Bộ trưởng Bộ Thương mại, Môi trường Đầu tư và Doanh nghiệp Rumani Stefan-Radu Opera và đoàn doanh nghiệp Rumani đã thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 - 27/10/2018. Nhân dịp này, với mong muốn đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam với Rumani, ngày 22/10/2018, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Đại sứ quán Rumani tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm giới thiệu về thị trường Rumani với chủ đề "Rumani, một lựa chọn chiến lược".
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cho biết hai nước Việt Nam và Rumani đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 03/02/1950. Kể từ đó đến nay, trải qua nhiều thay đổi, tuy nhiên, hai nước vẫn tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống sẵn có trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi. Nền kinh tế hai nước có thể hợp tác tương hỗ lẫn nhau phát triển tốt. Rumani là thị trường lớn nhất vùng Nam Âu với 21 triệu dân, có quy mô diện tích lớn đứng thứ 7 ở Châu Âu, là cửa ngõ đi vào các nước EU với 500 triệu dân, cthuận lợi về vận tải biển đi các nước EU.
Trong khi đó, Việt Nam là một thị trường lớn của ASEAN với trên 90 triệu dân, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quốc tế đa phương và song phương, có thể tận dụng tiếp cận đến thị trường hơn 50 nền kinh tế lớn trên thế giới. Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn với các nhà đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế Việt Nam có các thế mạnh về nông sản nhiệt đới, may mặc, da giày, điện tử..., trong khi đó Rumani có thế mạnh chế biến nông sản, có nhu cầu về hàng hóa nông sản nhiệt đới. Các lĩnh vực khác Rumani có thế mạnh như dược phẩm, hóa chất, dầu khí, đóng tầu... là những lĩnh vực Việt Nam đang cần ưu tiên phát triển và hợp tác.
Tuy nhiên, ông Khương khẳng định, đến nay quan hệ về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Rumani vẫn còn rất khiêm tốn. Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Rumani mới đạt trên 300 triệu USD/năm, trong khi độ mở của nền kinh tế hai nước khá cao, trong đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Rumani khoảng 63 tỷ USD/năm, của Việt Nam là khoảng 400 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Ông Khương nhấn mạnh, thông qua buổi tọa đàm, Việt Nam mong muốn tìm kiếm các giải pháp tích cực hơn nữa nhằm thúc đẩy và đem lại hiệu quả tích cực, nhiều ý nghĩa về kinh tế, xã hội, giao lưu văn hóa giữa 2 quốc gia.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Môi trường Đầu tư và Doanh nghiệp Rumani Stefan-Radu Opera cho biết hai nước còn có nhiều không gian để phát triển quan hệ đối tác. Vấn đề là làm sao giúp các doanh nghiệp giữa 2 quốc gia nắm bắt và phát triển được các cơ hội hợp tác. Hy vọng rằng tới đây, sẽ có rất nhiều cơ hội để Chính phủ hai nước cùng nỗ lực nhiều hơn để cân bằng thâm hụt thương mại giữa Việt Nam - Rumani.
Đại diện cho Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Bùi Trọng Đỉnh, cho biết tính đến hết năm 2017, Rumani đã đầu tư vào Việt Nam 2 dự án với số vốn đăng ký là 1,2 triệu USD (xếp thứ 93 trong số 125 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam). Việt Nam cũng có 216 công ty đang hoạt động tại Rumani với số vốn đăng ký khoảng 2,1 triệu euro.
Để tăng cường hiệu quả hợp tác kinh tế đầu tư giữa Việt Nam và Rumani, theo ông Đỉnh, hai nước cần sớm xúc tiến đàm phán ký kết các hiệp định hợp tác về ngân hàng, du lịch và hải quan. Đồng thời, cần sửa đổi, điều chỉnh các hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và thực hiện thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển đã ký từ những năm 1994-1995 sao cho tương thích với tình hình thực tế.
Ông Đỉnh cũng cho rằng, cần tích cực tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến thương mại giữa hai nước để tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường, đối tác... Qua đó, giúp các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường và quảng bá, giới thiệu sản phẩm...