Chương trình OCOP Bắc Ninh thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
Bắc Ninh, một tỉnh nằm ở khu vực phía Bắc Việt Nam, đã triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
Sản phẩm OCOP ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng
Được bắt đầu từ năm 2018, chương trình OCOP đã mang lại những kết quả đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp địa phương, đồng thời tạo ra cơ hội phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, số lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh được công nhận đã gia tăng đều qua các năm. Sản phẩm được hoàn thiện dần và ngày càng nâng cao giá trị, từ chất lượng đến mẫu mã, bao bì sản phẩm ngày càng cao, chủng loại sản phẩm đa dạng.
Bắc Ninh đã tận dụng lợi thế của mình trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm để triển khai chương trình OCOP. Tỉnh đã tập trung vào việc phát triển những sản phẩm đặc trưng của địa phương như mây tre đan Xuân Hội, Đúc đồng Đại Bái, nem bùi Ninh Xá, tỏi An Thịnh, Măng tây xanh Gia Bình... Bằng cách nâng cao chất lượng, thiết kế đóng gói và quản lý sản xuất, các sản phẩm này đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng và độc đáo của Bắc Ninh.
Thành công của các sản phẩm OCOP tại Bắc Ninh đến nay không thể không nhắc đến sự quyết tâm thực hiện, chỉ đạo của ban lãnh đạo tỉnh cũng như sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Theo đó, Bắc Ninh đã hỗ trợ các hộ sản xuất và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của chương trình OCOP. Đồng thời, các hoạt động đào tạo và tư vấn nâng cao năng lực sản xuất, kỹ thuật và quản lý đã được tổ chức để giúp nông dân và nhà sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu suất kinh doanh.
Mới đây, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ban hành Quy định hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030. Theo Quy định, các ngành hàng sản phẩm ưu tiên hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu gồm: Điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, phần mềm; Dệt may, da giầy, giấy, nhựa, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ; Chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống; Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn; Sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm OCOP; Sản phẩm tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo; Sản phẩm tái chế, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; Sản phẩm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; Sản phẩm xuất khẩu; Các sản phẩm thân thiện với môi trường và sản phẩm khác.
Nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP
Theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND, nội dung hỗ trợ sẽ bao gồm tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; Giới thiệu, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, báo điện tử, các website thương mại điện tử; Hàng năm, tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Ngày thương hiệu Việt Nam (20/4); Biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu về thương hiệu; Khảo sát, điều tra, xây dựng dữ liệu về thương hiệu; Tổ chức đánh giá, xếp hạng, tôn vinh thương hiệu; Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức trung gian xây dựng và phát triển thương hiệu; Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và công nhận giống cây trồng mới.
Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, mức tối đa 100 triệu đồng/năm đối với các nội dung: Tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; Biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu về thương hiệu; Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức trung gian xây dựng và phát triển thương hiệu.
Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, mức tối đa 600 triệu đồng/năm đối với nội dung: Giới thiệu, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, báo điện tử, các website thương mại điện tử.
Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, mức tối đa 500 triệu đồng/năm đối với nội dung: Tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4) hàng năm.
Hỗ trợ 2 lần/giai đoạn 2014 - 2030, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/lần đối với nội dung: Khảo sát, điều tra, xây dựng dữ liệu về thương hiệu. Hỗ trợ 2 lần/giai đoạn 2024 - 2030, mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/lần đối với nội dung: Tổ chức đánh giá, xếp hạng, tôn vinh thương hiệu.
Đối với đăng ký bảo hộ trong nước, hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ công nhận giống cây trồng mới (30 triệu đồng văn bằng bảo hộ); đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu (15 triệu đồng văn bằng bảo hộ).
Đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ công nhận giống cây trồng mới; đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu (60 triệu đồng/đơn, khi được chấp nhận hợp là về các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn).
Phê duyệt 102 sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2023
Chương trình OCOP đã mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Ninh. Đầu tiên, việc nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp đã tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho người dân địa phương. Các sản phẩm OCOP từ Bắc Ninh đã được quảng bá và tiếp cận được thị trường rộng lớn, bao gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Điều này không chỉ tạo ra thu nhập bền vững cho người dân, mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đã ký, ban hành Quyết định số 1090/QĐ-UBND phê duyệt danh mục sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh năm 2023.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt 102 sản phẩm của 40 chủ thể tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2023. Các sản phẩm chủ yếu thuộc các lĩnh vực như: Lương thực, thực phẩm, dược liệu, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng…
Các địa phương có nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm nay gồm: Thị xã Quế Võ (23 sản phẩm của 08 chủ thể); thành phố Từ Sơn (18 sản phẩm của 05 chủ thể); thị xã Thuận Thành (13 sản phẩm của 06 chủ thể); huyện Tiên Du (12 sản phẩm của 05 chủ thể); thành phố Bắc Ninh (12 sản phẩm của 04 chủ thể)…
Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Tỉnh Bắc Ninh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025 được công nhận ít nhất 200 sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm trở lên đạt chất lượng 5 sao; xây dựng 3 mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với hình thành phát triển chuỗi sản phẩm OCOP.