Sáng nay 03/3/2022, cuộc thi đã chính thức được phát động và mở hệ thống với sự tham dự của các đại biểu, một số trường THCS trên cả nước.
Lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức
Đây là lần đầu tiên cuộc thi được Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) chủ trì tổ chức và dự kiến sẽ được duy trì thường niên, trở thành một phần trong chuỗi hoạt động Ngày ATTT Việt Nam. Hoạt động này của VNISA đã được sự ủng, bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đồng hành trực tiếp là Cục ATTT - Bộ TT&TT, Vụ Giáo dục chính trị Công tác học sinh - Bộ GD&ĐT, sinh viên và Cục Trẻ em - Bộ LĐTB&XH.
Bên cạnh đó còn có sự phối hợp của nhiều tổ chức, doanh nghiệp (DN) như: công ty CP Bkav, TikTok Việt Nam, Kaspersky, tổ chức Plan International Việt Nam, Childfund tại Việt Nam; World Vision Việt Nam, JICA tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (Viện MSD); Cyberkid Việt Nam, CMC Viettel IDC.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) cho biết trong giai đoạn phát triển xã hội số và xây dựng công dân số hiện nay, việc các em học sinh tham gia hoạt động trên môi trường mạng là nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn do Internet mang lại thì những nguy về mất ATTT đối với trẻ em luôn hiện hữu và dưới nhiều hình thức khác nhau...
Bởi vậy, Phó Chủ tịch VNISA nhấn mạnh hỗ trợ trẻ em học tập, giao tiếp, vui chơi hiệu quả, an toàn trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó cũng là lý do để chúng ta cùng chung tay tổ chức cuộc thi Học sinh với ATTT dành cho các em học sinh PTCS trên toàn quốc, năm 2022.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ATTT cho biết trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng để các em sống, học tập an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng trở nên cấp thiết. Năm 2021, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình cấp quốc gia riêng về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ cho công tác này.
Chương trình có nội dung trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết hoặc có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình, VNISA phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ TT&TT, các DN, tổ chức phi chính phủ tổ chức cuộc thi Học sinh với ATTT năm 2022.
Cuộc thi sẽ cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho các em học sinh, tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng. Đây cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo đối với trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Học sinh 63 tỉnh/thành truy cập đăng ký cuộc thi
Nhằm thúc đẩy tham gia cuộc thi của các em khối THCS, ngày 18/2/2022, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc chỉ đạo các trường THCS hưởng ứng Cuộc thi, tuyên truyền, khuyến khích và tạo điều kiện để đông đảo các em học sinh tham đự thi.
Trước đó, từ ngày 16/2 đến ngày 02/3, Ban tổ chức đã mở hệ thống đăng ký và thi thử, giúp các em học sinh có thể tìm hiểu thông tin và có những trải nghiệm tốt hơn khi tham dự thi chính thức. Cho đến nay đã có học sinh thuộc 63 tỉnh thành (với hơn 2000 trường) truy cập vào website đăng ký thi.
Mỗi thí sinh chỉ đăng ký một tài khoản để dự thi (theo mẫu đăng ký trên website). Thí sinh chỉ được thi một lần và có thể tham gia thi vào bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ ngày 03/3/2022 đến 24h00 ngày 24/3/2022.
Đề thi gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm do hệ thống thi cung cấp ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi. Thời gian làm bài của thí sinh là 30 phút.
Tài liệu hướng dẫn đăng ký thi, làm bài và ôn thi và thi thử sẽ được cung cấp trên có trên website của cuộc thi http://childsafe.vn.
Cụ thể, nội dung đề thi là kiến thức phổ thông liên quan tới ATTT và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng theo 08 chủ đề: giáo dục về đạo đức, pháp luật; kiến thức về tin học và ATTT; bảo vệ thông tin các nhân của trẻ em và phòng chống nội dung xấu trên mạng; phòng tránh các tương tác có hại trên mạng; phòng tránh nguy cơ có hại trong quảng cáo và tiêu dùng trên mạng; phòng chống nguy cơ mất an toàn mạng; bảo vệ trẻ em trong sử dụng mạng xã hội và sử dụng thiết bị di động an toàn.
Để xây dựng được một ngân hàng đề thi có chất lượng, phong phú, bao quát được các nội dung thi và phù hợp với trình độ, nhận thức của đối tượng tham gia. Ban tổ chức cuộc thi đã được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia thuộc các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các chuyên gia ATTT thuộc đơn vị hội viên của VNISA với hơn 700 câu hỏi trắc nghiệm trong CSDL đề thi.
Bên cạnh đó, VNISA đã phối hợp với Tập đoàn Bkav xây dựng nền tảng CNTT thi trực tuyến riêng cho cuộc thi. Các em học sinh sau khi đăng ký tài khoản, có thể tham gia thi thử để làm quen với dạng câu hỏi và tốc độ làm bài thi.
Website thi này sẽ tiếp tục được duy trì sau khi cuộc thi 2022 kết thúc, để các em học sinh có thể truy cập làm các bài thi thử, dựa trên CSDL đề thi được cập nhật liên tục. Đây cũng là một hình thức để học sinh có thể nâng cao kỹ năng, nhận thức về an toàn mạng và có những phương án xử lý tình huống thực tế khi gặp nhưng nguy cơ trên môi trường mạng.
Cuộc thi có nhiều giải thưởng hấp dẫn như: Giải thưởng tập thể dành cho các trường có số lượng học sinh dự thi nhiều nhất và bài thi chất lượng, gồm bằng khen của Bộ GD&ĐT, Bằng khen của Ban tổ chức cuộc thi và phần thưởng bằng tiền mặt.
Giải cá nhân là các phần quà công nghệ hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh gồm: 03 Giải Nhất, 08 Giải Nhì,15 Giải Ba, 50 Giải khuyến khích.
Các thi sinh đạt điểm cao còn được nhận nhiều phần quà hấp dẫn từ các đơn vị tham gia phối hợp tổ chức cuộc thi.
Cuộc thi hy vọng sẽ thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh của các trường THCS trên cả nước và là dịp để các em học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo… có thêm hiểu biết, kiến thức để có thể sử dụng không gian mạng một cách an toàn và hữu ích./.