Cụ thể, dự thảo luật ngăn chặn tác hại trực tuyến sẽ bao gồm những yêu cầu đối với các nền tảng lớn nhằm cải thiện và nâng cao khả năng bảo vệ người dùng khỏi tội phạm mạng mạo danh người nổi tiếng hoặc công ty để đánh cắp dữ liệu cá nhân, lừa đảo các khoản đầu tư tài chính không an toàn hoặc xâm nhập vào tài khoản ngân hàng của người dùng.
Theo thông tin từ Chính phủ Anh, Cơ quan quản lý truyền thông Ofcom sẽ là đơn vị kiểm tra xem các nền tảng đã đưa ra hệ thống để ngăn chặn và loại bỏ các quảng cáo giả mạo hay chưa. Cơ quan giám sát có thể chặn các dịch vụ hoặc phạt tiền lên tới 18 triệu bảng Anh (24 triệu USD) hoặc 10% doanh thu hàng năm.
Bà Nadine Dorries, Bộ trưởng Văn hóa Anh cho biết: "Những thay đổi này đối với Dự luật An toàn Trực tuyến sắp tới sẽ giúp ngăn chặn những kẻ lừa đảo lừa gạt mọi người bằng cách sử dụng các quảng cáo trực tuyến giả mạo".
Lừa đảo trực tuyến từ các quảng cáo trên Google, Facebook, Twitter và các phương tiện truyền thông xã hội khác mọc lên như nấm khi ngày càng có nhiều người truy cập Internet trong thời gian đại dịch COVID-19.
Theo dữ liệu từ UK Finance, trong 6 tháng đầu năm 2021, thiệt hại mà Anh phải gánh chịu trong các vụ lừa đảo ngân hàng có giá trị kỷ lục là 754 triệu bảng Anh, tăng gần một phần ba so với cùng kỳ năm 2020.
Thậm chí để đối phó với áp lực từ Cơ quan quản lý tài chính (FCA) khi tổ chức này kêu gọi triển khai các cơ chế quản lý mạnh mẽ hơn, một số dịch vụ trực tuyến đang hạn chế quảng cáo các sản phẩm tài chính cho các công ty do FCA quản lý.
Chính phủ Anh cho biết họ cũng đang tiến hành tham vấn cộng đồng về việc thắt chặt các quy tắc đối với ngành quảng cáo trực tuyến, bằng cách tăng cường các quy định hiện tại hoặc bằng cách tạo ra một cơ quan giám sát mới.
Các quảng cáo gây hại hoặc gây hiểu lầm, chẳng hạn như quảng cáo những hình ảnh tiêu cực và quảng cáo cho các hoạt động bất hợp pháp như bán vũ khí cũng có thể phải đối mặt với những quy định và lệnh trừng phạt nghiêm ngặt.
Ngoài ra, những người có tầm ảnh hưởng nếu không khai báo họ đang được trả tiền để quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội cũng có thể bị phạt nặng.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Anabel Hoult, Giám đốc điều hành của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Which? cho biết: "Điều này có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc ngăn chặn làn sóng quảng cáo giả mạo và gian lận trên các phương tiện truyền thông xã hội và các công cụ tìm kiếm gây tổn hại nặng nề về tài chính và tinh thần cho các nạn nhân vô tội"./.