Edtech và medtech tăng sức nóng

Tháng 2/2021, ứng dụng dạy học tiếng Anh Elsa đã huy động thành công 15 triệu USD trong vòng gọi vốn series B do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu. Các nhà đầu tư trước đó (Gradient Ventures, SOSV, Monk's Hill Ventures) cũng tham gia vòng này.

Theo bà Văn Đinh Hồng Vũ, đồng sáng lập Elsa, với khoản vốn mới, start-up này sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường châu Mỹ La-tinh, tăng tốc mở rộng khắp châu Á và xây dựng nền tảng B2B trong năm 2021.

Cũng trong mảng edtech, Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cùng một số nhà đầu tư đã công bố khoản đầu tư trị giá 3 triệu USD vào nền tảng học tập trực tuyến Manabie. Ông Takuya Homma, nhà sáng lập Manabie đánh giá, giáo dục là lĩnh vực đầu tư rất hấp dẫn ở Việt Nam vì còn nhiều dư địa phát triển. Các phụ huynh tại Việt Nam rất hào phóng chi cho giáo dục, khi thường đầu tư đến 20% ngân sách gia đình vào việc học tập của con cái.

Ở lĩnh vực y tế, Genetica -start-up chuyên giải mã gen - cũng vừa được huy động được 2,5 triệu USD trong vòng pre-series A từ các nhà “săn kỳ lân” của Silicon Valley. Trước đó, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát các start-up trong lĩnh vực y tế nhận được vốn rất lớn, như eDoctor, Doctor Anywhere, Pharmacity…

Theo ông Ngô Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc VMED Group, giáo dục và y tế là 2 lĩnh vực mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều rất muốn tham gia. “Theo tôi, những năm sắp tới, đầu tư vào y tế sẽ ngày càng sôi động. Khi nền kinh tế nói chung và thị trường đầu tư nói riêng chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19, các start-up công nghệ y tế vẫn có thể duy trì hy vọng, thậm chí có bước đột phá mạnh mẽ”, ông Sơn phân tích.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thy Nga, Tổng giám đốc V-startup đánh giá, Covid-19 là cơ hội để nhiều start-up công nghệ y tế có cơ hội tăng trưởng đột phá. Hiện nay, số lượng start-up trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ dưới 2% trong tổng số hơn 4.000 start-up công nghệ y tế tại châu Á.

Đáng nói là, y tế số tại Việt Nam hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, vốn đầu tư thu hút được ít hơn đáng kể so với các lĩnh vực liên quan như thanh toán hoặc thương mại điện tử. Trong khi đó, với một thị trường gần 100 triệu dân và hơn 1.000 bệnh viện trên toàn quốc, tiềm năng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam là rất lớn.

Theo bà Nga, các start-up có thể khai thác tiềm năng đó bằng cách tham gia giải quyết bài toán điện tử hóa công tác quản lý khám chữa bệnh, đơn giản hóa các thủ tục, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế…

Có thể thấy, fintech, edtech và medtech sẽ trở thành “tam trụ” thu hút đầu tư khởi nghiệp trong năm 2021 với sự tham gia của khối ngoại, hứa hẹn tạo nên những cuộc đua thú vị trong thời gian tới.

- Trong quý I /2021, toàn thế giới có 129 start-up về tiền ảo gọi vốn thành công với tổng cộng là 2,6 tỷ USD, theo báo cáo từ CB Insight

- Chi tiêu y tế tại Việt Nam được BMI dự báo đạt giá trị 22,7 tỷ USD vào năm 2021.

- Edtech đang là lĩnh vực được đầu tư nhiều thứ 3 tại Việt Nam trong 8 năm qua ở mảng công nghệ. Tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào edtech tại Việt Nam là 103 triệu USD, chỉ xếp sau lĩnh vực thanh toán (462 triệu USD) và bán lẻ (416 triệu USD), theo báo cáo của Do Ventures. Ken Research dự báo, thị trường edtech của Việt Nam có thể đạt 3 tỷ USD vào năm 2023.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Chiến trường mới” với start-up
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO