Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2019 - 2020 của tỉnh Đồng Nai

Hải Nguyên| 11/10/2019 16:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020, trong thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Theo dự thảo Kế hoạch Thực hiện Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin giai đoạn 2019 - 2020 do UBND tỉnh Đồng Nai công bố, trong 2 năm 2019 - 2020, Đồng Nai sẽ: Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc triển khai, khai thác các ứng dụng dùng chung của tỉnh; Ứng dụng công nghệ thông tin gắn liền với công tác cải cách hành chính, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 phục vụ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; Đánh giá và nâng cấp Khung kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 1.0 lên phiên bản 2.0 đáp ứng nhu cầu thực tiễn, trong đó ưu tiên mở rộng kết nối, chia sẻ liên thông cơ sở dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh và với các cơ quan trung ương; Kế hoạch chương trình mục tiêu công nghệ thông tin thực hiện đúng theo mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 153/QĐ - TTg ngày 30/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Các chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước hướng tới xây dựng thành công Chính quyền điện tử tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; hỗ trợ đắc lực cho công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Đồng Nai sẽ thực hiện các chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch như sau:

- Hoàn thành việc nâng cấp Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai lên phiên bản 2.0.

- Kết nối, liên thông một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin quốc gia.

- 100% các thủ tục hành chính của tỉnh Đồng Nai được cung cấp trên môi trường mạng ở mức độ 1, 2. Lựa chọn những thủ tục hành chính đơn giản, có tần suất hồ sơ nhiều và phục vụ chủ yếu cho doanh nghiệp để ưu tiên triển khai cung cấp ở mức độ 3 và 4. Trong đó, có 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến ở mức độ 4. Đồng thời, đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung.

- Trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng.

- 100% hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên của các cơ quan, đơn vị được áp dụng phương án bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

- 100% trang thông tin điện tử của các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội được giám sát an toàn thông tin mạng.

Ưu tiên triển khai thuê các dịch vụ CNTT

Để thực hiện được các công việc quan trọng và cấp thiết nêu trên, dự thảo Kế hoạch Thực hiện Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin giai đoạn 2019 - 2020 của tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng kinh phí thực hiện là 150.126 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí từ nguồn đầu tư của địa phương là 102.434 triệu đồng và từ nguồn sự nghiệp của địa phương: 47.692 triệu đồng.

Tỉnh Đồng Nai cho biết là cần huy động các nguồn lực tập trung nghiên cứu, đề xuất, triển khai các giải pháp nhằm huy động tối đa, đa dạng các nguồn lực phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương, hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan cấp trên triển khai hiệu quả các dự án đã được bố trí nguồn lực đảm bảo mục tiêu của các dự án; đảm bảo kinh phí để duy trì, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc sau khi dự án hoàn thành, đi vào sử dụng.

Ưu tiên triển khai thuê các dịch vụ công nghệ thông tin đối với một số hạng mục phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư và đáp ứng yêu cầu về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.

Tỉnh cũng tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh trong việc triển khai công tác ứng dụng trong các cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo công nghệ thông tin ở các cấp; Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị; coi đây là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thành công của các nhiệm vụ ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đề ra.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành; uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan mình. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm theo dõi tình hình thực hiện các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quản lý; phản hồi đầy đủ và kịp thời các báo cáo của chủ đầu tư dự án; tiến hành phân tích danh mục các chương trình, dự án để xác định mức độ, lộ trình thực hiện. Triển khai đầu tư ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trên cơ sở Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai đã được ban hành nhằm đảm bảo tính kết nối, liên thông, đồng bộ, tránh chồng chéo, lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ quan, đơn vị; tổng hợp kết quả, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho từng nhiệm vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác thông tin chính thống thông qua cổng/ trang thông tin của các cơ quan nhà nước; từng bước triển khai, đào tạo công dân điện tử đảm bảo nguồn lực để triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền thông qua đa dạng hóa các hình thức, quy mô phổ biến kiến thức về công nghệ thông tin và xã hội thông tin đến các tầng lớp nhân dân thông qua truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với các chương trình hội thảo, các chương trình đào tạo phổ cập, bồi dưỡng về công nghệ thông tin. Từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng tham mưu của cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin các cấp; tăng cường cung cấp kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức phục vụ cho việc khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Sử dụng kết quả thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử tại các cơ quan, đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cá nhân, tổ chức làm căn cứ để xét thi đua khen thưởng hàng năm của tỉnh.  

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm trao đổi, giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm hay, giải pháp tốt trong tổ chức xây dựng Chính quyền điện tử tại các địa phương. 6. Kết quả và hiệu quả Các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch được hoàn thành sẽ đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về triển khai Chính quyền điện tử đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Với các mục tiêu đạt được, các cơ quan nhà nước của tỉnh Đồng Nai sẽ đảm bảo các công cụ, phương tiện, môi trường làm việc hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; ứng dụng, khai thác tối đa lợi ích mà công nghệ thông tin đem lại, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, chính trị tại tại địa phương.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2019 - 2020 của tỉnh Đồng Nai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO