Chưa được mở cửa nhà máy trở lại, Elon Musk tức giận kiện chính quyền địa phương ra tòa và dọa chuyển nhà máy Tesla sang nơi khác

An Nguyênt| 10/05/2020 15:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Musk gọi các lệnh đóng cửa hoạt động kinh doanh có liên quan đến virus corona là "chủ nghĩa phát xít".

Tỷ phú Elon Musk mới đây đã lên tiếng chỉ trích hạt Alameda, bang California, vì chính quyền hạt ngăn cản Tesla mở cửa trở lại nhà máy duy nhất của hãng ở Mỹ. Thậm chí Musk đe dọa sẽ chuyển nhà máy sang bang khác và ngừng sản xuất tại đây.

Vài giờ sau khi CEO của Tesla viết lên Twitter rằng công ty sẽ kiện hạt Alameda vì ngăn cản Tesla mở cửa nhà máy trở lại vào thứ 6 vừa rồi, Tesla đã đam đơn kiện lên tòa án quận ở San Franciso. Theo đơn kiện, lệnh cấm của chính quyền hạt là không phù hợp với quy trình và "khiến hoạt động kinh doanh có ý nghĩa quan trọng đối với sự giàu có của nước Mỹ lâm vào tình cảnh khó khăn.

Gọi các lệnh đóng cửa hoạt động kinh doanh có liên quan đến virus corona là "chủ nghĩa phát xít", Musk cho biết Tesla sẽ suy nghĩ có tiếp tục sản xuất xe hơi ở Fremont, California nữa hay không dựa vào việc công ty được đối xử như thế nào trong thời gian tới. Vùng vịnh là nơi đầu tiên ở Mỹ áp đặt lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà và đang tỏ ra khá thận trọng trong việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Theo Dan Ives, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Wedbush, từ góc nhìn của Musk và Tesla thì Fremont chính là "trái tim và lá phổi" trong hoạt động kinh doanh của họ. Musk đang đặt cược tất cả để gây áp lực buộc chính quyền hạt phải cho phép họ mở cửa trở lại.

Tesla có gần 20.000 nhân viên ở vùng Vịnh, bao gồm cả tại trụ sở ở Palo Alto. Cuối tháng 3, công ty thông báo nội bộ rằng 2 nhân viên dương tính với Covid-19 nhưng không nêu rõ họ làm việc ở đâu. Trong 1 bài viết trên blog đăng hôm qua, Tesla cho biết đã bắt đầu quy trình khôi phục hoạt động "sau nhiều tháng chuẩn bị kỹ lưỡng".

Sau lệnh phong tỏa được đưa ra từ giữa tháng 3, Tesla tự nhận mình là hoạt động kinh doanh thiết yếu nhưng quan chức y tế của hạt Alamdeda bác bỏ điều này và cho rằng nhà máy của Tesla ẩn chứa nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng. Từ đó đến nay phần lớn khu vực vùng Vịnh thực hiện ở trong nhà và dự tính sẽ như vậy đến cuối tháng 5.

Tesla có thể chuyển trụ sở và các hoạt động trong tương lai đến Texas và Nevada, nơi công ty đang đặt nhà máy pin khổng lồ của mình. Đó là lựa chọn khá đắt đỏ và đầy thách thức nhưng vẫn dễ dàng hơn so với chấm dứt sản xuất ở Fremont.

Nhà máy ở Fremont là nơi duy nhất trên trái đất sản xuất ra những chiếc xe điện Model S, X và Y của Tesla. Công ty mua lại nhà máy này từ Toyta sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 với giá chỉ 42 triệu USD và kể từ đó đến nay đã đầu tư thêm vào đây hàng tỷ USD.

Musk đang tìm kiếm địa điểm xây dựng 1 nhà máy mới ở Mỹ để sản xuất Cybertruck, chiếc xe dự kiến sẽ bắt đầu được sản xuất vào cuối năm nay. Ông từng nhắc đến Texas, nơi đội ngũ phát triển chip của Tesla đang làm việc. Texas cũng là nơi hoạt động của công ty vũ trụ SpaceX cũng do Musk sở hữu.

Khi Musk nhắc đến chuyện tìm nhà máy ở nơi khác để sản xuất Cybertruck, 1 chuyên gia phân tích đã ước tính Tesla có thể tăng thặng dư lợi nhuận hoạt động thêm 8% nếu chuyển sang nơi có chi phí rẻ hơn. Nhưng nếu đột ngột dứt áo ra đi khỏi California vì quan hệ bất hòa, Musk đứng trước nguy cơ mất đi những khách hàng đã đăng ký mua hơn 70.000 chiếc xe điện mới do Tesla sản xuất mỗi năm trong 2 năm qua. Năm 2019, Tesla xuất xưởng gần 370.000 chiếc xe.

Bang California có chính sách hỗ trợ người mua xe điện bằng cách trợ giá đến 7.000 USD cho Model 3 và Model Y cũng được trợ giá 2.000 USD.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chưa được mở cửa nhà máy trở lại, Elon Musk tức giận kiện chính quyền địa phương ra tòa và dọa chuyển nhà máy Tesla sang nơi khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO