Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam dưới góc nhìn doanh nhân
Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã cho thấy rõ các lợi ích sâu sắc và lâu dài đối với ngành công nghiệp bán dẫn điện tử, vừa là đầu ra của ngành công nghiệp chip bán dẫn, vừa góp phần đảm bảo tự chủ và tự cường, công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Chiến lược là cơ sở để công nghiệp bán dẫn Việt Nam cất cánh
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Chiến lược nêu rõ Việt Nam có lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Dưới góc độ tiếp cận của cộng đồng doanh nghiệp (DN) điện tử đối với việc chiến lược được ban hành, trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, bà Đỗ Thị Thuý Hương, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội công nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết đây là một thời điểm hết sức phù hợp trong bối cảnh tất cả các quốc gia đều “chạy đua” chip và các cường quốc lớn đều đã có những đạo luật chip. Các quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan… đều có chiến lược phát triển chip và có những chiến lược thu hút đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn rất rõ ràng.
Đây là thời điểm hết sức thích hợp để Việt Nam có chiến lược bán dẫn tương thích, góp phần làm cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam có cơ sở cất cánh.
Chiến lược đã đề ra các lộ trình để đạt được các tham vọng là trở thành một cường quốc bán dẫn. Đây là những mục tiêu rất tham vọng của Chính phủ khi chiến lược đã đề ra 3 giai đoạn với một công thức logic cao, khoa học mà chưa có chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn nào đưa ra là: C = SET + 1, trong đó: C: Chip (Chip bán dẫn); S: Specialized (Chuyên dụng, Chip chuyên dụng); E: Electronics (Điện tử, Công nghiệp điện tử); T: Talent (Nhân tài, Nhân lực); + 1: Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn).
“Ba yếu tố này đóng góp nên nền công nghiệp chip và tham vọng được thể hiện qua +1, có nghĩa là Việt Nam là một điểm đến không thể thiếu của ngành công nghiệp bán dẫn và thực hiện công thức này Việt Nam sẽ trở thành cường quốc bán dẫn”.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương cũng khẳng định: “Là hiệp hội các DN điện tử, VEIA hết sức hoan nghênh việc ban hành chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Chiến lược thể hiện rõ việc mang lại các lợi ích sâu sắc và lâu dài cho ngành công nghiệp bán dẫn điện tử, vừa là đầu ra của ngành công nghiệp chip bán dẫn, vừa góp phần đảm bảo tự chủ và tự cường cho một quốc gia đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước”.
Tiếp cận đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn theo cách riêng
Chiến lược đã nêu rõ Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn cùng công nghiệp điện tử, công nghiệp chuyển đổi số (CĐS), mà trọng tâm là AI - công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây là điểm khác biệt trong tư duy chiến lược quốc gia của Việt Nam. Hầu hết các nước khác đều xây dựng chiến lược thuần túy về công nghiệp bán dẫn. Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn song hành với một số lĩnh vực công nghiệp đột phá, trong đó đặc biệt là công nghiệp điện tử, CĐS.
Đề cập nội dung này của Chiến lược, bà Đỗ Thị Thuý Hương cho biết chiến lược lấy ngành công nghiệp điện tử làm trung tâm và bên cạnh đó Chiến lược nêu rõ phát triển nguồn nhân lực, nhân tài là 1 trong 3 trọng tâm của Chiến lược để Chính phủ thúc đẩy các giải pháp. Theo đó, Chính phủ cũng đã đồng thời ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
Với chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn này, VEIA đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc dùng nhân tài sẵn có để đào tạo lại (reskill), đào tạo nâng cao (upskill) chứ không chỉ đào tạo mới. Đây là nguồn nhân lực bổ sung bởi trong 6 năm thực hiện Chiến lược chỉ có hai đợt sinh viên tốt nghiệp đại học thì không đủ đáp ứng nguồn nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Việc đào tạo lại, đào tạo nâng cao là một trong ý tưởng bổ sung và đảm bảo đến năm 2030, Việt Nam có 50.000 nhân lực trong ngành bán dẫn và phân bổ trong các khâu sản xuất chip bán dẫn từ khâu thiết kế, chế tạo, đóng gói và các hạng mục trong khâu sản xuất.
Thu hút FDI có chọn lọc
Chiến lược cũng đã nêu rõ giải pháp xây dựng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút có chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao trong công nghiệp bán dẫn, điện tử từ nguồn ngân sách Trung ương và đại phương; xây dựng cơ chế một cửa hành chính đối với các dự án đầu tư trong công nghiệp bán dẫn, điện tử.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương cho biết giải pháp thu hút đầu tư FDI có chọn lọc của Chiến lược là một trong những đề xuất của VEIA và đã được đưa vào trong Chiến lược. Chính phủ đã, đang thực hiện thu hút các đầu tư FDI hiệu quả và có chọn lọc. Theo đó, Samsung, Amkor… đã có những cam kết đầu tư nhiều tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam từ khâu nghiên cứu, phát triển (R&D) đến khâu thiết kế, đóng gói.
Ý nghĩa của Chiến lược đối với Make in Viet Nam và vai trò của DN công nghệ
Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã nêu rõ khuyến khích các tập đoàn, DN nhà nước, các DN chủ lực của Việt Nam, ưu tiên sử dụng các sản phẩm bán dẫn, điện tử trong nước, đầu tư hệ thống thiết kế, lắp ráp kiểm thử dùng chung phục vụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm mẫu, tham gia các nội dung có liên quan tại Chiến lược này.
Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, nội hàm của chiến lược bán dẫn đã cho thấy mong muốn tự cường của chính phủ đối với các DN nội địa vì ở giai đoạn 2 (2030 - 2040) và giai đoạn 3 (2040 - 2050) của Chiến lược, Chiến lược đã nêu rõ phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI.
Chính phủ cũng đặt tham vọng trong tự cường và việc hình thành ít nhất 1 nhà máy chế tạo chip ở giai đoạn 1, 2 nhà máy chế tạo chip ở giai đoạn 2 và có 3 nhà máy ở giai đoạn 3 kèm theo 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn thì rõ ràng tính chất tự cường rất cao và việc này đảm bảo cho an ninh công nghiệp, vừa là an ninh quốc gia.
“Nội hàm của Chiến lược đã cho thấy mong muốn nội địa hoá, sản phẩm hoàn toàn Make in Viet Nam sẽ khởi nguồn từ đây”, bà Đỗ Thị Thuý Hương nhấn mạnh.
“Chiến lược cũng đã nêu rõ mong muốn bồi dưỡng các DN mang tính dẫn dắt, DN nội địa có vai trò dẫn dắt mà trong lĩnh vực công nghiệp điện tử gọi là DN đầu chuỗi. Trong nhiều diễn đàn thảo luận của VEIA với các hiệp hội ngành hàng công nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, VEIA mong mỏi có một DN dân tộc, dân tộc, nội địa của Việt Nam và có thể tác động lên toàn chuỗi và kéo theo một chuỗi cung ứng, hệ sinh thái sản xuất công nghiệp điện tử tại Việt Nam tạo nên một hệ sinh thái sản xuất bán dẫn của Việt Nam. Đây là mục tiêu, mong mỏi của giai đoạn 3 của chiến lược hết sức tham vọng này”, bà Đỗ Thị Thuý Hương cho biết thêm./.