Tại Hội nghị phổ biến và quán triệt triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT),Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son cho biết: Vì VNPT là tập đoàn lớn, có vai trò quan trọng với sự phát triển đất nước, đặc biệt là ngành CNTT- Viễn thông nên tập thể Chính phủ đã xem xét rất thận trọng Đề án tái cơ cấu VNPT trong khoảng 6 tháng. Ngày 10/6 vừa qua, Thủ tướng đã ký Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chủ trì Hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá cao vai trò và sự phát triển của tập đoàn VNPT trong thời gian qua. Tuy nhiên, do yêu cầu phát triển ngày càng cao, cũng có lúc VNPT phát triển với quy mô không phù hợp, không khai thác hết nguồn nhân lực, dẫn đến có những hạn chế nhất định trong vận hành cơ chế, tổ chức bộ máy hoạt động. Nhiều công ty con cùng tham gia sản xuất, kinh doanh một lĩnh vực, dẫn tới cạnh tranh nội bộ, triệt tiêu - phân tán nguồn lực. Sự đầu tư vì thế mà manh mún, dàn trải, chồng lấn, kém hơn các đối thủ, dẫn tới hiệu quả cạnh tranh hạn chế.
Để phát triển và có kết quả hoạt động tốt hơn, VNPT cần thay đổi phương thức hoạt động, tái cơ cấu Tập đoàn. Mục tiêu của lần tái cơ cấu này nhằm tiếp tục phát triển VNPT ổn định, bền vững, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; giữ vai trò chủ lực trong ngành viễn thông Việt Nam. “Tái cơ cấu VNPT cũng để giúp hình thành thị trường viễn thông Việt Nam phát triển bền vững và cạnh tranh lành mạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Việc cơ cấu lại Tập đoàn sẽ phải được thực hiện trên tinh thần tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, hạn chế ban bệ ở cả Công ty mẹ lẫn các công ty con. Định hướng phát triển chính của Tập đoàn sau cơ cấu sẽ là tập trung nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trường và mạng lưới, 63 đơn vị viễn thông tỉnh thành sẽ trở thành chi nhánh của VNPT, quản lý khai thác mạng ngoại vi, thiết bị đầu cuối tại các điểm dịch vụ công cộng, kinh doanh hàng hóa theo hợp đồng giữa các bên.
Lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng của Bộ TTTT và lãnh đạo chủ chốt các đơn vị thuộc VNPT tham dự Hội nghị
Trước mắt, Tập đoàn VNPT sẽ thực hiện 7 nhiệm vụ: Đề xuất mức vốn điều lệ; Xây dựng đề án thành lập các tổng công ty; Bàn giao 3 đơn vị để làm rõ hoạt động 6 tháng cuối năm; Sắp xếp các đơn vị thành viên; Tổ chức thực hiện tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp; Xây dựng, báo cáo Bộ cơ chế hoạt động kinh doanh VINASAT 1 và 2 để Bộ trình Chính phủ.
Trong Đề án này, Thủ tướng vẫn quyết định giữ lại thương hiệu VNPT cũng như các ngành nghề chính của Tập đoàn. Tuy nhiên một trong những điểm đáng chú ý là Thủ tướng đã đồng ý việc điều chuyển nguyên trạng Công ty TNHH Một thành viên Thông tin di động VMS (Mobifone); Bưu điện Trung ương; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ TTTT trực tiếp quản lý.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, Bộ TTTT sẽ triển khai, tiếp nhận các đơn vị trên từ ngày 1/7/2014. Riêng đối với MobiFone, Bộ sẽ sớm có phương án cổ phần hóa để trình Chính phủ ngay trong năm 2014 này. Nếu không có gì thay đổi, trong quý III tới đây, VMS sẽ tiến hành tổ chức lại thành một Tổng công ty hoàn chỉnh, hoàn thiện về bộ máy và đủ năng lực cạnh tranh. Đây là cơ sở để Bộ TTTT có thể trình Chính phủ phương án cổ phần hóa nhà mạng này trong quý IV.
Cùng với việc điều chuyển 3 đơn vị y tế và các trường Trung học Bưu chính Viễn thông - CNTT Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên về địa phương, VNPT sẽ sắp xếp lại phần còn lại theo hướng: Các đơn vị kinh doanh, quản lý viễn thông của VNPT sẽ trở thành công ty TNHH một thành viên Dịch vụ viễn thông VNPT-VinaPhone để quản lý và kinh doanh dịch vụ viễn thông. Tổ chức lại các công ty, đơn vị, bộ phận quản lý, kinh doanh phần mềm, giá trị gia tăng thành VNPT-Media. Tổ chức các công ty hạ tầng mạng viễn thông trở thành Công ty TNHH một thành viên VNPT-Net. Tổ chức lại Công ty TNHH một thành viên Cáp quang FOCAL và Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông VNPT-Technology thành công ty con của VNPT, phát triển kinh doanh sản phẩm phần cứng, phần mềm, công nghiệp CNTT. Sắp xếp lại Công ty TNHH một thành viên Tài chính Bưu điện trên cơ sở đánh giá hiện trạng kinh doanh khó khăn, có thể tính phương án phù hợp.
Minh Thiện