Phát triển con người trong kỷ nguyên AI: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam
Sự kiện công bố Báo cáo Phát triển Con người năm 2025 tại Việt Nam là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các diễn giả trao đổi về việc làm thế nào để trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành động lực cho phát triển con người, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững và chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Ứng dụng AI vì con người
Chiều 12/5, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức lễ công bố "Báo cáo Phát triển Con người (HDR - Human Development Report) toàn cầu năm 2025.
Báo cáo HDR 2025 của UNDP với tiêu đề “Các lựa chọn: Con người và những cơ hội trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” tập trung phân tích sâu sắc những chuyển biến do AI mang lại đối với tiến trình phát triển con người toàn cầu. Báo cáo chỉ ra những cơ hội AI có thể bổ trợ khả năng của con người, nhưng đồng thời nếu sử dụng không có đạo đức, AI có thể gia tăng bất bình đẳng, giảm niềm tin xã hội và lề hóa những nhóm yếu thế.
Xu hướng phát triển con người toàn cầu đang chứng kiến sự phục hồi sau COVID. Trong bối cảnh đó, AI mở ra cơ hội đột phá để tái tạo động lực phát triển. Khi quốc gia biết cách ứng dụng AI có trách nhiệm, đạo đức để cải thiện giáo dục, y tế và kinh tế, chúng ta có thể nâng cao năng lực cho từng công dân, thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Phát biểu tại sự kiện, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh báo cáo kêu gọi các chính phủ và xã hội định hình AI một cách có trách nhiệm để AI phục vụ con người, chứ không phải ngược lại. Cần khuyến khích phát triển, sử dụng AI có đạo đức và bao trùm như một con đường dẫn đến tăng trưởng chỉ số phát triển con người bền vững.

Theo Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, trên toàn thế giới, khoảng cách về AI ngày càng lớn. Nếu không được kiểm soát, nó có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ toàn cầu. Việt Nam phải hành động ngay để tránh rơi vào khoảng cách đó.
"Chúng ta cần hành động ngay để đảm bảo AI trở thành động lực thúc đẩy công bằng, bền vững và tiến bộ của con người tại Việt Nam và trên thế giới", bà Ramla Khalidi khẳng định
Trình bày các nội dung chính của báo cáo HDR 2025, bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Tăng trưởng Bao trùm, UNDP tại Việt Nam, cho biết: Chỉ số phát triển con người (HDI) là thước đo tóm tắt về thành tựu trung bình ở các chiều cạnh chính của phát triển con người: sức khỏe, giáo dục và mức sống. Nó được tạo ra để nhấn mạnh rằng con người và sự phát triển con người phải là tiêu chí cuối cùng để đánh giá sự phát triển của một quốc gia.
Trong báo cáo năm 2025, UNDP đã tiến hành khảo sát 21.000 người ở 36 nước khác nhau. Nhìn chung, những người được khảo sát khá lạc quan về tác động cũng như tính hữu ích của AI. Việc sử dụng AI trong giáo dục, y tế và công việc đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên không phải công nghệ AI công bằng cho tất cả mọi người. Do đó, báo cáo đưa ra 3 khuyến nghị.
Một là xây dựng một nền kinh tế bổ khuyết cho nhau, theo đó, các nhà hoạch định chính sách nên định hình tương lai, tránh việc cố gắng đoán xem con người sẽ bị AI thay thế như thế nào, để thấy được tiềm năng con người có thể làm được những gì với AI.
Hai là đổi mới có chủ đích, AI nên được khai thác để thúc đẩy khoa học và đổi mới công nghệ - không phải bằng cách tự động hóa các quy trình sáng tạo mà bằng cách tăng cường chúng.
Ba là đầu tư vào những khả năng có giá trị. Tính linh hoạt và khả năng thích ứng của AI nên được tận dụng để cá nhân hóa giáo dục và y tế trong các bối cảnh khác nhau, đồng thời giải quyết các rủi ro và mối quan tâm liên quan đến sự thiên vị, quyền riêng tư, khả năng chi trả và công bằng.
Theo bà Đỗ Lê Thu Ngọc, chỉ số HDI của Việt Nam năm 2023 đạt 0,766, xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao, đứng thứ 93 trên tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 - 2023, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,499 lên 0,766 - tăng 53,5%, một bước tiến ấn tượng. Điều đó cũng cho thấy những cam kết của chính phủ Việt Nam trong việc đẩy nhanh sự tiến bộ của con người.

