Ngày 9/12/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Kết quả, bài học và kiến nghị. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, và với mục tiêu tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về môi trường kinh doanh, ngay sau Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Nghị quyết thể hiện rõ thông điệp về đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp. Đặc bệt, Nghị quyết số 02/NQ-CP và những chỉ đạo của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được xem là gói hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp; Qua đó tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, để thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ đó, trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Cụ thể, trình độ phát triển thị trường (Thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84. Phát triển du lịch và lữ hành (Theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới, tháng 5/2022) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (Từ vị trí 60 lên vị trí 52). Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá là nền kinh tế dẫn đầu về mức độ cải thiện hiệu quả chỉ số này. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện.
Theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây. Cụ thể, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân; Chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm trong hầu hết các lĩnh vực thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; Hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện. Niềm tin về triển vọng phục hồi cũng được thể hiện qua những con số về thành lập doanh nghiệp như: Tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 178.485 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; Bình quân một tháng có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 gấp 1,46 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều doanh nghiêp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì mức độ quan tâm của bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống; Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh.
Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (Từ thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (Từ thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (Từ thứ 70 xuống 72). Thực tế này thể hiện qua con số 122.135 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng, tăng 25,8% so với cùng kỳ 2021. Phần lớn trong số đó là tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn, trong đó, áp lực và khó khăn, thách thức những tháng cuối năm 2022 ngày càng rõ ràng, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường. Theo đó, để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu. Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương./.