Chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Hoàng Linh 10/04/2023 08:00

Trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS) và tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 vào công tác bảo tồn di tích là hết sức cần thiết.

Đây sẽ là cầu nối đưa các di tích đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội.

Tóm tắt:

* Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về di sản văn hóa, chỉ tiêu cơ bản: 100% các di tích quốc gia đặc biệt, 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số.

* Một số kết quả CĐS trong lĩnh vực bảo tồn di tích tiêu biểu bước đầu: Ứng dụng (app) hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, App trải nghiệm thực tế ảo VR 3D trong hoạt động tham quan tại Hoàng Thành Thăng Long; Số hóa các tài liệu Hán Nôm các văn bản, tư liệu Hán Nôm sưu tầm tại các di tích,.... * Thách thức: Xây dựng các nội dung cần thực hiện, tiêu chí thực hiện, xác định các di tích cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số (CĐS); cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu CĐS; thiếu nguồn nhân lực CNTT; thiếu kinh phí thực hiện.

* Giải pháp: Nhà nước đầu tư các nền tảng công nghệ lõi mang tính xương sống, doanh nghiệp, xã hội, địa phương có thể dựa trên đó hoàn thiện; ban hành chính sách đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện xã hội hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghệ...; đầu tư phát triển nguồn lực con người * CĐS lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên - Huế - kinh nghiệm từ thực tiễn.

Xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về di sản văn hóa phục vụ lưu trữ bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản

Ngày 31/12/2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Chương trình CĐS của Bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Chương trình CĐS đến năm 2025 được Bộ VHTTDL xác định với 4 nội dung cơ bản: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật để bắt kịp những thay đổi công nghệ, đảm bảo phát triển vận hành Chính phủ điện tử (CPĐT); Hiện đại hóa hạ tầng CNTT; Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nội bộ cơ quan quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp và bảo đảm an toàn thông tin.

Trong lĩnh vực di sản, Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt theo Quyết định số 2026/QĐ- TTg ngày 02/12/2021. Chương trình đặt mục tiêu xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc CPĐT và Hệ tri thức Việt số hóa; đẩy mạnh CĐS, thực hiện liên thông dữ

liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm ứng dụng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Theo đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2030: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng CĐS.

CĐS là công cụ giúp cộng đồng hiểu biết hơn về giá trị di sản

Hiện nay, theo Bộ VHTT&DL, có hơn 4.000 di tích được xếp hạng Quốc gia và 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với đó là gần 300 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bao gồm các lễ hội truyền thống, di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết và ngữ văn dân gian.

Vì vậy, để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa này đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu thực hiện công tác bảo tồn di tích cũng như cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, vừa khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc ứng dụng CNTT, CĐS là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống.

Theo Viện Bảo tồn di tích - Bộ VHTT&DL, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, hiện nay tại nhiều di tích, đặc biệt là các di tích lớn đã ứng dụng tốt công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động thuyết minh giới thiệu, quảng bá giá trị di sản đem lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho người tham quan. Việc ứng dụng công nghệ trong việc giới thiệu di tích, tái hiện các sự kiện lịch sử là hướng đi đúng đắn, hiệu quả và giúp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cũng như mang đến các hình thức du lịch mới.

CĐS trong lĩnh vực bảo tồn di tích

Theo bà Huỳnh Phương Lan, Viện Bảo tồn di tích hiện nay tại nhiều địa phương, đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp CĐS, ứng dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai ứng dụng (app) hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR 3D trong hoạt động tham quan tại Hoàng Thành Thăng Long..., số hóa các tài liệu Hán Nôm các văn bản, tư liệu Hán Nôm sưu tầm tại các di tích. “Đây là thành tựu bước đầu, tạo cơ sở cho việc CĐS trong lĩnh vực bảo tồn di tích”.

anh2baitren-1654768102130-1654768102349830999023.jpeg
Di tích Hoàng cung Thăng Long thời nhà Lý bằng công nghệ 3D (Ảnh: daidoanket.vn)

Trên thế giới, công nghệ thực tế ảo đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực bảo tồn di tích, đặc biệt trong việc tái hiện, phục dựng các di tích, thắng cảnh đến nay không còn quá mới mẻ. Hầu hết các di tích lớn như: đấu trường La Mã,

các lăng tẩm Ai cập cổ đại, cố đô Nara (Nhật Bản), Đại Minh cung (Trung Quốc), đền Ananda Ok Kyaung (Bagan, Myanmar), cung điện Al Azem Palace (Damascus, Syria), thành phố cổ Chichen Itza (Mexico)... đều đã ứng dụng công nghệ này. Gần đây, việc nghiên cứu xây dựng mô hình phục dựng điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long) phục vụ công tác phục dựng cũng thu hút đông đảo người quan tâm.

Trong nhiều năm nay, Viện Bảo tồn di tích đã thực hiện việc số hóa di tích, trong đó tập trung vào việc số hóa các dữ liệu liên quan tới di tích và công tác bảo tồn di tích, số hóa 2D và 3D đối với một số di tích tiêu biểu. Hệ thống CSDL này đã được công bố trên website Ngân hàng dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích, với dữ liệu của 4000 di tích, thu hút đông đảo số lượng người tham gia truy cập.

Thách thức và giải pháp

Theo Viện Bảo tồn di tích, bên cạnh những thuận lợi và kết quả bước đầu đã đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CĐS trong lĩnh vực văn hóa bảo tồn di tích cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bao gồm: xây dựng các nội dung cần thực hiện số hóa, xác định các tiêu chí thực hiện, các di tích cần ưu tiên thực hiện CĐS; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng CSDL phục vụ số hóa; việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa, CĐS.

Quá trình thực hiện số hóa di tích, di sản cần được triển khai một cách toàn diện đối với các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các đơn vị trong khối di sản văn hóa của mỗi địa phương. Từ việc khảo sát, tập hợp, xây dựng CSDL phục vụ số hóa, đến việc xây dựng kho dữ liệu số dùng chung cần được thực hiện bài bản, theo quy chuẩn phù hợp. Các đơn vị đã số hóa dữ liệu, có CSDL riêng cần sớm thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan.

Cùng với đó, việc triển khai CĐS trong lĩnh vực bảo tồn di tích còn khá mới mẻ, chưa có đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo CNTT để đáp ứng công việc và thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, CĐS trong lĩnh vực bảo tồn di tích.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã khẳng định quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thích ứng xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại... Các địa phương có di sản nổi tiếng cũng bước đầu vượt khó, nỗ lực tiếp cận thành quả công nghệ mới trong việc tạo ra các giá trị gia tăng bền vững từ di sản. Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Nền tảng công nghệ của Việt Nam nói chung và của các địa phương có di sản chưa phải là thế mạnh với hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, CSDL đã được số hóa về di sản còn mỏng.

anh1baitren-1654768094299-16547680958171695776966.jpeg
Chùa Một Cột (Diên Hựu) thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo (Ảnh: daidoanket.vn)

Số hóa tiến tới CĐS di sản là xu hướng tất yếu và là một trong những giải pháp nhằm tối ưu lưu trữ, bảo tồn, và phát huy giá trị các di sản hiện nay và hướng tới phát triển du lịch thông minh, đưa di sản đến gần hơn với du khách và người dân.

Trước mắt để triển khai việc số hóa trong lĩnh vực bảo tồn di tích cần thực hiện việc xây dựng hệ thống các tiêu chí lựa chọn giải pháp số hóa với các di tích và hệ thống yêu cầu về kỹ thuật đối với từng loại hình dữ liệu.

Đối với mỗi loại hình di tích có những đặc điểm riêng. Xuất phát từ nhu cầu quản lý, bảo tồn, cần xác định phương pháp số hóa thích hợp nhất trên cơ sở những kỹ thuật số hóa hiện có cũng như những khả năng về kiến thức, chuyên môn, trang thiết bị và nguồn lực tài chính và ưu tiên các số liệu dạng số được bảo tồn trong thời gian, được chia sẻ và khai thác dễ dàng. Các tiêu chí để lựa chọn giải pháp số hóa sẽ bao gồm các tiêu chí về niên đại, giá trị kiến trúc nghệ thuật, cụ thể:

- Đối với các di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt có giá trị tiêu biểu, có niên đại sớm (thế kỷ 16, 17, 18) thực hiện việc tạo lập, xây dựng dữ liệu số hóa 3D di tích (ưu tiên hạng mục gốc), dữ liệu số 2D (dữ liệu hai chiều được thể hiện dưới dạng hồ sơ viết, hồ sơ ảnh, hồ sơ bản vẽ, hình ảnh, âm thanh) và các dữ liệu liên quan tới di tích.

- Đối với các di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia thực hiện tạo lập xây dựng dữ liệu số hóa 2D và các dữ liệu liên quan tới di tích.

- Đối với việc số hóa các tài liệu có liên quan, bên cạnh các hồ sơ mang tính pháp lý như hồ sơ xếp hạng, tập trung số hóa các hồ sơ hiện trạng, hồ sơ di tích, là các tài liệu có tần suất sử dụng cao. Ngoài ra ưu tiên tài liệu độc bản, tài liệu quý hiếm mang giá trị lịch sử, thời gian thực hiện sớm...

- Xây dựng các yêu cầu về kỹ thuật, trong đó có các yêu cầu về kiểu tệp (file), định dạng của các sản phẩm số hóa theo từng loại hình (hồ sơ bản ảnh, hồ sơ bản vẽ, văn bản, âm thanh, phim...)

- Xây dựng các yêu cầu về số lượng, hình thức đối với các dạng file dữ liệu; Xây dựng yêu cầu về nội dung số hóa theo từng loại hình di tích, từng cấp xếp hạng di tích; Xây dựng quy trình điển hình để triển khai diện rộng việc số hóa di tích;

- Rà soát phân loại các di tích theo tiêu chí đã được xây dựng; Rà soát đánh giá hồ sơ (cả hồ sơ cứng và dữ liệu số) về các di tích hiện đang được lưu trữ tại Cục Di sản văn hóa và các đơn vị có liên quan; đánh giá mức độ đáp ứng về nội dung theo các tiêu chí đã đưa ra.

- Hệ thống hóa và sắp xếp theo từng nhóm, xây dựng phương án và kế hoạch số hóa đáp ứng theo nguồn kinh phí hàng năm.

Theo bà Huỳnh Phương Lan, để thực hiện bảo tồn di tích thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là rất cần thiết và cần được thực hiện theo lộ trình bài bản, khoa học, có sự phối hợp linh hoạt giữa các địa phương, bộ, ngành liên quan. Đầu tiên là giải bài toán đầu tư kinh phí cho ứng dụng để công nghệ phát triển, cập nhật liên tục. Theo đó, Nhà nước cần đầu tư các nền tảng công nghệ lõi mang tính xương sống, cơ bản để doanh nghiệp, xã hội, địa phương có thể dựa trên đó hoàn thiện, đồng bộ và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ; ban hành chính sách đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện xã hội hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghệ...

Song song với đó, đầu tư phát triển nguồn lực con người cũng là yếu tố then chốt. Bên cạnh một đội ngũ có trình độ chuyên môn về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cần đào tạo một đội ngũ nhân lực công nghệ riêng, có khả năng nắm bắt, thực hành các thành tựu, xu hướng mới của công nghệ, từ đó có sự phối hợp hiệu quả.

CĐS lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên - Huế - kinh nghiệm từ thực tiễn

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có gần 1000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 03 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế có 07 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 loại hình khác nhau (Di sản vật thể: Quần thể di tích Cố đô Huế; Di sản phi vật thể: Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Thực hành tín ngưỡng thờ
Mẫu Tam Phủ; Di sản tư liệu: Mộc Bản, Châu Bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế).

20200807minhhoa2.jpeg
Cổng Ngọ Môn - Đại Nội Huế (nguồn Khamphahue.com.vn)

TS. Phan Thanh Hải, Sở VHTT&DL cho biết: Thừa Thiên - Huế là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa và đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phong phú đó đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng; đặc biệt cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, vừa khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản để đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh: “Việc ứng dụng CNTT, CĐS là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống ở Thừa Thiên - Huế trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

CĐS là một xu hướng tất yếu. Riêng ở lĩnh vực văn hóa, di sản, việc số hóa và từng bước CĐS được xem là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc khai thác, quảng bá văn hóa, di sản.

CĐS trong lĩnh vực văn hóa di sản đang diễn ra liên tục xuyên suốt và không ngừng nghỉ theo từng mức độ phát triển công nghệ. Các ưu việt của công nghệ mới đã và đang được khai thác tối đa trong các hoạt động của đời sống xã hội nói chung và của ngành Văn hóa nói riêng.

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CĐS trong lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên - Huế đang có nhiều thuận lợi khi UBND tỉnh đã quan tâm ban hành Kế hoạch số 399/KH-UBND ngày 01/11/2021 về triển khai ứng dụng CNTT và CĐS ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Hệ thống các di tích, hiện vật, tư liệu, các lễ hội tiêu biểu, có giá trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được kiểm kê, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học kèm bản chụp các hình ảnh về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội. Đây là tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện số hóa, CĐS các di sản văn hóa trong thời gian tới.

Một số đơn vị đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp CĐS, áp dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét Mã QR để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 3600; phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số, scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage... Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức các cuộc triển lãm 3D, giới thiệu không gian, tham quan bảo tàng và các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hình ảnh 360 độ trực tuyến trên Website; Thư viện Tổng hợp tỉnh đã thực hiện scan, số hóa các tài liệu hán nôm được sưu tầm (là những loại tài liệu: sắc phong, chế, chiếu chỉ, lệnh chỉ, gia phả, địa bạ, đinh bạ, văn bằng, văn bản hành chính, văn cúng đang lưu giữ tại các dòng họ, làng với sự phong phú và đa dạng, nhiều chất liệu khác nhau) với hơn 400.000 trang tài liệu có giá trị, tương ứng với khoảng 4.980 đầu tài liệu các loại tại 187 làng, 923 họ tộc, 18 phủ đệ và tư gia trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Tuần lễ Festival Thừa Thiên - Huế năm 2022 đã ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping hiện đại để tổ chức lễ khai màn độc đáo và đầy ấn tượng.

0018-16400789132481449371675.jpeg
Quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế thông qua hình thức trực tuyến không gian ảo 3D vào tháng 1/2022 (Ảnh: Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế)

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả bước đầu đã đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CĐS trong lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên - Huế cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bao gồm xây dựng, xác định các nội dung văn hóa, di sản ưu tiên thực hiện CĐS; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng CSDL phục vụ số hóa; việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa, CĐS; các doanh nghiệp công nghệ có nền tảng số phục vụ CĐS trong lĩnh vực văn hóa, di sản trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo CNTT để đáp ứng công việc... và thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, CĐS trong lĩnh vực văn hóa, di sản.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách để hỗ trợ, thu hút các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào quá trình CĐS lĩnh vực di sản văn hóa. Một số đơn vị đã bước đầu tiếp cận và thực hiện nhiệm vụ CĐS như một nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đơn vị trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, theo TS. Phan Thanh Hải, việc CĐS trong lĩnh vực văn hóa, di sản mới chỉ dừng ở mức tiếp cận ban đầu như số hóa các dữ liệu, tư liệu hiện vật dưới dạng thông tin, bản chụp hình ảnh, một số công trình di tích, cổ vật, bảo vật đã được số hóa, quét hình ảnh 3D nhưng rất ít, mớCi chỉ mang tính thử nghiệm; chưa có mô hình CĐS toàn diện trong lĩnh vực văn hóa di sản...

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2023)

Bài liên quan
  • Du lịch di sản thích ứng chuyển đổi số
    Chỉ là những chi tiết nhỏ như hỗ trợ mua vé trực tuyến, đỗ xe, mua nước uống…, song các app (ứng dụng) du lịch số thực sự là “người bạn đường” tận tụy, tạo nên những trải nghiệm dễ chịu và thuận tiện cho du khách. Tết này, hãy “xách ba lô lên và đi”, mọi chuyện về cuộc hành trình đã có... app lo liệu.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO