Giải pháp phát triển kho dữ liệu số về di sản và một số khuyến nghị

Ánh Dương| 06/11/2022 14:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) có thể làm thay đổi phương pháp lưu trữ, quảng bá, tạo ra công cụ hữu hiệu gia tăng cơ hội tiếp cận các giá trị di sản, các sản phẩm văn hóa, qua đó vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vừa sáng tạo giá trị mới, các sản phẩm văn hóa mới trên môi trường số.

Nếu như CĐS quan trọng nhất là tạo lập, liên thông, khai thác dữ liệu thì với lĩnh vực văn hóa là số hóa di sản, phổ cập giá trị di sản và sáng tạo các giá trị mới, các sản phẩm văn hóa mới trên môi trường số. Việc tạo ra dữ liệu số liên quan đến di sản có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước.

Việc số hóa di sản giúp giảm tối đa các phương tiện lưu trữ, kém hiệu quả của phương pháp truyền thống. Ngoài ra, việc số hóa di sản đòi hỏi chi phí thấp hơn so với các phương pháp bảo tồn khác và cho tính trực quan sinh động, độ tin cậy cao; đồng thời các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng Internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ...

Tuy nhiên, dữ liệu di sản thường là dữ liệu phi cấu trúc và có số lượng lớn, do đó cần có công tác quản lý, giải pháp để có thể lưu trữ và khai thác một cách hiệu quả. Từ thực tế đó, đòi hỏi cần phải có một một hạ tầng phục vụ lưu trữ đó là kho dữ liệu di sản số.

Về công nghệ, các kho dữ liệu di sản số được thiết lập và vận hành trên hạ tầng kỹ thuật là các trung tâm dữ liệu (TTDL). Các TTDL này cần được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo khả năng hoạt động ổn định, liên tục, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc của khoa học lưu trữ trong việc bảo hiểm tài liệu di sản số.

Giải pháp xây dựng kho dữ liệu di sản số

Một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để có thể thực hiện CĐS thành công đó là phải tạo dựng được nền tảng dữ liệu số. Dựa trên kinh nghiệm Viettel đã từng tư vấn và triển khai các giải pháp CĐS cho chính phủ, các bộ, ngành cũng như địa phương, chia sẻ tại hội thảo "CĐS của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch", bà Trịnh Thị Lan – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tư vấn CĐS - Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel đã đưa ra 3 khuyến nghị về giải pháp xây dựng kho dữ liệu di sản số hiệu quả.

Thứ nhất, xây dựng TTDL lưu trữ kho dữ liệu di sản số điện toán đám mây. Theo đó, việc xây dựng các TTDL cần đảm bảo về các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo việc sao lưu dự phòng, tính ổn định và tính liên tục của dịch vụ. TTDL cần có khả năng chịu lỗi, có dự phòng cho mọi thành phần đảm bảo hoạt động, cung cấp dịch vụ thông suốt trong mọi điều kiện.

Bên cạnh đó, TTDL nên được thiết kế nhiều lớp lưu trữ. Dữ liệu di sản số được lưu trữ trên các phân vùng với tốc độ truy xuất khác nhau phụ thuộc tần suất sử dụng, thời hạn bảo quản như: vùng lưu trữ truy cập thường xuyên; vùng lưu trữ truy cập không thường xuyên; vùng lưu trữ dài hạn và bảo tồn kỹ thuật số...

Ngoài ra, xây dựng TTDL theo mô hình điện toán đám mây, thuê dịch vụ quản trị, vận hành nhằm đảm bảo cho không gian lưu trữ linh hoạt, đồng thời, tận dụng nguồn lực vận hành chuyên nghiệp của các doanh nghiệp (DN) công nghệ.

Thứ hai, triển khai các giải pháp đảm bảo ATTT. Để bảo đảm ATTT cho dữ liệu di sản số, cần có chiến lược nhận diện, phân loại các nguy cơ. Sau khi đã xác định được các nguy cơ, thực hiện đồng bộ các giải pháp ATTT. Đó là xây dựng các quy định, quy chế, quy trình quản lý và khai thác dữ liệu di sản số nhằm đảm bảo ATTT tài liệu ở mức cao nhất. Các quy định thường xuyên được rà soát, cập nhật phù hợp với thực tế, là cơ sở để đánh giá, xử lý khi có vi phạm, qua đó ngăn ngừa các hành vi cố tình hoặc vô ý làm mất an toàn, an ninh dữ liệu.

Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp ATTT nhằm bảo vệ kho dữ liệu di sản số tránh bị truy nhập trái phép, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại. Các giải pháp có thể bao gồm: quản lý máy chủ; giám sát mạng máy chủ; quản lý log, phân tích log tập trung; bảo vệ ứng dụng web nhằm chống tấn công khai thác lỗ hổng và tấn công DDoS,… Đặc biệt, nên ứng dụng các công nghệ hiện đại như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép giám sát các cuộc tấn công trong gian thực và đưa ra được dự báo về các khả năng rủi ro có thể dẫn đến các cuộc tấn công trong tương lai.

Bên cạnh đó sử dụng các dịch vụ giải pháp ATTT của các nhà cung cấp chuyên nghiệp. Hiện nay, các DN trong nước cũng cung cấp nhiều dịch vụ ATTT trọn gói như: kiểm định ATTT; dò quét, làm sạch hệ thống; bảo vệ ứng dụng web; giám sát xử lý sự cố 24/7.

Thứ ba, xây dựng CSDL quốc gia về di sản văn hóa. CSDL quốc gia về di sản văn hóa được xây dựng trên nền tảng công nghệ số thống nhất, bao gồm phần CSDL nền tảng tập trung về di sản và các CSDL chuyên ngành cho di sản, dữ liệu hồ sơ số hóa về các di sản,… Đồng thời, xây dựng nền tảng thu thập, chia sẻ dữ liệu di sản phục vụ tích hợp CSDL về di sản văn hóa theo tiêu chuẩn tuân thủ khung kiến trúc chính phủ điện tử, nhằm mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở, phục vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khai thác, tham gia phát triển, sáng tạo các dịch vụ mới.

Giải pháp phát triển kho dữ liệu số về di sản và một số khuyến nghị - Ảnh 1.

Việc số hóa di sản giúp giảm tối đa các phương tiện lưu trữ, kém hiệu quả của phương pháp truyền thống; đồng thời các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng Internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm,... (Ảnh minh họa: Internet)

Một số kiến nghị thúc đẩy tiến trình xây dựng kho dữ liệu di sản số

Dữ liệu di sản số là một loại hình tài liệu mới, khác biệt so với các loại tài liệu truyền thống. Do đó loại hình tài liệu này cần có các cơ sở khoa học và căn cứ pháp lý để quản lý, khai thác, sử dụng. Từ thực tế đó, tại hội thảo "CĐS của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch", đại diện của Viettel cũng đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể về việc thúc đẩy tiến trình xây dựng kho dữ liệu di sản số.

Đầu tiên, để thúc đẩy tiến trình xây dựng kho dữ liệu di sản số hiệu quả cần đánh giá, rà soát hiện trạng hạ tầng phục vụ kho dữ liệu di sản số, đồng thời khảo sát đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, các khuyến nghị các tổ chức quốc tế về yêu cầu hạ tầng, yêu cầu công vụ và chuẩn giao tiếp… phục vụ việc cung cấp dịch vụ số về dữ liệu di sản số.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản số và ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin, chuẩn hóa hệ dữ liệu di sản văn hóa trong kho dữ liệu số; kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các lĩnh vực bảo tàng, thư viện; xác lập quyền truy cập, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển du lịch và các nhu cầu khác ở trong nước và quốc tế.

Cuối cùng, cần có chính sách thúc đẩy các dự án số hóa di sản văn hóa trên theo hướng mở với sự tham gia của DN, cá nhân, cộng đồng, trong đó khuyến khích các đơn vị tổ chức các dự án hợp tác công - tư để DN, cộng đồng tích cực tham gia số hóa các di sản văn hóa.

Ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn di sản được các nhà chuyên môn đánh giá là xu hướng tất yếu của tương lai. Việc số hóa di sản chính là một cách thổi hồn sức sống vào di sản, để di sản không nằm im trong bảo tàng..., và là “cây cầu” kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn lưu giữ di sản của cha ông./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp phát triển kho dữ liệu số về di sản và một số khuyến nghị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO