Doanh nghiệp số

Chuyển đổi số và AI - Động lực phát triển mới của doanh nghiệp

Gia Bách 17:06 12/10/2024

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, AI không chỉ là động lực chính giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững, mà còn giúp tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam. Tại sự kiện Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Tư nhân Việt nam Nguyễn Trung Chính đã tới tham dự và có bài phát biểu về vai trò của doanh nghiệp (DN) trong kỷ nguyên chuyển đổi số (CĐS) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Chủ tịch CMC đã nhấn mạnh tầm quan trọng của CĐS đối với sự phát triển của DN và nền kinh tế quốc gia, đồng thời đưa ra những kiến nghị chiến lược để thúc đẩy quá trình này.

CĐS và AI - Thời cơ và thách thức mới

Chủ tịch CMC khẳng định rằng Việt Nam đang bước vào một thời kỳ đặc biệt với những thay đổi lớn lao về công nghệ. CĐS và AI không chỉ là xu thế mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết để DN tồn tại và phát triển. Ông nhận định: “CĐS không chỉ là việc áp dụng công nghệ, mà là một cuộc cách mạng toàn diện, từ thể chế đến cách thức sản xuất.”

Trong bối cảnh này, Hiệp hội DN tư nhân nhận thấy rằng CĐS và chuyển đổi AI đóng vai trò trọng yếu trong công cuộc cách mạng xây dựng lực lượng sản xuất mới và quan hệ sản xuất mới phục vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Trong vài năm qua, AI đã chứng minh tiềm năng to lớn của nó khi đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng suất và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. Theo các chuyên gia, AI được dự báo sẽ đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ USD, chiếm gần 14% GDP toàn cầu vào năm 2030. Đây là một con số vô cùng ấn tượng, cho thấy AI không chỉ là một xu hướng nhất thời, mà là động lực phát triển dài hạn và bền vững cho nền kinh tế thế giới.

Việt Nam cần có thêm nhiều doanh nghiệp như CMC

anh-1.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Tại buổi gặp gỡ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương và ghi nhận những đóng góp của Tập đoàn công nghệ CMC: “Hiện nay, các tập đoàn và DN mà tôi giới thiệu cho chúng ta thấy rằng, trong quá trình CĐS, điều quan trọng đầu tiên là dữ liệu. Mọi hoạt động đều cần có dữ liệu. Mỗi DN cần đặt dữ liệu làm trọng tâm trong ứng dụng và lĩnh vực kinh doanh của mình. Nếu mỗi DN tự xây dựng trung tâm dữ liệu (TTDL) riêng, chi phí sẽ rất lớn và gây nhiều khó khăn. Trung bình, việc lập một TTDL tốn khoảng 10 triệu đô la, nhưng nếu thuê TTDL như của CMC chẳng hạn, chi phí có thể chỉ còn 1 triệu USD, tiết kiệm được 9 triệu đô. Tuy nhiên, các DN như CMC tại Việt Nam hiện nay vẫn còn khá ít. Chúng ta cần phát triển thêm nhiều DN như CMC, vì tiềm năng phát triển của ngành này là rất lớn mà chúng ta chưa thể lường hết. Đây mới chỉ là về phần dữ liệu; còn các lĩnh vực khác như công cụ, AI và nhiều khía cạnh khác trong kỷ nguyên CĐS cũng cần được chú trọng, không chỉ ở trong nước mà trên toàn thế giới”.

Doanh nhân tư nhân là những người tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới như AI và chuyển đổi số

Chủ tịch CMC cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng lực lượng sản xuất mới, đặc biệt là việc sử dụng AI để tối ưu hóa quy trình, tăng năng suất và cải thiện khả năng cạnh tranh của DN. AI được dự báo sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này.

anh-2.jpg
Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam Nguyễn Trung Chính

Theo đó, doanh nhân tư nhân không chỉ là những người dẫn dắt các quá trình cải tiến sản xuất mà còn là những người tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới như AI và CĐS. Chủ tịch CMC đã dành nhiều thời gian để nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam trong việc kết nối và hỗ trợ DN tư nhân thực hiện CĐS. Ông cho rằng việc này không chỉ giúp cải thiện năng suất mà còn tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, là nền tảng để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia tiên tiến trong thời đại công nghệ.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch CMC đã đưa ra năm kiến nghị cụ thể gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các cấp lãnh đạo để thúc đẩy quá trình CĐS và AI tại Việt Nam.

Thứ nhất, hỗ trợ mạnh mẽ quá trình CĐS cần có các chính sách hỗ trợ toàn diện cho các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, giúp họ nắm bắt cơ hội từ công nghệ mới.

Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng yêu cầu của lực lượng sản xuất số, cần tập trung vào việc đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số và AI.

Thứ ba, đổi mới thể chế để phù hợp với nền kinh tế số. Các cải cách thể chế và pháp luật cần được đẩy mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ.

Thứ tư, hỗ trợ tài chính và hợp tác công nghệ: Tăng cường tiếp cận vốn và hỗ trợ tài chính cho các dự án đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa DN và các tổ chức nghiên cứu.

Thứ năm, tin tưởng và giao trọng trách cho DN tư nhân. DN tư nhân cần được tin tưởng và trao nhiều trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 10 khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều nhấn mạnh kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế". Đến nay, theo các báo cáo, kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu.

“Kinh tế tư nhân, DN tư nhân đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế đất nước. Chúng ta cần tiếp tục đề cao vai trò của các DN tư nhân trong việc tham gia vào các dự án lớn, trong điểm của đất nước, trong đó có CĐS, chuyển đổi AI”, ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.

anh-3.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, AI không chỉ là động lực chính giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững, mà còn giúp tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và quốc gia trên trường quốc tế. Cộng đồng doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là doanh nhân tư nhân, đang đứng trước những cơ hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong kỷ nguyên số và chuyển đổi công nghệ.

"Vai trò tiên phong của doanh nhân trong việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ sẽ là yếu tố quyết định để dân tộc Việt Nam vươn mình mạnh mẽ trong tương lai. Chúng ta tin tưởng rằng với sự dẫn dắt của các doanh nhân tài năng, đất nước sẽ tiếp tục phát triển, hòa nhập và cạnh tranh trên trường quốc tế", Chủ tịch CMC nhấn mạnh./.

Bài liên quan
  • Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam dưới góc nhìn doanh nhân
    Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã cho thấy rõ các lợi ích sâu sắc và lâu dài đối với ngành công nghiệp bán dẫn điện tử, vừa là đầu ra của ngành công nghiệp chip bán dẫn, vừa góp phần đảm bảo tự chủ và tự cường, công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số và AI - Động lực phát triển mới của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO