Chống Covid-19: Dữ liệu định vị cá nhân hay quyền riêng tư?

Bùi Huyền| 10/04/2020 14:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới, chính phủ các nước phải đối mặt với nhiều áp lực lớn để đưa ra giải pháp để kiểm soát tình hình. Việc theo dõi dữ liệu định vị với người dân sẽ được tăng lên, bất chấp những lo ngại về quyền riêng tư và cảnh báo chống lại nó. 

Toàn thế giới nói chung và các tâm dịch như châu Âu, Mỹ nói riêng đều đang bước vào cuộc chiến chống dịch khốc liệt. Cùng với chính phủ các nước, các công ty, tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới cũng tham gia cuộc chiến này.

Sử dụng dữ liệu định vị trên thiết bị di động là một thông tin quan trọng nhằm hạn chế sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm như Covid-19. Sở dĩ những dữ liệu này được cho là quan trọng là bởi vì đã có một vài quốc gia ở châu Á đã thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh nhờ việc tận dụng dữ liệu di chuyển từ điện thoại thông minh của người dân, từ đó theo dõi được lộ trình di chuyển của những ca nhiễm virus và có biện pháp cách ly. 

Điển hình nhất, gần đây Đài Loan đã sử dụng một hệ thống theo dõi di chuyển của những người bị chẩn đoán đã dương tính với Covid-19, dựa trên dữ liệu từ thiết bị di động của họ.

Trong vài tuần qua, cả Google và Facebook đều đã bắt đầu chia sẻ các dữ liệu, thông tin về vị trí và địa điểm với nhiều tổ chức chính phủ của các quốc gia trên thế giới. Mục đích là để hỗ trợ và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 cũng như đảm bảo được việc kiểm soát những khu vực quan trọng.

Những dữ liệu mà Google và Facebook cung cấp đều được ẩn danh và tổng hợp, vậy nên sẽ không có dấu hiệu nhận dạng của từng cá nhân ở đây. Tuy nhiên, dữ liệu sẽ theo dõi được lộ trình di chuyển của người dùng, từ đó có thể giúp các tổ chức y tế biết được liệu người dân có tuân thủ yêu cầu cách ly xã hội và ở yên tại nhà không. 

Cụ thể, nếu dữ liệu cho thấy mối tương quan giữa nhiều người rời khỏi nhà và đến một khu vực nhất định và sau đó xảy ra sự lây nhiễm của Covid-19, các nhà chức trách có thể sử dụng thông tin đó để lập bản đồ các hành động trong tương lai. Vì vậy, khi hoạt động di chuyển bắt đầu lan rộng ở các khu vực khác, họ có thể chủ động kêu gọi chính quyền địa phương thực thi các biện pháp hạn chế di chuyển, hoặc đảm bảo các bệnh viện địa phương được trang bị đầy đủ nguồn lực để chuẩn bị cho sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm.

Chống Covid-19: Dữ liệu định vị cá nhân hay quyền riêng tư? - Ảnh 1.

Có thể thấy, việc sử dụng các dữ liệu định vị người dân trong thời điểm này là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc theo dõi vị trí để kiểm soát dịch bệnh có thể mở ra một nguy cơ lớn hơn về quyền riêng tư của công dân.

Chính phủ các nước phương Tây phải đối mặt với thách thức lớn hơn trong việc truy cập vào dữ liệu cá nhân của công dân. "Mỗi quốc gia đều có những biện pháp khác nhau để kiểm soát dịch bệnh. Việc theo dõi vị trí công dân phù hợp hơn với các quốc gia có diện tích nhỏ, mật độ dân số dày", Dipayan Ghosh, chuyên gia tại Đại học Harvard nói.

Nội dung này cũng đã được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo trực tuyến qua Internet "AI vì Cộng đồng" do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chủ trì tổ chức.

Vai trò của các công nghệ di động trong cuộc chiến chống Covid-19

"Mục tiêu trọng tâm của việc theo dõi vị trí là xác định những người đã có tiếp xúc gần với người nhiễm virus", Reinhard Scholl, Phó Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn hoá của ITU cho biết.

Làm sao để vừa đảm bảo được quyền riêng tư vừa kiểm soát được dịch bệnh? Trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia cảm thấy cần phải nới lỏng các quy định pháp luật về quyền riêng tư để sử dụng dữ liệu vị trí trong kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Hội thảo trực tuyến của ITU đã thảo luận về những nỗ lực để giải quyết vấn đề này: Bảo vệ quyền riêng tư cá nhân đồng thời cung cấp các giải pháp hiệu quả để tận dụng dữ liệu di động nhằm cứu sống hàng triệu người.

Kurt Rohloff, đồng sáng lập và Giám đốc công nghệ của Duality Technologies, đã giải thích cách công ty ông cho phép các tổ chức áp dụng công nghệ phân tích và trí tuệ nhân tạo (AI) để khai thác dữ liệu trong khi nó được mã hóa nhằm cung cấp thông tin chi tiết mà không làm lộ dữ liệu cần bảo vệ. Theo đó, Duality Technologies hiện đang cung cấp các giải pháp để giúp xác định các cá nhân có tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 dựa trên địa điểm và thời gian, mà không tiết lộ thông tin nhận dạng cá nhân. 

Giải pháp sử dụng mã hóa đồng cấu (homomorphic encryption) để cho phép các tổ chức cộng tác phân tích dữ liệu được mã hóa, từ đó cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe xác định các trường hợp có phơi nhiễm với Covid-19 mà không chia sẻ thông tin nhạy cảm hay thông tin liên quan đến các cá nhân không phơi nhiễm.

Niềm tin - Nhân tố thiết yếu

Rohloff trao đổi về sự cần thiết của niềm tin và tầm quan trọng của việc sử dụng các công nghệ nguồn mở.

"Tất cả đều được thúc đẩy bởi niềm tin. Đó là một trong những lý do mà chúng tôi chỉ ủng hộ việc sử dụng công nghệ nguồn mở. Tin tưởng là cần thiết cho sự hợp tác", Rohloff nhấn mạnh.

Theo ông, mọi người đều muốn tôn trọng quyền riêng tư, nhưng mọi người cũng đều muốn ngăn chặn Covid-19. Sự hợp tác sẽ cho phép các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp nhanh chóng kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh, ngăn chặn những người đang nhiễm bệnh di chuyển và lây lan nó vào cộng đồng.

Một ứng dụng vừa tuân thủ GDPR vừa hạn chế sự lây lan của Covid-19?

Thomas Wiegand, Giáo sư tại Viện Fraunhofer Heinrich Hertz và Chủ tịch của Nhóm công tác AI vì sức khoẻ của ITU, đã trình bày một số nỗ lực mới nhất để chống lại Covid-19. Điển hình là sáng kiến Truy tìm khoảng cách gần đảm bảo quyền riêng tư tại châu Âu (PEPP-PT: Pan-European Privacy-Preserving Proximity Tracing) để phát triển một ứng dụng giúp truy tìm người nhiễm Covid-19 bằng cách sử dụng công nghệ Bluetooth, học máy và AI.

Chống Covid-19: Dữ liệu định vị cá nhân hay quyền riêng tư? - Ảnh 2.

Sáng kiến PEPP-PT

Sau khi được cài đặt, ứng dụng sẽ gửi tin nhắn quảng bá sử dụng chức năng quét thụ động chạy trên điện thoại khi người dùng bật Bluetooth. Các thông báo được mã hóa và đảm bảo rằng quyền riêng tư được bảo vệ theo các quy tắc GDPR.

Wiegand giải thích rằng họ đang xây dựng các cơ chế để đảm bảo đây là các trường hợp đặc biệt và không sử dụng thông tin cá nhân nào trên hệ thống.

Ứng dụng này cũng có thể được sử dụng khi đi du lịch giữa các quốc gia thông qua cơ chế trao đổi xuyên biên giới ẩn danh. Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 lắng xuống, người dùng chỉ cần gỡ cài đặt ứng dụng một khi họ không muốn bị theo dõi vị trí nữa. 

Wiegand cho biết họ đã nhận được một khoản tài trợ từ tổ chức Botnar để giúp các nước đang phát triển sử dụng ứng dụng này./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chống Covid-19: Dữ liệu định vị cá nhân hay quyền riêng tư?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO