Truyền thông

Chuyện khởi nghiệp của Giàng A Dê

Cẩm Anh 12/12/2024 14:13

Ở homestay của Giàng A Dê nhìn xuống, núi đồi La Pán Tẩn rực rỡ nắng và màu vàng ngút mắt của ruộng bậc thang mùa lúa chín. Nhưng buổi tối ập xuống rất nhanh và dù vợ chồng Giàng A Dê - Vàng Thị Lỳ đốt một đống lửa to giữa sân, đến nửa đêm, sương xuống vẫn lạnh buốt.

img_5134.jpg
Vẻ đẹp hùng vĩ của ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn. (Ảnh: Cẩm Anh)

1. Đường lên homestay Hello Mù Cang Chải của Giàng A Dê cheo leo. Đại loại ô tô phải đỗ dưới chân dốc, rồi thêm lần vận chuyển khách bằng xe ôm nữa , mới lên đến chỗ lưu trú. Hệt lúc leo lên đồi Mâm Xôi của La Pán Tẩn, khách cũng phải đi xe ôm. Nhưng đường lên Hello Mù Cang Chải khó đi hơn rất nhiều, mà không hiểu sao Lý Thị Vàng lúc bình thường cười dịu dàng, xinh đẹp thế lại có thể lái xe máy chở cả khách và vali leo vun vút lên không chút ngập ngừng.

Trước khi Giàng A Dê làm Homestay Hello ở La Pán Tẩn, khách lên Mù Cang Chải ngắm ruộng bậc thang, ngắm lúa chín vàng, ngắm mùa hoa Tớ dầy bồng bềnh như tiên cảnh… không có chỗ lưu trú, phải dựng lều ngủ. Thanh niên Giàng A Dê sinh năm 1989, người Mông đầu tiên của bản Háng Xung đi học đại học, đã nhìn thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ vẻ đẹp mê hồn của quê hương. Anh quyết định bỏ việc và cùng vợ mở mô hình du lịch cộng đồng.

 Giàng A Dê với 'Bài ca trên núi' ảnh 1
Hello Mù Cang Chải nhìn từ trên cao. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bây giờ nhìn cơ ngơi Hello Mù Cang Chải không ai hình dung được khởi đầu phiêu lưu như thế nào. Dám dấn thân khởi nghiệp làm du lịch từ hai bàn tay trắng. Nhưng sau 6 năm, Giàng A Dê trở thành người có ảnh hưởng trong lĩnh vực du lịch ở thiên đường ruộng bậc thang Mù Cang Chải và truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên ở vùng đất đẹp đẽ nhưng vốn nghèo khó này khởi nghiệp thành công.

Cũng cần phải nói là khi chọn homestay Hello làm nơi lưu trú, chúng tôi chưa có thông tin gì về chủ nhà Giàng A Dê. Nên nhìn những căn nhà được xây dựng bằng gỗ, lợp bằng lá cọ, bằng gỗ tấm, thân thiện môi trường, gần gũi với thiên nhiên, theo lối kiến trúc truyền thống của đồng bào Mông trên mỏm đồi cao bản Háng Xung xã La Pán Tẩn, giữa thiên đường ruộng bậc thang thì chỉ thấy phục.

Nói thực buổi tối ấy khi Giàng A Dê chỉ vào mấy chục cái huy chương xác nhận anh đoạt giải trong các giải chạy lớn nhỏ khắp vùng Tây Bắc, thấy càng khâm phục. Mãi khi rời La Pán Tẩn, trước những gì mắt thấy tai nghe, mới bắt đầu tìm hiểu và biết được Giàng A Dê là một nhân vật tiêu biểu của vùng đất này.

2. Sáu năm trước, Giàng A Dê đã quyết định bỏ việc tại một doanh nghiệp công nghệ thông tin để về quê khởi nghiệp. Bây giờ du khách khắp nơi trên thế giới kéo đến La Pán Tẩn, nhưng mà đẹp như thế nhưng bao đời nay, cái đói nghèo, hủ tục lạc hậu cứ đeo đuổi khiến đời sống đồng bào khó khăn, quanh năm tần tảo nhưng không đủ cái ăn, cái mặc.

Trong khi, La Pán Tẩn nằm trong vùng Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, là Di tích Quốc gia đặc biệt. Vẻ đẹp hùng vĩ ấy, không được khai thác nên người dân vẫn nghèo. Đồng bào vẫn sống dựa vào ruộng lúa, nương ngô, năm nào không đói đã là may. Trẻ em phải theo bố mẹ lên nương, chỉ học cho biết mặt chữ rồi bỏ là chuyện bình thường.

Giàng A Dê quyết tâm khởi nghiệp làm du lịch cộng đồng với suy nghĩ vô cùng đúng đắn và chính xác là không thể để du khách đến ngắm La Pán Tẩn rồi lại về thành phố tiêu tiền. Vẻ đẹp của La Pán Tẩn, của Mù Cang Chải phải trở thành nguồn lực tài nguyên giúp người dân thoát nghèo và tiến tới làm giàu.

Với triết lý xây dựng Mù Cang Chải thành điểm đến bản sắc, an toàn, thân thiện, chúng tôi xác định du lịch là hướng đi, mũi nhọn để Mù Cang Chải giảm nghèo bền vững. Quy hoạch vùng định hướng Mù Cang Chải phát triển theo hướng lấy du lịch làm trọng tâm, dựa trên 3 yếu tố gồm khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, ruộng bậc thang và bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc. Những người trẻ như Giàng A Dê đang góp phần hiện thực mục tiêu đó.

Ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải.

Khi đã xác định được hướng đi, Giàng A Dê đã bàn với vợ kế hoạch khởi nghiệp và được vợ đồng ý. Rồi vợ A Dê là Vàng Thị Lỳ cũng quyết định nghỉ việc ở nhà khách của huyện Mù Cang Chải, cùng chồng khởi nghiệp. Những ngày đầu hai vợ chồng A Dê chỉ có hai bàn tay trắng với niềm tin duy nhất là vợ chồng chung lưng đấu cật sẽ vượt qua được khó khăn.

Cuối cùng, homestay Hello Mù Cang Chải cũng ra đời và đó là mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của La Pán Tẩn, cũng là đầu tiên của Mù Cang Chải. Mô hình du lịch cộng đồng cứ lớn dần và trở thành địa chỉ hút khách du lịch. Bây giờ thì Hello Mù Cang Chải hiện đã thực sự thu hút và chinh phục được khách du lịch khi đến với vùng cao này.

Doanh thu của homestay mỗi năm đạt gần 800 triệu đồng. Hiện Hello Mù Cang Chải có 8 Bungalow, 1 homestay với 5 phòng, vận hành gần 20 tua du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp leo núi, dù lượn, tham quan bản làng, đi xe máy, bắt cá, làm ruộng… Đặc biệt, Hello Mù Cang Chải đã truyền cảm hứng, dẫn dắt, giúp đỡ 40 thanh niên người Mông ở La Pán Tẩn cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng.

giang-a-de.jpg
Giàng A Dê tại Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hello Mù Cang Chải có 5 nhân viên, 6 hướng dẫn viên nói thành thạo tiếng Anh, 200 lao động làm xe ôm và hướng dẫn khách leo núi. Ngoài việc tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du khách, vợ chồng Giàng A Dê còn mở lớp học tiếng Anh cho các thanh niên trong bản, mở tủ sách miễn phí với tên gọi “I Have A Book” (Em có sách) để mỗi trẻ em ở La Pán Tẩn đều có sách. Hai vợ chồng còn mở các lớp hướng dẫn cho thanh niên làm thổ cẩm truyền thống, làm khèn Mông… phục vụ du lịch.

Giàng A Dê còn mở các lớp dạy về những nét văn hóa, lịch sử của đồng bào Mông Mù Cang Chải cho nhân viên, cho người chạy xe ôm.

3. Hạng A Ký, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Mù Cang Chải cũng là một người trẻ, chia sẻ rằng Hello Mù Cang Chải là mô hình làm du lịch cộng đồng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa của đồng bào Mông. Từ thành công của mình, A Dê đã giúp đỡ, hướng dẫn nhiều thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, làm thay đổi vùng đất La Pán Tẩn. Du lịch cộng đồng phát triển tạo ra sự tươi mới cho du lịch, thúc đẩy các lễ hội khèn Mông, lễ hội Gầu Tào, lễ hội hoa Tớ Dày, festival dù lượn… phát triển.

Tháng 10/2024, tôi gặp lại Giàng A Dê ở Hà Nội tại Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà A Dê là đại biểu đi dự. Tại đây, anh được tín nhiệm cử là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Nhìn hình ảnh chàng trai Mông lại nhớ đêm đốt lửa giữa đồi cao La Pán Tẩn, trong không gian khoáng đạt và hùng vĩ, nhớ nụ cười rất xinh của Vàng Thị Lỳ lúc buộc vali lên xe máy chở xuống chân núi cho khách.

giang a de truyen cam hung lam du lich o vung cao hinh anh 3
Vợ chồng Giàng A Dê - Vàng Thị Lỳ dạy tiếng Anh cho trẻ em dân tộc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Làm du lịch cộng đồng ở nơi rất cao và rất xa xôi này, họ phải tự tay làm tất cả mọi việc, mỗi hành trình của du khách là một trải nghiệm thú vị nhưng không phải là giống như với ở các resort nghỉ dưỡng vùng biển hay miền xuôi. Khách lên được tới chỗ lưu trú phải mất bao công sức, lương thực thực phẩm cũng tự cung tự cấp.

Năm 2020, 2023, Giàng A Dê, vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”; năm 2021 được tặng Danh hiệu “Thanh niên sống đẹp toàn quốc”; UBND tỉnh Yên Bái tặng nhiều bằng khen. Điểm du lịch cộng đồng Hello Mù Cang Chải được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, là sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên của Yên Bái được vinh danh.

Những người đồng bào Mông tự chăn nuôi, trồng trọt, tạo ra những con lợn, con gà các loại rau củ quả đặc trưng của đồng bào để phục vụ du lịch. Vợ chồng Giàng A Dê còn vận động 6 hộ đồng bào Mông trong bản thực hiện tốt việc chăn nuôi nhốt trâu bò, lợn, gà, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, trồng hoa từ cổng đến khuôn viên từng nhà để làm du lịch.

Đi đến nhà nào Giàng A Dê cũng bảo: Bà con mình chỉ làm ruộng lấy lúa thì mãi sẽ không khá được. Mình phải làm ruộng phục vụ khách du lịch thôi. Rồi anh hướng dẫn bà con đưa khách du lịch đi cày ruộng, xuống suối bắt cá, dệt thổ cẩm, nấu rượu…

Bấy giờ đồng bào mới nhận ra, thì ra những thứ ấy lại có thể đẻ ra tiền với câu nói của Giàng A Dê: “Người dân phải là chủ thể của du lịch cộng đồng”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyện khởi nghiệp của Giàng A Dê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO