Chuyển đổi số

Du lịch di sản thích ứng chuyển đổi số

Nguyệt Linh 06/02/2023 08:05

Chỉ là những chi tiết nhỏ như hỗ trợ mua vé trực tuyến, đỗ xe, mua nước uống…, song các app (ứng dụng) du lịch số thực sự là “người bạn đường” tận tụy, tạo nên những trải nghiệm dễ chịu và thuận tiện cho du khách. Tết này, hãy “xách ba lô lên và đi”, mọi chuyện về cuộc hành trình đã có... app lo liệu.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phát huy giá trị di sản, quảng bá du lịch trong nước là bước đi nhằm cụ thể hóa các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

chua-mot-cot.png

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những điểm đến năng động trong chuyển đổi số.

Trải nghiệm du lịch mới

Là sinh viên đang theo học chuyên ngành liên quan tới văn hóa, Mai Hoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) và những người bạn quan tâm đến việc khám phá những địa điểm dường như đã quen thuộc ở Thủ đô. Vào mỗi cuối tuần, Hoa cùng nhóm bạn lại tụ tập để thực hiện những “tour giải ngố” quanh Hà Nội. Với chiếc điện thoại luôn đầy pin, nhóm đã có nhiều chuyến đi thú vị thông qua sự trợ giúp của ứng dụng hướng dẫn du lịch.

“Ở Hà Nội suýt soát ba năm nhưng có nhiều địa điểm trong thành phố mình chưa tới bao giờ. Trong một lần tìm thông tin làng nghề để làm bài tập nhóm, chúng mình mày mò rồi tìm ra ứng dụng MyHanoi. Sau chuyến đi, thấy ứng dụng hữu ích quá nên nhóm quyết tâm lên lịch đi hết các lộ trình được giới thiệu”, Mai Hoa vui vẻ kể trong lúc khoe logo Khuê Văn Các - biểu tượng của thành phố Hà Nội đang hiện trên màn hình điện thoại.

p2_bai02_anh-2.jpg

Hệ thống bán vé điện tử mang lại nhiều tiện lợi cho du khách.

Ngoài 5 lộ trình mẫu gợi ý và dữ liệu về phương tiện, giá vé, thời gian tại những điểm đến đa dạng của Thủ đô là các khu di tích, bảo tàng, làng nghề, danh lam thắng cảnh, MyHanoi còn hỗ trợ người sử dụng những nhóm thông tin chuyên biệt, liên quan tới điểm đến hút khách, ẩm thực đặc trưng, đặc sản Hà Nội và chương trình khuyến mãi. Ứng dụng là một phần trong định hướng chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh do Tổng cục Du lịch phối hợp cùng các địa phương trong cả nước thực hiện. Bên cạnh các ứng dụng du lịch qua điện thoại thông minh, hướng dẫn du lịch ảo, bản đồ số du lịch vài năm trở lại đây, một số điểm đến đã đưa vào khai thác hệ thống thuyết minh tự động cùng nhiều công nghệ hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu khách tham quan.

Nhận định về quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch trong thời gian qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy bày tỏ, với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Tổng cục Du lịch tập trung vào các giải pháp mang tính chất nền tảng, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, đặt ra mục tiêu hỗ trợ các bên liên quan như địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch tham gia vào hệ sinh thái du lịch thông minh, khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số.

Gần đây đa số các khâu trong hành trình du lịch đều có thể được thực hiện trên môi trường số như tìm kiếm thông tin, đặt tour và dịch vụ du lịch. Do đó, việc kết nối các di sản, danh thắng với nền tảng du lịch số là cấp thiết. Các điểm đến cần đẩy nhanh công tác nghiên cứu, áp dụng hình thức bán vé tham quan trực tuyến, hỗ trợ du khách thanh toán không dùng tiền mặt tại chỗ khi mua và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ như mua đồ lưu niệm, mua nước uống, đỗ xe... Đây là những chi tiết nhỏ nhưng khi phối hợp sẽ tạo nên trải nghiệm dễ chịu, thuận tiện cho khách du lịch.

“Hiện nay Tổng cục Du lịch đã hình thành hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành du lịch Việt Nam, bao gồm các dữ liệu thành phần như doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch... Trong thời gian tới, các địa phương, khu/điểm du lịch cần đẩy mạnh số hóa các điểm đến và tích hợp vào cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch. Qua đó sẽ giúp hình thành nguồn dữ liệu lớn rất quan trọng để phục vụ công tác quản lý cũng như xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia cũng như địa phương”, ông Thủy cho biết.

p2_bai02_anh-3.jpg

Điện thoại thông minh mở ra kho tư liệu kết hợp âm thanh, hình ảnh và văn bản.

Hút khách bằng thực tế ảo

Tháng 11 vừa qua, nhân dịp hưởng ứng Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 và Ngày Di sản Việt Nam, nền tảng Thực tế ảo cho giải trí và giáo dục - Holomia đã cung cấp chương trình trải nghiệm di sản bằng thực tế ảo: “Đưa di sản tới đương đại”. Với mong muốn mang con người đến gần nhau hơn, tương tác, học hỏi kiến thức, Holomia đã tạo ra những không gian trải nghiệm không chịu rào cản địa lý, thời gian và khoảng cách cho du khách.

Đại diện Hội quán di sản, ông Trần Thanh Tùng cho biết nhóm thiết kế sử dụng ngôn ngữ của trò chơi điện tử nhằm tạo ra những tương tác gần gũi hơn giữa du khách và di sản. Sau sự kiện triển lãm thu hút trên 10.000 người tham dự vào năm 2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong lần trở lại mới nhất, Holomi mang tới nhiều nội dung trải nghiệm công nghệ hấp dẫn, cuốn hút từ thực tế ảo, game hóa các trải nghiệm truyền thống qua trò chơi Hứng dừa, Cung thủ Long Thành.

Khán giả tham gia trải nghiệm tại triển lãm sẽ trở thành chiến binh tương lai chiến đấu trong không gian thời Lý. Cùng với đó, du khách được trải nghiệm “xuyên không” để thưởng lãm kinh thành Thăng Long xưa, trở về hiện tại ghé thăm những di sản đương đại của Việt Nam như Quần thể danh thắng Tràng An, chùa Một Cột,... Đây là những sáng tạo từ công nghệ được kỳ vọng góp phần mô tả rõ hơn, đa dạng không gian hơn về Việt Nam tươi đẹp, phong phú với bề dày nghìn năm lịch sử.

Ghé thăm Hà Nội trùng với thời điểm diễn ra Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2022, anh Javier Ortuzar (Tây Ban Nha) đã có nhiều trải nghiệm độc đáo khi tham gia triển lãm “Đưa di sản tới đương đại” tại số 2 Lê Thái Tổ. Sau vài phút “nhập vai” cung thủ Long Thành, vị khách này tỏ ra vô cùng hào hứng với văn hóa bản địa theo cách sống động nhất.

p2_bai02_anh-4.jpg

Phần đa các điểm thăm quan hiện nay trang bị màn hình cảm ứng để du khách trải nghiệm tương tác trực tiếp với thông tin.

“Đây đã là lần thứ hai tôi đến Hà Nội. Trước đây, tôi chưa từng nghe giới thiệu từ trong quá khứ, đất nước các bạn đã sở hữu một tuyệt tác kiến trúc như Long Thành. Tôi tin rằng bằng cách kết hợp của lịch sử và công nghệ, văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ tiếp tục gây ấn tượng mạnh mẽ tới du khách quốc tế”, anh Javier Ortuzar chia sẻ.

Việc kết hợp giữa di sản văn hóa với công nghệ hiện nay vừa là xu hướng, vừa là cầu nối cho những người nghiên cứu, người sáng tạo có cơ hội có thể giả lập trên môi trường ảo, tạo ra sản phẩm và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến với công chúng, giúp họ hiểu, có cách nhìn đa dạng hơn với văn hóa. Bàn luận về tầm quan trọng của công nghệ, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó Giáo sư Đặng Văn Bài khẳng định: “Công nghệ số sẽ tạo điều kiện cho du khách tiếp cận thông tin, hình ảnh toàn diện, tạo ra sản phẩm hiện thực ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, thu thập kiến thức. Để làm được điều này, các cơ quan cần chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0”.

Tiềm năng và thách thức từ số hóa

Để quảng bá và thu hút khách, ứng dụng công nghệ là giải pháp được nhiều đơn vị bảo tàng, khu di tích triển khai trong thời gian qua. Đây là bài toán để các điểm đến cân nhắc, lựa chọn công nghệ và thường xuyên cập nhật để bắt kịp xu thế tất yếu của chuyển đổi số.

p2_bai02_anh-5.jpg

Số hóa di sản giúp liên kết trải nghiệm trên các không gian ảo.

Là một trong những đơn vị được đánh giá cao về thực hiện hiệu quả công việc chuyển đổi số, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết nhu cầu của khách tham quan đã có những sự thay đổi rất rõ rệt, và khách đòi hỏi cao hơn, không chỉ đến di tích tham quan để chiêm ngưỡng những giá trị vật thể mà du khách muốn tìm hiểu những giá trị phi vật thể, do vậy phải giúp du khách tiếp cận được những giá trị của di tích thông qua các sản phẩm, hoạt động cụ thể.

Bên cạnh đó, công nghệ cũng đòi hỏi các bảo tàng, di tích phải thay đổi trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Đây là những nhân tố đòi hỏi các bảo tàng, di tích phải nghiên cứu để xây dựng những sản phẩm mới phù hợp với điều kiện mới.

Nhận định về bối cảnh chuyển đổi số của các điểm đến, khu di tích, bà Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam bày tỏ: “Các bảo tàng, di tích cần đa dạng các sản phẩm văn hóa, tạo ra sản phẩm có bản sắc của mình, đừng na ná giống nhau. Các sản phẩm phải dựa trên kho tàng di sản của chúng ta. Nhìn từ phương pháp cũng phải trên di sản, dựa trên hiện vật của mình. Công nghệ, hay những giải pháp gì chăng nữa đừng quên rằng: sứ mệnh của bảo tàng, di tích là trực quan sinh động, là cảm xúc. Đối tượng khách của các bảo tàng, di tích là công chúng, là cộng đồng, là khách du lịch và trong các đối tượng khách thì trẻ em là ưu tiên. Bởi vì trẻ em là tương lai của chúng ta. Bởi thế bảo tàng, di tích nào cũng phải làm giáo dục, đó là một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của các bảo tàng, di tích”.

p2_bai02_anh-6.jpg

Khu vực hỗ trợ công nghệ cho du khách tại Nhà tù Hỏa Lò

Hiện Cục Di sản văn hóa đã có văn bản gửi các Sở, bảo tàng, di tích trong việc đưa công nghệ 4.0 vào thực tiễn. Cục cũng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc xây dựng dữ liệu số về di sản văn hóa, bởi nếu không có nội dung thì không có gì để xây dựng nền tảng số.

Với nhóm của Mai Hoa, sau khi trải nghiệm trọn vẹn các lộ trình qua ứng dụng MyHanoi các bạn trẻ đã dần hình thành thói quen tìm kiếm những ứng dụng, chỉ dẫn số tại điểm đến. Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Hoa và các bạn ghé thăm thành phố đáng sống Đà Nẵng, trải nghiệm ứng dụng Cchatbot “Da Nang Fantasticity”, công nghệ mới được sử dụng tại Việt Nam và Singapore.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Du lịch di sản thích ứng chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO