Đây là chia sẻ của bà Tiêu Yến Trinh - Tổng Giám đốc Công ty Talentnet tại hội thảo trực tuyến “Vượt bão thành công cùng Công nghệ và Chiến lược nhân sự” do Talentnet và PeopleStrong phối hợp tổ chức.
Diễn ra vào ngày 24/09, hội thảo còn có sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành: ông Sandeep Chaudhary - Tổng Giám đốc Công ty PeopleStrong, bà Alexis Phạm - Cựu Giám đốc Nhân sự One Mount Group, ông Kiran Kumar - Giám đốc toàn cầu Công ty PeopleStrong, ông Prakash Rao - Giám đốc Vận hành Công ty PeopleStrong. Buổi hội thảo cung cấp các thông tin hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, đặc biệt trong khía cạnh Nhân sự trong bối cảnh hậu Covid-19.
Theo Báo cáo Tương lai nền kinh tế số Việt Nam, Việt Nam xếp thứ 45 trên tổng 126 quốc gia ở Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (2018) - tức nằm trong nhóm có khả năng đổi mới sáng tạo cao. Điều này chứng minh Việt Nam đang trong thời điểm tốt của chuyển đổi số với mức độ chấp nhận công nghệ mới cao, có cơ hội nâng cao tay nghề và kĩ năng cho nguồn nhân lực. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng thành công trong quá trình chuyển đối số khi có tới 70% các công ty không đạt được mục tiêu đề ra, theo Khảo sát Giám đốc toàn cầu mới nhất của McKinsey.
“Để chuyển đổi số thành công, cần đầu tư vào con người”
Các chuyên gia đầu ngành trong hội thảo đều đồng tình rằng, bài toán chuyển đổi số chỉ thành công nếu doanh nghiệp có một chiến lược nhân sự phù hợp. “Chỉ đầu tư vào hệ thống công nghệ hoặc quy trình mới là chưa đủ để doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào yếu tố con người nhằm giúp đội ngũ lao động thật sự sẵn sàng và cởi mở cả về tư duy, kiến thức lẫn kỹ năng cho quá trình chuyển đổi số đầy thách thức phía trước.” - bà Trinh khẳng định.
Doanh nghiệp Việt có thể tham khảo 5 quy tắc sau cho việc hoạch định chiến lược nhân sự chuyển đổi số:
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”: Các nhà lãnh đạo cần xác định rõ thực trạng trong tổ chức và xu hướng của thị trường. Từ đó, xác định mong muốn của doanh nghiệp và lợi ích mà chuyển đổi số sẽ mang lại cho doanh nghiệp.
“Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp”: Doanh nghiệp cần xác định tiềm lực của các yếu tố cốt lõi. Đơn cử, không chỉ riêng mức độ sẵn sàng của đội ngũ lao động, ban lãnh đạo của công ty cũng cần có tư tưởng đón nhận quy trình chuyển đổi số. Sự nhất quán trong tư tưởng của các cấp, phòng ban sẽ tạo hiệu ứng lan toả, từ đó “văn hóa” sẵn sàng đón nhận công nghệ được xây dựng với các hoạt động mới như khoá học đào tạo, hướng dẫn vận hành hệ thống số hóa.
“Công nghệ tốt nhất là công nghệ phù hợp nhất”: Doanh nghiệp cần tỉnh táo trong việc rà soát để có bức tranh tổng thể. Từ đó, lựa chọn công nghệ phù hợp nhất với hệ thống quản lý nhằm tối ưu vận hành, tiết kiệm chi phí và đem lại hiệu quả cao.
“Lắng nghe những phản hồi”: Chuyển đổi số là một quá trình thách thức của doanh nghiệp và đôi ngũ lao động. Bởi thế, khuyến khích văn hóa cởi mở, sẵn sàng đón nhận phản hồi là việc rất quan trọng nhằm giúp cấp lãnh đạo nhìn nhận được các vấn đề đang diễn ra và có giải pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, văn hoá này giúp nhân viên cảm thấy thoải mái và dễ dàng chấp nhận những thay đổi trong quá trình chuyển đổi số.
“Đồng lòng và cam kết”: Đây là một chặng đường dài cần doanh nghiệp vạch ra những chiến lược trọng tâm và kế hoạch cụ thể. Việc minh bạch trong các hoạch định của công ty giúp doanh nghiệp nhận được sự tín nhiệm, lời cam kết và lòng trung thành của nhân viên với tổ chức trong hành trình chuyển đổi số.
Quản lý nhân tài hiệu quả với công nghệ nhân sự
Tại hội thảo, các khách mời đều cho rằng, công nghệ nhân sự sẽ giúp xây dựng một quy trình quản lý nhân tài thông suốt và hiệu quả, từ tuyển dụng, phát triển đến giữ chân nhân tài. Đơn cử như với phương pháp quản lý nguồn nhân lực dựa trên năng lực (Competency–Based Human Resources Management), với sự hỗ trợ của công nghệ quản lý nhân sự tiên tiến, doanh nghiệp có thể phân tích công việc theo năng lực, xây dựng các tiêu chuẩn cho từng vị trí, từ đó định vị nhân tài (talent mapping) và tạo ra chiến lược tuyển dụng nhân tài hiệu quả. Không chỉ thế, bản đồ năng lực còn giúp bộ phận nhân sự triển khai các chương trình đào tạo nhân viên phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều thay đổi trong việc quản trị nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp. Một trong số đó là EVP (giá trị sử dụng lao động). Trong bối cảnh mới, doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp không chuyên về công nghệ, cần điều chỉnh EVP để tạo nên lợi thế tuyển dụng, thu hút các nhân tài cần cho kế hoạch chuyển đổi số. EVP cũng là nền tảng kết nối 2 nhóm nhân sự: nhóm truyền thống và nhóm nhân viên mới chuyên về công nghệ, giúp toàn bộ đội ngũ có thể hiểu, lắng nghe và gắn kết với nhau và với mục tiêu phát triển chung. EVP mới cũng sẽ giúp doanh nghiệp chuyển mình để thu hút nhóm lao động trẻ khi thế hệ Millennials và gen Z đang ngày càng chiếm số đông trong lực lượng lao động.
Kết thúc buổi hội thảo, các diễn giả đúc kết: để chuẩn bị cho chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải đảm bảo hai giá trị quan trọng: tư duy đúng cho nhân viên và một văn hóa doanh nghiệp vững mạnh. Tư duy đúng nghĩa là lực lượng lao động cần hiểu bối cảnh dịch bệnh hiện nay chính là bình thường mới, từ đó xây dựng tư duy tự chủ, tinh thần lạc quan và trách nhiệm để làm chủ cuộc sống mới. Trong khi đó, văn hóa doanh nghiệp vững mạnh là nền tảng để đội ngũ lao động chuyển mình và phát triển. Doanh nghiệp cần nuôi dưỡng tinh thần dám nghĩ dám làm, không ngại khó khăn và vượt qua nghịch cảnh để giúp cả bộ máy sẵn sàng và nhanh chóng thích nghi với làn sóng chuyển đổi số.