Chip điện tử sẽ được gắn ở mặt sau của thẻ căn cước công dân mới

V.A.| 14/10/2020 16:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo dự thảo Thông tư quy định mẫu thẻ căn cước công dân đang được Bộ Công an lấy ý kiến đóng góp, chip điện tử lưu trữ thông tin cơ bản của công dân được cấp thẻ sẽ được gắn ở mặt sau của thẻ.

Căn cước công dân mới sẽ có những thông tin gì?

Dự thảo Thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước công dân đã được Bộ Công an hoàn thành và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ bocongan.gov.vn từ ngày 12/10/2020 để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Chip điện tử sẽ được gắn ở mặt sau của thẻ căn cước công dân mới - Ảnh 1.

Thời hạn lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư của Bộ Công an quy định mẫu thẻ căn cước công dân sẽ kéo dài trong 2 tháng, đến ngày 12/12/2020. (Ảnh minh họa)

Gồm 7 Điều, dự thảo Thông tư của Bộ Công an về mẫu thẻ căn cước công dân quy định cụ thể hình dáng, kích thước, quy cách, ngôn ngữ khác, chất liệu, nội dung thẻ căn cước công dân và trách nhiệm của Công an các đơn vị trong việc sản xuất, quản lý mẫu thẻ căn cước công dân.

Đối tượng áp dụng quy định gồm có Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân; Công an các đơn vị, địa phương; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sản xuất, cấp và quản lý thẻ căn cước công dân.

Trong đó, hình dáng, kích thước, nội dung, quy cách và chất liệu thẻ căn cước công dân được quy định cụ thể tại Điều 3 của dự thảo Thông tư.

Cụ thể, thẻ căn cước công dân có hình chữ nhật, bốn góc được cắt tròn, chiều dài 85,6 mm, chiều rộng 53,98 mm, độ dày 0,76 mm. Thẻ được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt.

Về nội dung, dự thảo Thông tư quy định, mặt trước thẻ căn cước công dân gồm các thông tin: Bên trái, từ trên xuống:Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với đường kính 12mm, ảnh của người được cấp thẻ căn cước công dân cỡ 20 x 30mm, có giá trị đến; Bên phải, từ trên xuống:CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN”; biểu tượng của thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; số; họ và tên; ngày sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú.

Nội dung thông tin trên mặt sau thẻ căn cước công dân dự kiến gồm có: Bên trái, từ trên xuống: đặc điểm nhận dạng; ngày, tháng, năm cấp thẻ căn cước công dân; chức danh của người có thẩm quyền cấp thẻ; chữ ký, họ và tên của người có thẩm quyền cấp thẻ; dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ căn cước công dân; chip điện tử; Bên phải, từ trên xuống:có 2 ô là vân tay ngón trỏ trái và vân tay ngón trỏ phải của người được cấp thẻ căn cước công dân; dòng mã ICAO, mã QR code

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư của Bộ Công an về mẫu thẻ căn cước công dân cũng quy định con dấu trên thẻ căn cước màu đỏ, là con dấu có hình Quốc huy thu nhỏ của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.Thời hạn sử dụng của thẻ căn cước công dân được tính theo độ tuổi đổi thẻ căn cước công dân quy định tại Điều 21 Luật Căn cước công dân.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư còn quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thi hành. Theo đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư; chủ trì, phối hợp với Cục Kế hoạch và tài chính, Bộ Công an tiến hành các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu sản xuất thẻ căn cước công dân theo quy định tại Thông tư; thống nhất quản lý, kiểm tra thẻ căn cước công dân trên toàn quốc...

Sẽ báo cáo Quốc hội xin lùi thời hạn cấp căn cước công dân

Trước đó, vào ngày 7/10, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định mẫu, chất liệu thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử theo thẩm quyền. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cần áp dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm an ninh, an toàn, có khả năng tích hợp triển khai thuận lợi các giao dịch điện tử, tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội; hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, hướng đến xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Cùng ngày 7/10, Thủ tướng cũng có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đối với việc sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử trong dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân”. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu tích hợp các dịch vụ, ứng dụng thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của bộ, ngành, địa phương mình vào chip điện tử trên thẻ căn cước công dân, thúc đẩy việc sử dụng thẻ căn cước công dân đa mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai tích hợp ứng dụng, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước công dân trong các lĩnh vực công tác; xây dựng các ứng dụng nền tảng để đưa vào chip trước khi cấp căn cước công dân cho công dân.

Trong thông tin chia sẻ tại hội nghị trực tuyến được tổ chức ngày 9/9 về triển khai dự án “Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân” và sơ kết 6 tháng thực hiện dự án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, Bộ Công an cho biết dự kiến cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử từ ngày 1/11/2020.

Tuy nhiên, ngày 10/10 vừa qua, trên cơ sở báo cáo của Bộ Công an, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến về Báo cáo của Chính phủ xin lùi thời hạn cấp căn cước công dân và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cụ thể, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý với nội dung dự thảo Báo cáo của Chính phủ xin lùi thời hạn cấp căn cước công dân và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước công dân; giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký báo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện Việt Nam đảm bảo không gián đoạn dịch vụ khi thay đổi địa giới hành chính
    Bưu điện Việt Nam đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ để đảm bảo dịch vụ không gián đoạn, người dân không bị ảnh hưởng và không phát sinh thêm chi phí trong bối cảnh thay đổi địa giới hành chính từ ngày 1/7/2025.
  • AI có thể giúp giảm thiểu khoảng 70 tỷ USD chi phí tổn thất thiên tai trực tiếp
    Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp giảm thiểu khoảng 70 tỷ USD chi phí tổn thất thiên tai trực tiếp hàng năm đến năm 2050. Điều này đã được Deloitte Toàn cầu đưa ra trong báo cáo mới đây.
  • AI lõi "Make in Viet Nam" được xếp hạng Top 12 thế giới
    Trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi AI tại Việt Nam đang diễn ra, công nghệ OCR (Nhận dạng ký tự quang học) ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc số hóa tài liệu, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản trị.
  • Làm sao để tăng hiệu quả bảo mật môi trường đa đám mây?
    Khi cuộc tranh luận về việc nên triển khai hệ thống máy chủ tại chỗ hay trên đám mây đã dần lắng xuống, doanh nghiệp (DN) giờ đây lại phải đối mặt với một bài toán khác khó khăn hơn: làm thế nào để bảo mật hiệu quả môi trường đa đám mây (multicloud)?
  • Cỗ máy gia tốc từ Nghị quyết 57: Một bài học sống động
    Sau nửa năm triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (2/1/2025 – 29/6/2025), CT Group đã tổ chức Lễ Sơ kết 6 tháng triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW với hàng loạt sản phẩm hoàn thiện rất phong phú từ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số đến Đổi mới sáng tạo. Thành tựu đạt được chính là minh chứng sống động cho khát vọng làm chủ công nghệ lõi, tạo lực đẩy đột phá và nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng vị thế quốc gia trên tiến trình hội nhập, vì một Việt Nam hùng cường.
Đừng bỏ lỡ
Chip điện tử sẽ được gắn ở mặt sau của thẻ căn cước công dân mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO