Những thuật ngữ như chính phủ số, kinh tế số, xã hội số dần trở lên quen thuộc. Và báo chí cũng không thể đứng ngoài xu thế tất yếu ấy. Báo chí Việt Nam cũng vậy, với những bước đi đầu hội tụ đủ cả cơ hội, khó khăn cũng như thách thức.
Tòa soạn hội tụ, tòa soạn từ xa
Sự phát triển của mạng thông tin toàn cầu Internet cùng các công nghệ số mới, như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), thực tế ảo (VR)… khiến thế giới biến đổi nhanh chóng, sâu sắc, tác động tới mọi lĩnh vực, mọi mặt hoạt động của con người.
Chuyển đổi số trở thành trào lưu diễn ra sôi động, khẩn trương, sâu rộng, triệt để trên toàn cầu. Báo chí – truyền thông cũng nằm trong vòng quay thời đại ấy. Sự chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là tất yếu, từ việc quản lý, tổ chức hoạt động cơ quan báo chí đến các phương thức sản xuất sản phẩm báo chí, vấn đề hoạt động kinh tế báo chí. Các mô hình tòa soạn hội tụ; tòa soạn từ xa (nhất là trong thời kỳ giãn cách xã hội, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động báo chí ở nhiều khâu, công đoạn là bắt buộc); ứng dụng AI trong sản xuất các sản phẩm báo chí, từ phát hiện đề tài, thu thập thông tin đến sản xuất sản phẩm báo chí hoàn thiện; thu phí đọc báo trực tuyến… ngày càng trở lên phổ biến.
Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, các xu hướng báo chí đã, đang và tiếp tục thịnh hành trên thế giới đều gắn với quá trình chuyển đổi số, như: Cá nhân hóa nội dung (Content personalization), đa nền tảng (multi-platform), báo chí di động (mobile media, mobile journalism), báo chí xã hội (social media, social journalism), báo chí dữ liệu (data journalism), báo chí sáng tạo (innovative journalism), siêu tác phẩm báo chí (digital mega-stories), file âm thanh trên mạng (podcast)…
Ở Việt Nam, các mô hình tòa soạn hội tụ xuất hiện ngày càng nhiều, các cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, đa loại hình cũng được hình thành, hoạt động hiệu quả. Không ít cơ quan báo chí đã mạnh dạn đầu tư vào các sản phẩm báo chí chất lượng cao, báo chí dữ liệu, các hình thức thể hiện tác phẩm báo chí kết hợp nhiều loại hình báo chí khác nhau, những sản phẩm báo chí độc quyền được đầu tư “ra tấm ra món” về nhân lực, tài lực, vật lực.
Việc số hóa quá trình sản xuất sản phẩm báo chí - truyền thông nói chung, một tác phẩm báo chí - truyền thông nói riêng được tiến hành mạnh mẽ. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn nhân lực, vật lực (nhất là giấy in, mực in) mà còn thể hiện rõ trách nhiệm của từng người, từng bộ phận, cũng như cả dây chuyền sản xuất.
Bên cạnh đó, từng khâu trong quy trình quản lý tòa soạn/cơ quan báo chí cũng được số hóa, giúp việc chỉ đạo, điều hành, giám sát hiệu quả hơn. Số hóa trong quản lý báo chí giúp các cơ quan báo chí tận dụng triệt để các nguồn lực có sẵn, giám sát có hiệu quả các quá trình tác nghiệp của từng phóng viên cũng như cả tòa soạn. Đơn cử, rất nhiều cơ quan báo chí không quản lý phóng viên theo giờ hành chính, theo sự có mặt của họ tại tòa soạn, mà theo sản phẩm, theo định mức, theo hạn định với những nội quy, quy chế rõ ràng. Phóng viên hoàn toàn có thể hoàn thiện sản phẩm báo chí và gửi về tòa soạn bằng nhiều cách khác nhau dựa trên thiết bị có kết nối Internet; ở nhiều nơi khác nhau, có thể tại hiện trường, quán cà phê, thậm chí ở nhà.
Tương tự, các cuộc họp trực tuyến cũng xuất hiện nhiều hơn, nội dung được quán triệt trực tiếp, tiết kiệm tối đa chi phí đi lại, nhất là với các tòa soạn có nhiều cơ quan đại diện, văn phóng thường trú ở các vùng, miền trên cả nước… Điều này chỉ báo rằng mô hình tòa soạn hội tụ, tòa soạn từ xa sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn, nhất là trong những điều kiện buộc phải thực hiện giãn cách như trong thời kỳ đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát.
Kinh tế báo chí và thu phí báo điện tử
Hồi tháng 1-2021, Viện nghiên cứu truyền thông Reuters và Đại học Oxford (Anh) công bố kết quả khảo sát về dự đoán và xu hướng công nghệ, truyền thông và báo chí 2021 cho thấy không ít số liệu đáng tham khảo về nhiều lĩnh vực, nhất là ứng dụng AI, Big Data, thu phí đọc báo trực tuyến. Ví như, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2020 của The New York Times Company, tờ New York Times đã lập kỷ lục cho hoạt động kinh doanh thuê bao của mình trong năm 2020. Cụ thể, trong quý IV/2020, doanh thu đăng ký kỹ thuật số digital (thu phí đọc báo điện tử) là 167 triệu USD, tăng 37% so với những tháng cuối năm 2019. Tính cả năm 2020, con số đó là 598,3 triệu USD, tăng 30% so với năm 2019…
Trước đó, New York Times cũng đứng đầu trong danh sách các cơ quan báo chí có nguồn thu từ việc kinh doanh thuê bao khi Mạng lưới truyền thông toàn cầu (FIPP) công bố báo cáo đầu tiên về tình hình thu phí digital, công bố vào tháng 6/2018. Trong số gần 10 triệu người trả phí để đọc báo điện tử, ngoài New York Times còn có một số tờ nhiều người đọc khác là: Wall Street Journal, Washington Post (Mỹ), Bild (Đức), Financial Times, Economist, Times of London (Anh), Aftonbladet (Thụy Điển). Hơn 1 năm sau, vào tháng 11/2019, bản cập nhật của FIPP cho thấy con số này đã tăng lên hơn 20 triệu thuê bao, gấp hơn 2 lần so với thời điểm tháng 6/2018.
Trong khi đó, báo cáo thường niên năm 2020 của Viện nghiên cứu truyền thông Reuters và Đại học Oxford có công bố kết quả khảo sát về dự đoán và xu hướng công nghệ, truyền thông, báo chí cho thấy có tới 52% số lãnh đạo các cơ quan báo chí tại 29 quốc gia khẳng định rằng, thu phí báo điện tử sẽ là trọng tâm tạo doanh thu của họ trong thời gian tới… Tất nhiên, việc thu phí không phải là dễ dàng, và không phải cơ quan báo chí nào cũng có thể thành công trong vấn đề này. Đơn giản, ngoài việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng thói quen, nhu cầu, đối tượng công chúng, mỗi tờ báo cần có thông tin có giá trị thực sự, những tác phẩm báo chí độc quyền khiến công chúng buộc phải vui vẻ đăng ký trả tiền đọc tin tức dài hạn trên báo mạng điện tử (digital subscription), hay các hình thức thanh toán khác, thậm chí đọc bài nào trả tiền bài đó…
Ở Việt Nam, vào cuối tháng 3/2021, Tạp chí điện tử Ngày Nay (ngaynay.vn) chính thức ra mắt báo thu phí trực tuyến. Đây là lần đầu tiên một tạp chí điện tử tại Việt Nam ứng dụng các công nghệ số để tương tác và tìm kiếm sự ủng hộ từ bạn đọc. Cụ thể, nếu muốn đọc, lưu trữ những sản phẩm được cho là đặc biệt trên chuyên mục Special Today (chuyên mục thu phí) trên ngaynay.vn, bạn đọc sẽ phải trả phí thông qua các nền tảng thanh toán trực tuyến như ViettelPay, Bank Plus, thẻ ATM, thẻ tín dụng quốc tế…
Trước đó, Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) là một trong những cơ quan báo chí trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thu phí bạn đọc đối với những sản phẩm báo chí mang tính chất chuyên biệt, chuyên sâu, độc quyền, được đầu tư nhiều công sức, trí tuệ và kinh phí. Xa hơn, vào đầu những năm 1990, một số cơ quan báo chí lớn có phiên bản điện tử, ví như Báo Lao động, đã tính đến phương án thu phí bạn đọc, “ăn chia” lợi nhuận với nhà cung cấp (như hình thức Facebook, YouTube trả tiền cho những người làm nội dung đăng tải trên nền tảng của họ hiện nay) nhưng rồi không thành công.
Nhìn chung, việc thu phí đọc báo mạng điện tử ở Việt Nam vấp phải rào cản rất lớn là thói quen “đọc chùa” của đa số người đọc, trong khi các cơ quan báo chí lại chưa mạnh dạn tạo sự đột phá, khẳng định việc “bán” từng bài trên báo mạng điện tử có thể mang lại nguồn thu cho tòa soạn. Một vấn đề khác, nhiều cơ quan báo chí vẫn đang cố gắng thu hút bạn đọc miễn phí càng nhiều càng tốt, để có thể tìm kiếm từ các nguồn khác, như quảng cáo, hợp tác truyền thông, tài trợ…
Có thể cho rằng, dẫu còn không ít trở ngại, thách thức, khó khăn, nhưng việc thu phí báo mạng điện tử chắc chắn là hướng đi rất đáng tham khảo trong việc đa dạng hóa nguồn thu của mỗi cơ quan báo chí, cũng như cả nền báo chí. Vượt qua những trở lực này, chắc chắn một ngày nào đó bạn đọc muốn đọc thông tin đặc biệt trên báo mạng điện tử cũng sẽ phải trả phí như khi đặt mua báo in truyền thống.
Tín hiệu khả quan
Phải ghi nhận rằng các cơ quan báo chí ở Việt Nam đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, ở nhiều khâu khác nhau, đạt được những kết quả ban đầu khá tích cực, nhất là về mặt tổ chức vận hành tòa soạn hội tụ, tòa soạn từ xa, nâng cao chất lượng quản lý cũng như các sản phẩm báo chí đến việc thu phí đọc báo mạng điện tử... Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc chuyển đổi số của báo chí Việt Nam nhìn chung vẫn chưa được phổ biến, đồng bộ, công nghệ chưa cập nhật so với thế giới. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi hai vấn đề mấu chốt là kinh phí (để đầu tư cơ sở vất chất, hạ tầng kỹ thuật, tổ chức thực hiện tòa soạn điện tử…) và nhân lực (không nhiều cơ quan báo chí có đội ngũ giỏi chuyên môn nghiệp vụ báo chí lại thành thạo công nghệ mới)…
Nhưng dẫu sao, những bước đi đầu tiên với các kết quả tích cực và cả những thách thức, hạn chế đã đưa ra lời chỉ báo rằng, chuyển đổi số trong báo chí là xu hướng tất yếu, nhằm đem đến các sản phẩm báo chí chất lượng cả về nội dung và hình thức, đủ sức thu hút công chúng, qua đó góp phần tìm kiếm nguồn thu, giải quyết bài toán kinh tế cho các cơ quan báo chí. Điều này càng có cơ sở hơn, khi vào đầu năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố 3 nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí chuyển đổi số, giúp các cơ quan báo chí tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút công chúng. Trong đó, đáng chú ý là nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, hoạt động quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác hai chiều với bạn đọc, đo lường số lượng bạn đọc, ứng dụng công nghệ, trình bày nội dung và sẵn sàng cho một mô hình thu phí của báo điện tử trong một tương lai gần.
Có thể khẳng định rằng, với những tín hiệu khả quan trong thời gian qua, sự quyết tâm cao độ từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cũng như mỗi tòa soạn; chắc chắn quá trình chuyển đổi số trong báo chí Việt Nam sẽ sớm đạt được những thành công, góp phần giúp báo chí hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, đóng góp tích cực, xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2021)