G20 ưu tiên chuyển đổi số (CĐS) giáo dục
Vấn đề này đã được thảo luận vào ngày đầu tiên của cuộc họp của Nhóm Công tác giáo dục G20 (EdWG) 2022 khai mạc tại thành phố Yogyakarta, Indonesia, nhằm đối phó với thách thức về khả năng tiếp cận giáo dục bình đẳng ở tất cả các cấp học, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương, nhằm phục hồi hậu đại dịch COVID-19.
Theo đó, có 4 ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 sắp tới. Thứ nhất là nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở tất cả các cấp học; thứ hai là dùng công nghệ số để gia tăng công bằng xã hội trong giáo dục; thứ ba là đoàn kết và tăng cường quan hệ đối tác trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu; thứ tư là thiết lập tương lai của thị trường việc làm hậu COVID-19. Tất cả đều có mục tiêu là mang lại thay đổi trong giáo dục nhằm đào tạo thế hệ mới có thể giải quyết các thách thức trong tương lai.
Ông Iwan Syahril, Tổng giám đốc phụ trách giáo viên và nhân viên ngành giáo dục thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia và là Chủ tịch EdWG cho biết: "Tác động nặng nề nhất của đại dịch đối với giáo dục là gián đoạn học tập. Chúng ta phải làm việc cùng nhau để tránh thảm họa này".
Theo ông Iwan Syahril, việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục một cách chiến lược và phù hợp đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng lại nền giáo dục, đồng thời khuyến khích trẻ em học tập tốt hơn. Tuy nhiên, công nghệ vẫn không thể thay thế vai trò của giáo viên.
Việc chuyển sang đào tạo từ xa trực tuyến trong suốt thời kỳ đại dịch đã khiến các giáo viên trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Iwan Syahril cho biết các giáo viên ở Indonesia đã thành công trong việc thích nghi và học hỏi thông qua những thách thức này. Nhiều giáo viên ban đầu chưa sẵn sàng dạy trực tuyến. Nhưng giờ đây, họ đã học được những cách giảng dạy mới và thích nghi.
Một trong số đó là nền tảng Merdeka Mengajar được thiết kế đặc biệt để giáo viên học hỏi lẫn nhau. Đây là một nền tảng công nghệ được cung cấp để trở thành người bạn đồng hành hỗ trợ giáo viên trong việc giảng dạy, học tập và sáng tạo. Sáng kiến này cho phép tất cả học sinh ở Indonesia có được một nền giáo dục chất lượng được phát triển từ sự sáng tạo và ý tưởng đổi mới của các giáo viên thông qua nền tảng Merdeka Mengajar.
"Vì vậy, công nghệ sẽ không thể thay thế vai trò của giáo viên, người gợi mở và định hướng tư duy cho trẻ em", ông Iwan Syahril cho biết.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia còn cung cấp hỗ trợ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho hàng chục nghìn trường học trên khắp Indonesia, bao gồm máy tính xách tay, điểm truy cập, đầu nối, màn hình máy chiếu, loa hoạt động với bộ định tuyến Internet,... Việc ứng dụng công nghệ số trong trường học giúp học sinh và các nhà trường dễ dàng hơn trong quá trình dạy và học.
Tại cuộc họp, phái đoàn đến từ Vương quốc Anh cũng nhất trí rằng công nghệ số có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục. Theo Nikita Pantal, Trưởng nhóm Đối tác quốc tế của Bộ Giáo dục Vương quốc Anh, chính phủ nước này coi các kỹ năng số có vai trò quan trọng trong hỗ trợ một nền kinh tế thành công. Bằng cách đầu tư vào giáo dục số, Vương quốc Anh có thể xây dựng một chương trình giáo dục đa dạng cho thế hệ tương lai.
Indonesia đẩy mạnh CĐS giáo dục
Đại dịch COVID-19 đã khiến các trường học tại Indonesia đóng cửa và làm gia tăng bất bình đẳng trong giáo dục. Tuy nhiên, dịch bệnh đã tạo động lực cho cuộc cách mạng sâu rộng trong trường học.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia cho biết: "Bộ mong muốn đẩy nhanh cải cách giáo dục và đại dịch COVID-19 đã giúp chúng tôi làm điều này. Không chỉ là chính sách, những cải cách sẽ trở thành phong trào lan rộng khắp cả nước".
CĐS giáo dục là một trong những nỗ lực lớn của chính phủ Indonesia nhằm nâng cao chất lượng học tập. Vào năm 2021, Indonesia đã lập quỹ Cải cách chất lượng giáo dục trị giá 400 tỷ rupiah (hơn 27 triệu USD), trong đó phần lớn tập trung vào việc tăng cường chuyển đổi số trong giảng dạy.
Chính phủ Indonesia còn khuyến khích các tổ chức giáo dục ứng dụng công nghệ số để phát hiện và giám sát sự lây lan của COVID-19 tại từng tổ chức giáo dục, ví dụ như việc sử dụng mã QR ở mỗi trường học. Để hỗ trợ việc tổ chức học tập trực tiếp an toàn, dữ liệu giáo dục cơ bản (Dapodik) hoặc hệ thống thông tin quản lý giáo dục (EMIS) của Indonesia đã được tích hợp với ứng dụng PeduliLindungi.
PeduliLindungi là ứng dụng giám sát tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 do Chính phủ Indonesia thiết lập và quản lý nhằm kiểm soát tiêm chủng và cho phép người dân đi lại tại một số nơi như trung tâm thương mại, khu vực công cộng, trường học.
Indonesia cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục bắt buộc phải cài đặt mã QR cho ứng PeduliLindungi tại các khu vực ra/vào của mình để thu thập dữ liệu về những người đến các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, người phụ trách cơ sở giáo dục cũng được yêu cầu xác minh số WhatsApp trên trang web www.kemenkes.go.id hoặc madrasahaman.kemenkes.go.id.
Theo báo cáo của OpenGov Asia, Indonesia đã đạt những bước đột phá từ việc triển khai Chương trình giảng dạy độc lập được hỗ trợ bởi nền tảng Merdeka Mengajar. Nền tảng cung cấp các tài liệu tham khảo cho giáo viên để giúp phát triển các phương pháp giảng dạy phù hợp với Chương trình giảng dạy độc lập./.