Ông Jonathan London, đại diện nhóm nghiên cứu của UNDP, cho biết: Việt Nam cũng có những thách thức và cơ hội trong việc sử dụng AI để thúc đẩy sự thịnh vượng quốc gia. Trong đó đảm bảo tính bao trùm và đạo đức luôn là điều quan trọng. Chìa khoá ở đây không phải là các vấn đề về công nghệ mà là các quy định và chính sách để tận dụng AI một cách phù hợp nhất. Đó là sử dụng AI để nâng cao năng suất trong mọi lĩnh vực và thúc đẩy nền kinh tế bao trùm hơn, đặc biệt khi Việt Nam bước sang giai đoạn dân số già hoá.
Vai trò của đạo đức AI đối với sự phát triển con người
Chia sẻ tại sự kiện, TS. Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người, Gia đình và Giới, nhấn mạnh: Công nghệ giúp tăng cường năng lực cho con người, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và qua đó giúp đạt được thu nhập cao. Đây chính là phương tiện để phát triển con người. Ở chiều ngược lại, sự phát triển công nghệ cũng thể hiện sự phát triển của con người. Nếu như sự phát triển con người có môi trường tự do hơn, có nhiều cơ hội và nguồn lực hơn thì cũng sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển tốt hơn.
Rõ ràng, sự phát triển của con người và tiến bộ công nghệ có thể hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của công nghệ và AI đến con người thì cũng có những rủi ro, bao gồm: bất bình đẳng bởi không phải tất cả các nhóm xã hội đều được tiếp cận và thụ hưởng như nhau các thành quả của công nghệ cũng như AI; mất việc làm và áp lực về chuyển đổi nghề nghiệp; an ninh con người; ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và xã hội; thông tin sai lệch lan truyền nhanh trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến giáo dục và nhận thức xã hội.

Đồng quan điểm về vấn đề này, PGS. TS. Cao Thu Hằng, Tạp chí Cộng sản, cho biết AI đã hỗ trợ, tạo cho con người, xã hội loài người có cơ hội sống cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng đồng thời nó cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển con người. Do đó, việc đề xuất đạo đức AI để AI mang lại những giá trị tích cực cho sự phát triển con người và hạn chế những khía cạnh tiêu cực trong quá trình thiết, phát triển và ứng dụng AI ngày càng được chú trọng.
PGS. TS. Cao Thu Hằng đã đưa ra một số đề xuất để tăng cường vai trò của đạo đức AI đối với sự phát triển con người.
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho người dân. AI mang lại cả thách thức và cơ hội cho mỗi quốc gia và mỗi cá nhân. Việc có được nền tảng tri thức tốt sẽ giúp mỗi người có tiếp cận được cơ hội tốt đẹp do sự phát triển AI mang lại, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, tìm kiếm cơ hội việc làm nhằm giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, mà còn nâng cao nhận thức của mỗi người trong việc bảo vệ bản thân trước tác động mang tính hai mặt của AI. Đồng thời, AI có khả năng giúp nêu lên quan điểm và bảo vệ các vấn đề liên quan đến cá nhân, đến quyền tự chủ, quyền riêng tư, phẩm giá con người một cách tốt nhất.
Do vậy, cần tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa trong việc nâng cao trình độ dân trí, học vấn, phương thức ứng dụng AI trong cuộc sống. Giáo dục cũng cần đặc biệt chú ý đến tư duy phản biện, năng lực sáng tạo, nhằm tạo ra sự công bằng trong tiếp cận các cơ hội mà AI mang lại, đồng thời, cũng tạo cho người dân có khả năng bảo vệ mình trước những rủi ro mà AI gây ra.
Thứ hai, xây dựng bộ quy tắc đạo đức AI và đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức nói chung và đạo đức trong lĩnh vực AI nói riêng. Bộ quy tắc đạo đức AI bao gồm các chuẩn mực chủ yếu, như minh bạch, công bằng, trách nhiệm, giải trình. Đây là các chuẩn mực đạo đức cần có của người thiết kế, lập trình chương trình và ứng dụng AI trong cuộc sống. Cùng với đó, là đẩy mạnh công tác giáo dục các chuẩn mực đạo đức AI thông qua nhà trường, xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng…;
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Điều này là do mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật. Trong xây dựng hệ thống pháp luật, cần xác định bản chất pháp lý của AI, những vấn đề về bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu; về quyền sở hữu (những sản phẩm do AI tạo ra), về trách nhiệm của chủ sở hữu, sử dụng AI trong trường hợp AI gây ra những sai phạm, thiệt hại cho con người và xã hội…
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đạo đức AI. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đạo đức AI có nghĩa là tham gia xây dựng, ký kết các công ước quốc tế, khu vực trong lĩnh vực đạo đức liên quan đến AI; thực hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực AI, nhằm bảo đảm cho việc thiết kế, phát triển, ứng dụng AI là vì sự phát triển con người trên phạm vi toàn thế giới.
Sự kiện công bố Báo cáo HDR 2025 tại Việt Nam không chỉ là một hoạt động truyền thông, mà còn là cơ hội đối thoại chính sách, góp phần nội địa hóa các vấn đề toàn cầu trong bối cảnh và chiến lược phát triển của Việt Nam. Đây là dịp quy tụ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia công nghệ, đại diện xã hội dân sự, giới học thuật, khu vực tư nhân và công chúng cùng trao đổi về việc làm thế nào để AI trở thành động lực cho phát triển con người, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững và chiến lược chuyển đổi số quốc gia./.