CMCN lần thứ 4 tại Việt Nam thực chất là cuộc Cách mạng số

Minh Thiện| 04/10/2019 09:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số là định hướng trong cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tại Việt Nam

Cách mạng số của Việt Nam đã định hình

Trong thời gian qua, Cuộc CMCN 4.0 đã trở thành một chủ đề lớn được toàn thế giới cũng như tất cả các cấp, các ngành và người dân Việt Nam quan tâm, theo dõi và tập trung thảo luận, nhằm tìm hiểu một cách kỹ lưỡng, chi tiết, cụ thể những nội hàm và các vấn đề liên quan đến khái niệm mới xuất hiện này.

“Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019” vừa được tổ chức tại Hà Nội cũng nhằm nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng các giải pháp, chính sách, bước đi cần thiết để tận dụng tối đa những cơ hội do CMCN 4.0 đem lại cũng như hạn chế những tác động tiêu cực mà nó có thể mang đến đối với nền kinh tế, nhất là những ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động.

Phiên hội thảo với sự tham gia của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các chuyên gia, diễn giả và đại diện các doanh nghiệp (DN) trong nước và quốc tế đã thảo luận về hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 trong các ngành cũng như lắng nghe chia sẻ, khuyến nghị các chiến lược, giải pháp cho các DN trong quá trình chuyển đổi số.

Toàn cảnh Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao

Phát biểu trong Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao ngày 3/10/2019, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, khẳng định: “Cuộc CMCN lần thứ 4 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia. Cho đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến cuộc CMCN lần thứ 4 với nhiều tên gọi khác nhau.

Bên cạnh đó, nhiều nước cũng xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia - một trong những nội dung cốt lõi của tham gia CMCN lần thứ tư. Đối với nước ta, nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia CMCN lần thứ 4 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai”.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biếu khai mạc phiên Diễn đàn cấp cao

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông.

Để nắm bắt và tận dụng các cơ hội của cuộc CMCN này để phát triển bứt phá, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư. Trên cơ sở Nghị quyết này, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể.  

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết thêm: Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là nghị quyết toàn diện, tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận tích cực, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đã đánh giá cao.

Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng cộng sản Việt Nam khi coi: “Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”.

iệt Nam cũng đã xác định: nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư là thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Cùng quan điểm trên, trong lời phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam. Tinh thần của Nghị quyết là đặt mục tiêu cao, nhất là mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá, Việt Nam sẽ bứt phá vượt lên. Chuyển đổi số đã diễn ra nhiều năm qua. Nhưng chỉ khi xuất hiện các công nghệ của CMCN lần thứ 4 thì chuyển đổi số mới thực sự tăng tốc. Chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số và xã hội số, và chỉ khi đó mới là môi trường tốt nhất cho đổi mới sáng tạo”.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn

Cơ sở hạ tầng viễn thông tại Việt Nam được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước, trong đó vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp. Mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số. Công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo thêm cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, năm 2018, chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, trong đó chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc, lên thứ hạng 59/193 quốc gia so với năm 2016. Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam chuyển đổi số nhanh và hiệu quả hơn.

“Con tằm hóa bướm” trong mọi hình thái kinh tế - xã hội

Chuyển đổi số ở mức cao sẽ làm biến đổi mọi hoạt động kinh tế - xã hội sang một hình thái hoàn toàn khác, giống như con tằm phá kén thành bướm. Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Nói đến chuyển đổi số là nói đến một môi trường mới trong cuộc sống của nhân loại - môi trường số, hay còn gọi là môi trường không gian mạng. Chúng ta đã quen thuộc với các môi trường trên không, trên bộ, trên biển, trong vũ trụ và sóng điện từ. Một môi trường mới cũng tức là thách thức mới và cơ hội mới, là nhận thức mới và luật lệ mới, là cách thức sản xuất mới và hạ tầng mới".

"Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Chúng ta sống trong thế giới thực từ khi xuất hiện loài người. Và đây là lần đầu tiên loài người bước vào một thế giới khác. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số. Và chỉ lúc này thì các công nghệ số mới phát huy hết sức mạnh của nó. Cả sức mạnh xây dựng và sức mạnh huỷ diệt”.

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, CMCN 4.0 có tác động làm thay đổi mọi mặt của đời sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia với tốc độ lan truyền nhanh trên nền ứng dụng Internet; Làm thay đổi mang tính hệ thống trong các ngành, lĩnh vực, thậm chí cả một quốc gia; Thay đổi phương thức và cách tiếp cận của nền sản xuất... Cuộc cách mạng đem lại cho các quốc gia cả cơ hội và thách thức.

Nhiều nước đã và đang xây dựng, thực hiện các chính sách khác nhau để chủ động khai thác lợi ích của công nghệ mới, tận dụng cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, giải quyết các tồn tại do phát triển gây ra, ứng phó với những thách thức mà Cuộc cách mạng đem lại...

Các đại biểu tham dự phiên Diễn đàn cấp cao

Chuyển đổi số sẽ hình thành các mối quan hệ mới. Đây mới là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Nhưng cũng chính những mối quan hệ mới này, những mô hình kinh tế mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh.

Cần đột phá cả tư duy và chính sách

Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định trong thời gian vừa qua, nhưng theo phân tích của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho thấy: Mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, năm 2018 Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia; thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của CMCN lần thứ 4; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của cuộc CMCN lần thứ 4 trong sản xuất và đời sống; còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển.

Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. KHCN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả.

Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động; nhiều DN còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.

Để loại bỏ được những hạn chế trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Khi cuộc cách mạng số, CMCN 4.0 xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nó tạo cơ hội cho các đổi mới sáng tạo. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả DN, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận”.

Chấp nhận cái mới phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Nhưng lại là lợi thế của các nước đi sau, vì sự chuyển đổi nhận thức này không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu. Các nước đi sau thì ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời 2.0, 3.0. Những gánh nặng quá khứ này có thể lại là cản trở cho 4.0, vì 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới.

Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ.

Triển lãm giải pháp, công nghệ 4.0 bên lề Diễn đàn

Về thể chế thì quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hoá Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số.

Cái mới thì chưa biết nên cũng không thể biết cách quản lý, do vậy cơ chế sandbox, tức là cho thí điểm, nhưng giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định, là cách tiếp cận cái mới tốt nhất, mà Nghị quyết 52 đã chỉ ra.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố Chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư trước, sẽ đi trước, sẽ phải có thứ hạng cao trên thế giới, phải nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030. Chúng ta nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng là: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, Nền tảng (Platform) và Đào tạo.

Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chuyển đổi số Chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội. Muốn đi nhanh thì chính phủ phải đi đầu. Nghị quyết 52 đã yêu cầu Chính phủ phải đi tiên phong trong chuyển đổi số.

Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một, đẩy nhanh việc số hoá và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Trong phần tổ chức thực hiện Nghị quyết 52, Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu: Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật để tạo thuận lợi cho tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 theo tinh thần của Nghị quyết;

Ban hành một số cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế số;

Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ 4;

Ban hành, triển khai Đề án chuyển đổi số quốc gia và các đề án, chương trình, kế hoạch tham gia CMCN lần thứ 4;

Chỉ đạo xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, mô hình, kinh doanh mới. Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết.

Như vậy, cuộc cách mạng số của Việt Nam đã bắt đầu thành hình và có xu hướng tiến triển thuận lợi. Vấn đề quyết định thành bại là ở người có trách nhiệm thực hiện triển khai.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CMCN lần thứ 4 tại Việt Nam thực chất là cuộc Cách mạng số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO