Trong bối cảnh với sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ hội tụ ICT và cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, hội thảo khoa học quốc tế về Hệ thống tích hợp thông minh phục vụ CĐS năm 2022 (Intelligent System Integration for Digital Transformation - ISI 2022) được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24/10/2022 do Viện Tích hợp hệ thống (THHT), Đại học kỹ thuật Lê Quý Đôn khởi xướng và chủ trì.
Hội thảo nhằm tạo lập một diễn đàn trao đổi học thuật, nghiên cứu chuyên sâu có chất lượng trong lĩnh vực tích hợp hệ thống và nghiên cứu liên ngành thuộc các lĩnh vực điện tử - công nghệ thông tin - tự động hóa giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan, công ty, tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước. Đây cũng là một trong những hoạt động trọng điểm hướng tới kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện THHT (29/11/2012 - 29/11/2022).
Trao đổi về Hội thảo ISI 2022, PGS. TS Hoàng Văn Phúc, Viện trưởng Viện THHT – Trưởng ban Tổ chức Hội thảo, cho biết: "Chủ đề của Hội thảo ISI 2022 là các hệ thống tích hợp thông minh phục vụ tăng tốc CĐS quốc gia. Đây là một trong những lần đầu tiên Viện THHT chủ động chủ trì tổ chức một hội thảo quốc tế bằng uy tín của mình, tự xây dựng nội dung và kêu gọi các nhà khoa học hàng đầu, các công ty công nghệ uy tín tham gia trình bày".
Tham dự Hội thảo có hơn 80 đại biểu là các giáo sư, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên của các trường đại học, các chuyên gia tập đoàn công nghệ từ trong vào ngoài nước (Nhật Bản, Pháp, Anh, Singapore, Hồng Kông, Đan Mạch,…) đến tham dự. Hội thảo ISI 2022 có một chương trình phong phú với 07 báo cáo đề dẫn (keynote) và 06 báo cáo mời (invited talk) về các chủ đề có tính thời sự trong lĩnh vực hệ thống thông minh, tích hợp hệ thống, và chuyển đổi số.
Một số báo cáo nổi bật được các chuyên gia thuyết trình tại Hội thảo như: (1) "Internet vật lý phục vụ CĐS" của TS. Trần Đăng Hòa và GS. Dong-Seong Kim (Viện Công nghệ Quốc gia Kumoh, Hàn Quốc); (2) "Công nghệ thu thập năng lượng vô tuyến và tiềm năng ứng dụng" của GS. Koichiro Ishibashi (Đại học Điện tử - Thông tin Tokyo, Nhật Bản, IEEE Fellow); (3) "Bức tranh tích hợp về tình trạng hệ thống hàng hải: Lợi ích, công nghệ và các hướng tiếp cận" của Công ty Saab Technologies (Hong Kong) Limited; (4) "Lưu trữ dữ liệu sử dụng chuỗi peptide" của GS. Francis C.M. LAU (Đại học Bách khoa Hong Kong, IEEE Fellow); (5) "Y tế cá nhân hóa: Công nghệ và thực thi" của TS Đinh Văn Dũng (Viện CNTT, ĐHQG Hà Nội); (6) "Tấn công định thời Cache đối với thư viện mã mật SEAL Homomorphic" của GS. Sylvain Guilley (Đại học Viễn thông Paris và Công ty Secure-IC, Pháp); (7) "Triệt nhiễu tua-bin điện gió tới ra-đa" của Công ty Terma Singapore Pte. Ltd…
Trong trình bày "Internet vật lý phục vụ CĐS" của TS. Trần Đăng Hòa và GS. Dong-Seong Kim đã đề cập mô hình Internet vật lý (PI, hoặc π) đã được phát triển để trở thành một hệ thống logistics toàn cầu nhằm mục đích di chuyển, xử lý, lưu trữ và vận chuyển các sản phẩm logistics một cách bền vững và hiệu quả. Để đạt được mục tiêu, PI yêu cầu khả năng kết nối liên cấp cao ở khía cạnh vật lý, thông tin và hoạt động được kích hoạt bởi một mạng liên kết gồm các trung tâm liên phương thức (intermodal hub), giao thức cộng tác và các container được tiêu chuẩn hóa, module và thông minh.
Trong bối cảnh đó, PI chính thức trở thành một kênh logistics chính đầy hứa hẹn cho các hoạt động logistics quân sự vì nó, khi kết hợp với các công nghệ chuyển đổi số như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain có thể đáp ứng một cách hiệu quả các yêu cầu đặc biệt của hoạt động logistics quân đội. Bài trình bày của TS. Trần Đăng Hòa và GS. Dong-Seong Kim đã đề cập các quan điểm liên quan đến việc áp dụng khái niệm PI và các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực logistics quân sự.
Đề cập đến y tế cá nhân hóa, TS. Đinh Văn Dũng cho biết đây là xu hướng mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Các công nghệ Internet vạn vật (IoT), đám mây và AI được khai thác, ứng dụng cho việc chăm sóc sức khỏe được cá nhân hóa. TS. Đinh Văn Dũng cũng đã trao đổi việc triển khai nền tảng chăm sóc sức khỏe được cá nhân hóa./.