CMC đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 4 lần vào năm 2025

Vinh Hồng| 22/07/2021 09:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 21/7/2021, CMC đã công bố kết quả kinh doanh trong năm tài chính 2020, bổ nhiệm Tổng giám đốc và đưa ra mục tiêu trong chiến lược 2021 - 2025 tại Đại hội cổ đông thường niên 2020.

Định vị là công ty số toàn cầu

Theo báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, năm 2020, tổng doanh thu của Tập đoàn Công nghệ CMC đạt 5.666 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 241 tỷ, tăng 16% so với năm trước.

Năm vừa qua, CMC lựa chọn đối tác McKinsey thực hiện dự án tư vấn chiến lược phát triển, chuyển đổi số (CĐS), tiến hành tái cấu trúc để phát triển mạnh hơn và hợp nhất năng lực. 

Tập đoàn cũng định vị là nhà tư vấn và triển khai giải pháp CĐS hàng đầu cho doanh nghiệp (DN) và tổ chức. Bước đi này phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến hoạt động kinh doanh của nhiều DN, dẫn đến nhu cầu số hóa quản trị, chuỗi cung ứng, trao đổi thông tin. Một trong những dự án thành công điển hình của CMC là tư vấn CĐS cho Tập đoàn Hòa Phát. Dự án kéo dài trong 6 tháng, đặt mục tiêu xây dựng lộ trình CĐS toàn diện, giúp các công ty và Khối sản xuất thép của Hòa Phát số hóa quy trình sản xuất kinh doanh.

Ngoài con số doanh thu, lợi nhuận, CMC cũng đã nâng cao năng lực về dịch vụ, giải pháp và sản phẩm. Năng lực điện toán đám mây (ĐTĐM) của Tập đoàn được đánh giá là dẫn đầu thị trường bao gồm các dịch vụ: tư vấn, triển khai, và quản trị. Hạ tầng ĐTĐM made by CMC - CMC Cloud là nền tảng cốt lõi cho hạ tầng số COPE2N.COM cung cấp dịch vụ CĐS cho DN và tổ chức đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Đặc biệt, CMC là nhà cung cấp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cung cấp giải pháp Multi Cloud bao gồm Private Cloud (giải pháp ĐTĐM dành riêng cho tổ chức) và Public Cloud (mô hình ĐTĐM với các dịch vụ CNTT được phân phối qua Internet).

CMC cũng có năng lực an ninh an toàn thông tin với sản phẩm bảo mật CMDD đạt chứng nhận chuẩn toàn cầu VB100 điểm tuyệt đối. Cùng với đó, CMC đã mở rộng Trung tâm an ninh mạng (SOC) tại Hà Nội và xây dựng SOC thứ hai tại TP.HCM để đem đến chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và chuẩn quốc tế cho khách hàng.

Trên thị trường quốc tế, CMC cung cấp dịch vụ CNTT cho các khách hàng toàn cầu, mở rộng thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, APAC và EU với số lượng nhân sự vượt 1.500 người.

Dự án CMC Creative Space - Tổ hợp không gian sáng tạo tại Quận 7, TP. HCM đã được CMC đầu tư và dự kiến cuối năm 2021, khu vực Văn phòng làm việc và Trung tâm dữ liệu lớn tiêu chuẩn tier 3 quốc tế, quy mô 1.200 racks với công nghệ 2N mới nhất được đưa vào sử dụng, đưa Tập đoàn trở thành đơn vị hàng đầu về cung cấp hạ tầng điện toán đám mây.

Mục tiêu lớn giai đoạn 2021 - 2025

Ông Hồ Thanh Tùng được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc CMC ngày 7/7/2021. Tổng giám đốc CMC sinh năm 1971, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Washington, Mỹ; Cử nhân Toán học và Khoa học máy tính, Đại học Tổng hợp Moldova, Moldova.

Ông Hồ Thanh Tùng gia nhập CMC năm 2017 với vị trí Phó Tổng Giám đốc, trực tiếp phụ trách các công ty thuộc Khối công nghệ và giải pháp. Sau đó, ông giữ chức Phó Chủ tịch Điều hành cấp cao kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty công nghệ và giải pháp CMC. Từ tháng 11/2020, ông Hồ Thanh Tùng giữ vị trí Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC, Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghệ & Giải pháp CMC (CMC TS).

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Ban Lãnh đạo Tập đoàn Công nghệ CMC công bố mục tiêu năm 2021 và quyết định bổ nhiệm ông Hồ Thanh Tùng giữ chức vụ Tổng giám đốc. Tổng giám đốc sẽ điều hành Tập đoàn CMC thực hiện chiến lược Hội đồng quản trị (HĐQT) đặt ra.

Giai đoạn 2021 - 2025, CMC đặt mục tiêu trở thành DN toàn cầu với doanh thu tỷ USD (tăng gấp 4 lần so với giai đoạn liền kề trước đó), và quy mô hơn 10.000 nhân sự, (tăng gấp 3 lần qui mô nhân sự so với hiện tại). Trong quá trình làm việc với đối tác McKinsey, CMC xác định được các bước chuyển dịch lớn - Big Moves với 20 sáng kiến ở ba khối chủ lực: Giải pháp công nghệ, Kinh doanh quốc tế và Dịch vụ viễn thông.

Ông Hồ Thanh Tùng cho biết, CMC sẽ kiên định mục tiêu là nhà tư vấn, cung cấp dịch vụ CĐS hàng đầu Việt Nam, giúp DN và tổ chức trong nước số hóa thành công, góp phần định hình thị trường dịch vụ ĐTĐM và SaaS (phần mềm dịch vụ) mới và dẫn đầu thị trường an ninh mạng.

CMC đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ hội tụ cho khách hàng DN hàng đầu tại Việt Nam và đứng đầu ở thị trường dữ liệu (Data Center) và ĐTĐM.

Thêm vào đó, với mục tiêu đạt 5.000 nhân sự, CMC Global hướng tới vị thế nhà cung cấp dịch vụ CNTT hàng đầu tại châu Á và xa hơn và rộng sang các nước khác ở Mỹ, châu Âu.

CMC đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 4 lần vào năm 2025 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC (trái) và ông Hồ Thanh Tùng (phải) giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC.

Chia sẻ về tính khả thi của chiến lược tham vọng, Tổng giám đốc CMC cho biết: "Trong quý 1, năm tài chính 2021 (tháng 3 - 6/2021), doanh thu CMC tăng trưởng 23%, lợi nhuận tăng trưởng 48% với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng mừng, chứng tỏ CMC đi đúng hướng. Để đạt được mục tiêu, Tập đoàn sẽ tiếp tục nâng cao năng lực ở các mảng: CĐS, CMC Cloud, CMC Data Center, giải pháp SOC, CMDD - An ninh An toàn thông tin và làm dày thêm danh sách các sản phẩm made by CMC, Make in Viet Nam".

Ông Hồ Thanh Tùng khẳng định, CMC đạt danh vị cao cấp nhất tại Việt Nam của nhiều hãng công nghệ lớn như Samsung SDS, Microsoft, IBM, Dell EMC, Amazon, Google… để đảm bảo hỗ trợ khách hàng tiếp cận những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất.

Đầu tư vào CĐS vẫn đang tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) dự kiến đạt 15,5% trong giai đoạn 2020 - 2023 và theo dự báo IDC sẽ đạt 6.800 tỷ USD khi nhiều công ty đang tận dụng các chiến lược đầu tư hiện có với sự trợ giúp của công nghệ để trở thành DN số tương lai. Vì vậy, hướng đi của CMC phù hợp với xu thế của thị trường và góp phần giải quyết bài toán việc làm cho nhân sự ngành CNTT của Việt Nam trong tương lai.

Đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo

Bên cạnh chiến lược doanh thu, CMC đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Sau 7 năm thành lập, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC (CIST) đã xây dựng hệ sinh thái sản phẩm công nghệ tương tác ở 5 lĩnh vực: Internet vạn vật - thiết bị thông minh (Internet of Things/Smart-Devices), dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), hồ sơ dữ liệu (Datalake), công nghệ chuỗi - an ninh thông tin (Blockchain - Security).

CIST đã, đang và sẽ nghiên cứu những phát minh, nền tảng công nghệ mang dấu ấn đột phá cho CMC nói riêng và ngành công nghệ Việt Nam nói chung, điển hình như giải pháp nhận diện khuôn mặt ứng dụng AI mang tên CIFAMS.Face.

Theo Khảo sát các DN FAST500, tháng 3/2021 của Vietnam Report, CNTT - Viễn thông nằm trong Top 7 ngành tiềm năng trong giai đoạn 2021-2024. Đây là cơ hội lớn cho CMC nói riêng và các DN ICT nói chung. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng và ứng dụng CNTT trong vận hành, sản xuất… của khách hàng trong và ngoài nước sẽ đem đến nhiều cơ hội kinh doanh và phát triển năng lực công nghệ cho CMC.

Việc tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mang dấu ấn riêng của Tập đoàn này cũng phù hợp với slogan "Make in Vietnam" của Bộ TT&TT, nhấn mạnh vào sự chủ động sáng tạo, thiết kế các sản phẩm công nghệ cao của người Việt./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • AI sẽ tác động như thế nào đến an ninh mạng vào năm 2025?
    Từ các hệ thống phòng thủ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đến các chiến thuật tấn công bằng phần mềm tống tiền (ransomware) ngày càng tinh vi, năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho ngành an ninh mạng.
  • Gia tăng các chiêu trò lừa đảo đổi tiền, tour du lịch siêu khuyến mại dịp Tết Nguyên đán
    Tết Nguyên đán đang đến rất gần cũng là thời điểm các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu về mua sắm, du lịch, vay tiền của người dân tăng cao để thực hiện các hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng. Cục An toàn thông tin đã đưa ra cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo tinh vi, bao gồm lừa đổi tiền, tour du lịch siêu khuyến mại,...
  • TikTok và câu chuyện cung cấp dịch vụ tại Mỹ
    TikTok thông báo rằng họ đang "trong quá trình" khôi phục dịch vụ cho người dùng tại Mỹ. Động thái diễn ra chỉ hơn 12 giờ sau khi TikTok ngừng cung cấp dịch vụ để chuẩn bị đối phó với lệnh cấm.
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Hội nghị WEF lần thứ 55: Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh
    Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ trong hai ngày 21 và 22/1/2025.
Đừng bỏ lỡ
CMC đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 4 lần vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO