Chùa Bổ Đà - Nơi lưu giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ

Đỗ Thêu| 08/07/2021 17:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Chùa Bổ Đà, còn được gọi là chùa Bổ, chùa Tam Giáo, chùa có tên chữ là Tứ Ân tự. Chùa Bổ Đà tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), bờ tả dòng sông Cầu, thuộc địa phận thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Nằm cách trung tâm thị trấn Bích Động khoảng 10 km về phía Tây, Chùa Bổ Đà là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất vùng đất Kinh Bắc, là trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chùa đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016 và bộ kinh phật khắc trên gỗ thị lưu giữ trong chùa được đánh giá là cổ nhất của dòng thiền Lâm Tế.

Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa, lễ hội Bổ Đà diễn ra 2 lần trong năm, vào ngày 16 - 18/2 và ngày 12/9 âm lịch.

Chùa bổ đà - Nơi lưu giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ - Ảnh 1.

Lễ hội chùa Bổ Đà vào ngày 16 đến 18/2 âm lịch được xem là lễ ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà.

Lễ hội Bổ Đà gắn liền với sự hình thành và phát triển của chùa Bổ Đà, là một lễ hội lớn của huyện Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Lễ hội chùa Bổ Đà vào ngày 16 đến 18/2 âm lịch được xem là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà. Ngoài đợt hội chính vào đầu năm này, hội Bổ Đà còn diễn ra vào dịp 12/9 âm lịch. Lễ hội Bổ Đà là một trong 11 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, khác biệt

Chùa Bổ Đà bắt đầu có từ thời nhà Lý và được xây dựng lại dưới triều vua Lê Dụ Tông. Hiện nay khu di tích chùa Bổ Đà gồm rất nhiều hạng mục lớn nhỏ trong đó có 4 hạng mục chính, đó là Chùa Cao, am Tam Đức, Chùa Tứ Ân, Vườn Tháp. Tứ Ân là một trong những hạng mục chính của khu di tích chùa Bổ Đà. Chùa được xây dựng vào thời vua Lê Dụ Tông (thế kỷ 18) và được trùng tu tôn tạo vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX) và những năm gần đây.

Chùa được xây dựng bằng các vật liệu: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường.

"Bốn bề phong cảnh lạ thay

Bồng lai kia cũng thế này mà thôi"

Đó là hai câu thơ trong truyện thơ "Quan Âm Thị Kính" mà người xưa đã mượn để tả cảnh sắc tuyệt đẹp của chùa Bổ Đà.

Một trong những nét đặc biệt về Chùa Bổ Đà chính là kiến trúc. Đây là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán - Nôm phong phú. Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc.

Chùa bổ đà - Nơi lưu giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ - Ảnh 2.

Vườn tháp chùa Bổ Đà là một trong những vườn tháp đẹp và lớn nhất trong cả nước gồm 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau.

Nói về kiến trúc của chùa Bổ Đà, đó là lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Với hệ thống bố cục kiến trúc hài hòa được xây dựng bằng các vật liệu: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo.

Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông. Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành giống như làng Thổ Hà, nơi chuyên sản xuất chum vại, tiểu sành cách đó vài cây số, tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Mộc bản kinh Phật cổ nhất Việt Nam

Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền phái Trúc Lâm, là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Hiện chùa Bổ Đà còn nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quý có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật. Đặc biệt là Mộc bản kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị. Bộ ván kinh Phật là một trong những bộ Kinh khắc gỗ cổ nhất Việt Nam được khắc vào khoảng năm 1741 khi các vị tổ sư xây dựng chùa Tứ Ân.

Ngày 7/5/2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục Bộ Mộc bản Kinh phật tại chùa Bổ Đà của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam. Tiếp đến, ngày 30/4/2017, tại thành phố San Diego, Hoa Kỳ; Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) đã xác nhận kỷ lục Bộ mộc bản kinh phật của Chùa Bổ Đà là Bộ mộc bản kinh phật khắc trên gỗ thị của thiền phái Lâm Tế cổ nhất thế giới. 

Ngày 25/12/2017, Mộc bản chùa Bổ đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2089/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt. Bằng Công nhận Bảo vật đã được trao cho nhà chùa và chính quyền địa phương dịp Hội chùa Bổ Đà xuân Mậu Tuất (2018) sau đó.

Chùa bổ đà - Nơi lưu giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ - Ảnh 3.

Ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận "Mộc bản chùa Bổ Đà" là bảo vật quốc gia.

Bộ Kinh này được khắc không lâu so với bộ kinh Pháp Hoa tại chùa Phật Quang (đường Trần Quang Khải, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) được khắc trong 28 năm (từ năm 1706 đến năm 1734), đã được đưa vào sách kỷ lục Việt Nam ngày 2/1/2006. Cả hai bộ Kinh được cho là cổ nhất Việt Nam này có điểm chung là đều khắc trên gỗ thị.

Bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc, rõ nét.

Chùa bổ đà - Nơi lưu giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ - Ảnh 4.

Mỗi mộc bản kinh Phật chùa Bổ Đà được xem như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoàn chỉnh.

Khác với mộc bản kinh Phật tại chùa Vĩnh Nghiêm, mộc bản chùa Bổ Đà được đánh giá là độc đáo và sở hữu nhiều bản có niên đại sớm hơn so với mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Sự độc đáo của bộ kinh đặc biệt này đã thu hút hàng nghìn khách thập phương về đây tham quan, tế lễ mỗi năm.

Ngoài Mộc bản kinh phật cổ nhất Việt Nam, chùa Bổ Đà hiện nay còn lưu giữ được nhiều tài liệu quý hiếm có ý nghĩa cho việc nghiên cứu khoa học. Ở đây lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, ngoài những tấm bia đá, chuông đồng còn có hàng trăm cuốn kinh sách, luật giới nhà Phật. Các cuốn sách bằng tre, đá để lại vẫn lưu truyền đào tạo những người gia nhập phái Lâm Tế (Sơn Môn Bồ Đà) theo phong tục cũ.

Quyết định quy hoạch tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà

Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 111/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ các điểm di tích (chùa Tứ Ân, chùa Cao, am Tam Đức, vườn Tháp, ao Miếu, khuôn viên cảnh quan di tích) thuộc Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ) và toàn bộ các thôn Hạ Lát và Thượng Lát liền kề bao quanh khu di tích (khu vực chịu ảnh hưởng và có tác động trực tiếp và gián tiếp đến di tích).

Quy mô lập quy hoạch có diện tích 127,15 ha, bao gồm: Diện tích Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (theo Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt), có tổng diện tích là 29,6 ha.

Diện tích nghiên cứu, đề xuất đất quy hoạch (bổ sung vào khu vực bảo vệ II) mở rộng về các phía, nằm kề di tích, có diện tích là 97,55 ha; bao gồm: toàn bộ diện tích núi Phượng Hoàng, núi chùa Khám, đồi Bộ Không, đất ruộng nương khai hoang xen kẹt nằm phía trước di tích và một phần khu dân cư thôn Thượng Lát nằm ở phía Đông của di tích.

Quyết định nêu rõ, đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà và các điểm di tích liên quan; không gian kiến trúc cảnh quan, môi trường xung quanh di tích; các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, mộc bản, di sản tư liệu, lễ hội gắn với di tích; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; các yếu tố về đô thị, kinh tế - xã hội, dân cư; các thể chế, chính sách liên quan; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, tình hình sử dụng đất đai, công tác quản lý, bảo tồn và đầu tư xây dựng tại khu vực xung quanh di tích.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, gìn giữ lâu dài và phát huy giá trị di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà - chốn tổ của Thiền phái Lâm Tế, trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tham quan, nghiên cứu khoa học và đào tạo. Đồng thời là phát huy giá trị quần thể khu di tích chùa Bổ Đà trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Bắc Giang; kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác trên địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và vùng phụ cận, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chùa Bổ Đà - Nơi lưu giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO