Tăng cường ứng dụng công nghệ, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc
Đầu tháng 4, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị thực hiện cách ly xã hội, hạn chế tập trung đông người để phòng chống dịch COVID-19, TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách. Trong đó, riêng với các cơ quan chính quyền, Đà Nẵng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc, đồng thời hướng dẫn khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công (DVC) trực tuyến, thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố đã thống nhất với các phương án, kịch bản làm việc tại nhà đối với cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, 50% cán bộ, công chức, viên chức của Đà Nẵng sẽ làm việc tại nhà. Lãnh đạo các sở, ngành chủ động xây dựng kịch bản làm việc tại nhà đối với cơ quan mình.
Nhờ hệ thống thông tin chính quyền điện tử của Đà Nẵng tương đối hoàn thiện nên toàn bộ văn bản, giấy tờ có thể xử lý qua hệ thống quản lý văn bản điều hành một cách nhanh chóng. Các thông báo hành chính cũng thực hiện trên hệ thống thông báo nội bộ, có liên kết với Email của các hệ thống một cửa.
Ngoài ra, các văn bản chỉ đạo tại Đà Nẵng đều có thể thực hiện chữ ký số (CKS) thông qua điện thoại. CKS có giá trị pháp lý như chữ ký bình thường và hầu như không giả được. Như vậy, nhiều thủ tục hồ sơ vẫn được các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng giải quyết dù là ở nhà hay ở cơ quan.
Từ tháng 10/2019, Sở TTTT Đà Nẵng đã công bố Cổng DVC trực tuyến TP. Đà Nẵng. Nếu năm 2018, Đà Nẵng có 44% DVC được số hoá thì chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng lên 51%. Đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có tối thiểu 60% DVC có phát sinh hồ sơ, 50% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đối với các DVC trực tuyến, 20% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trên tổng số hồ sơ TTHC.
Cổng DVC trực tuyến Đà Nẵng hiện có 850 DVC trực tuyến ở mức 3, 4 được ưu tiên triển khai trực tuyến ở quận, huyện, xã, phường. Đặc biệt, 100% thủ tục cấp phép xây dựng đã được triển khai trực tuyến ở mức 3, cho phép nộp và quản lý bản vẽ xây dựng thông qua Cổng DVC trực tuyến. Cổng cũng đã được tích hợp sẵn chức năng thanh toán trực tuyến, phiếu thu điện tử và đại lý DVC trực tuyến.
Cũng theo sở TTTT Đà Nẵng, Đà Nẵng vừa đồng bộ Cổng DVC trực tuyến lên Cổng DVC quốc gia, người dân có thể truy cập cả hai địa chỉ, hồ sơ sẽ chuyển về địa phương xử lý. Điều này rất tiện cho người dân, doanh nghiệp và cả cán bộ khi làm việc trong môi trường trực tuyến.
Ngoài ra, người dân có thể liên hệ với các bưu cục của Bưu điện Việt Nam ở từng xã, phường để thực hiện DVC trực tuyến. Tại đây, nhân viên Bưu điện sẽ hỗ trợ thao tác, theo dõi giúp người dân và chuyển phát nhanh kết quả về tận nhà.
Khuyến khích người dân sử dụng DVC trực tuyến
Theo UBND TP. Đà Nẵng, thành phố đã hỗ trợ và khuyến khích người dân sử dụng các DVC trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực, nhằm hạn chế tối đa việc tập trung nơi đông người khi dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp.
Hiện tại, Cổng DVC của thành phố đã mở cung cấp 280 DVC mức độ 3 và 437 DVC mức độ 4, cho phép người sử dụng điền và gửi mẫu trực tuyến các văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và việc thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Ở nhiều địa phương còn miễn phí lệ phí để khuyến khích người dân hạn chế tập trung nơi đông người trong thời điểm nhạy cảm này.
TP Đà Nẵng chỉ đạo các quận, phường, các chi bộ, tổ dân phố… tuyên truyền, vận động người dân qua hệ thống thông tin truyền thanh, các tuyên truyền viên ở địa bàn khu dân cư vận động người dân từng bước tiếp cận và xử lý thông tin qua hệ thống điện tử tại nhà. Nhiều phường cũng đã thành lập khu dân cư điện tử, cấp tài khoản và hướng dẫn người dân sử dụng DVC. Điều này không chỉ góp phần giúp người dân tự hoàn thiện các thủ tục tại nhà, phòng, chống lây lan dịch bệnh mà còn góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, cải cách TTHC.
Đối với khu dân cư điện tử, ngoài mục đích tuyền truyền và hướng dẫn cho người dân cách sử dụng giao dịch công trực tuyến, phường cũng đã thành lập các tổ gồm một số đoàn viên thanh niên và một số cán bộ của phường đến tận nhà dân để lập các tài khoản công dân điện tử đối với các công dân. Qua tài khoản này người dân có thể giao dịch công trực tuyến với chính quyền.
Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVC, hạn chế đến nơi đông người, TP Đà Nẵng cũng đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng và dễ dàng hơn, chỉ đạo Trung tâm Thông tin DVC Đà Nẵng kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn và trả lời mọi thắc mắc của người dân liên quan đến việc thực hiện các DVC trực tuyến qua tổng đài 1022.