Công bố thành lập Viện Lãnh đạo, Quản trị, Quản lý Việt Nam thuộc PTIT
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, lần đầu tiên tại Việt Nam có một viện đặt chữ Việt Nam, trường phái Việt Nam vào trong lãnh đạo, quản trị và quản lý.
Ngày 3/2/2025, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT) đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết thành lập Viện Lãnh đạo, Quản trị, Quản lý Việt Nam (VLGM). Buổi lễ công bố có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm.
Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị và quản lý của các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam
Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam ra đời với sứ mệnh “Phát triển và chuyển giao tri thức về lãnh đạo, quản lý, quản trị đặc sắc Việt Nam để đáp ứng sự phát triển của các doanh nghiệp (DN), tổ chức Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc”, là đơn vị nghiên cứu, tập hợp hệ tri thức về lãnh đạo, quản trị, quản lý dựa trên tri thức đã tích luỹ của nhân loại và phát triển tri thức lãnh đạo riêng có, mang bản sắc của văn hoá và con người Việt Nam.
Viện chia sẻ, truyền cảm hứng cho các thế hệ lãnh đạo, quản lý trong DN, tổ chức Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển của DN, tổ chức trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Viện được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị đơn vị thuộc Học viện Công nghệ BCVT (PTIT) để thực hiện sứ mệnh mới và tối ưu hiệu quả hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Phát biểu tại buổi lễ công bố thành lập Viện chiều ngày 3/2/2025, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Viện được khai trương đúng vào ngày thành lập Đảng Cộng sản việt Nam, 95 năm thành lập Đảng và cũng đúng vào ngày lập Xuân.
“Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức kiểu mới, với hy vọng góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị và quản lý của các DN và các tổ chức Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế”.
Theo Bộ trưởng, một viện đào tạo cả về lãnh đạo, quản trị và quản lý đang rất thiếu tại Việt Nam. Một viện về lãnh đạo, quản trị và quản lý theo trường phái Việt Nam thì lại càng hiếm hơn. Lãnh đạo, quản trị và quản lý là bộ ba nền tảng để một tổ chức phát triển bền vững. Một tổ chức phải có người dẫn lối là lãnh đạo nhưng cũng phải có người thực thi và quản lý và có người làm cho tổ chức ấy bền vững là quản trị.
“Đây là bộ ba hoàn chỉnh và không thể tách rời. Thiếu một trong ba nền tảng này thì không tổ chức nào có thể tồn tại và phát triển lâu dài.
Lần đầu tiên tại Việt Nam có một viện đặt sự quan trọng vào cả ba trụ cột này. Cũng là lần đầu tiên một Viện đặt chữ Việt Nam, trường phái Việt Nam vào trong lãnh đạo quản trị và quản lý. Không có chữ Việt Nam này thì các DN, các tổ chức Việt Nam khó có sự phát triển bứt phá, khó bền vững và đặc biệt khó to ra, khó trở thành vĩ đại và khó cạnh tranh toàn cầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Viện lãnh đạo, quản trị và quản lý Việt Nam được thành lập đúng vào ngày kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2025).
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tinh thần ngày 3/2 là tinh thần tiên phong, đi đầu và dẫn lối khai phá, là tinh thần giải phóng, là tinh thần đưa Việt Nam có tên trên bàn đồ thế giới, sánh vai cường quốc năm châu, là tinh thần hy sinh vì sự nghiệp chung, là tinh thần dựng lên nghiệp lớn từ hai bàn tay trắng, là tinh thần dựa vào dân và lấy dân làm gốc”.
Bộ trưởng mong muốn những, thầy cô đầu tiên, những người đầu tiên của Viện hãy có tinh thần này để xây dựng Viện.
Dùng nhiều công nghệ số để giảng dạy
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Học viện công nghệ BCVT là một học viện lớn về công nghệ số. Vậy, Viện hãy dùng nhiều hơn công nghệ số trong giảng dạy. Hãy trang bị tư duy số cho lãnh đạo các DN và các tổ chức của Việt Nam.
Lãnh đạo, quản trị và quản lý Việt Nam phải có “số” đi theo - lãnh đạo số, quản trị số và quản lý số bởi vì công nghệ số đang là những công nghệ chính của thời đại chúng ta đang sống. “Số” phải vừa là yếu tố thời đại và vừa phải là yếu tố thời gian.
Từ trước đến nay, Bộ trưởng cho biết chúng ta vẫn thường tập trung vào dạy kiến thức chung. Viện cần thay đổi cách tiếp cận. Một DN, một tổ chức khi có một vấn đề về lãnh đạo, quản trị và quản lý thì họ tìm đến Viện và Viện phải nghiên cứu để giải những vấn đề, bài toán của họ và sau đó làm cho họ các kết quả nghiên cứu, kèm theo các kiến thức chung và các đặc thù Việt Nam.
Giáo viên bây giờ phải làm thêm một nghề mới, đó là nghề bác sĩ chữa bệnh. Đây cũng là cách tiếp cận mới, độc đáo, riêng có của Viện. Chỉ có cách này thì cây đời mới mãi xanh tươi.
Học viện Công nghệ BCVT có truyền thống tiên phong, mở đường cho những cái mới, điều mới chưa từng có ở Việt Nam. “Đi đầu về cái mới đã làm nên thương hiệu của Học viện, làm nên sức mạnh cạnh tranh cốt lõi của Học viện. Thành lập Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam của Học viện cũng là trên tinh thần này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết Viện được thành lập với một ngôi sao dẫn lối là tạo nên các DN và tổ chức Việt Nam xuất sắc. "Ngôi sao thì hãy giữ lấy, còn lại thì thay đổi, vừa làm vừa phát triển, mỗi ngày tốt hơn một chút, 1% thì sau 1 năm sẽ tốt lên 38 lần".
Với tinh thần này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị bắt đầu ngay từ ngày hôm nay không cầu toàn. Cuộc sống luôn là người mách bảo tốt nhất nhưng với điều kiện là phải đi, nhất là đi ở những chỗ chưa có lối.
Bộ trưởng chúc cho Viện luôn mang trong mình tinh thần mồng 3/2 thì chắc chắn sẽ thành công và trở thành một viện quản lý độc đáo nhất Việt Nam và không chỉ riêng ở Việt Nam.
Đẩy mạnh ứng dụng AI để khai thác tri thứ trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý
Tại lễ công bố, ông Đoàn Hiếu, Phụ trách điều hành Viện VLGM cho biết Viện sẽ áp dụng các phương pháp đào tạo hiện đại, nhằm tối ưu hóa quá trình học tập và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Đó là, kết hợp hài hòa giữa các hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, mang lại sự linh hoạt trong học tập cho học viên; đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo để giúp học viên khai thác tri thức trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý.
Quá trình học tập được sự hỗ trợ của hệ thống AI - hệ tri thức số về MBA do PTIT xây dựng, trong đó:
(1) Phương pháp đào tạo online - Dành cho khối kiến thức căn bản nhằm mục tiêu hệ thống hoá các tri thức kinh điển về quản lý, lãnh đạo. Được thực hiện dưới các hình thức: Học tập với khoá học MOOC về các nội dung kinh điển, căn bản về quản lý và lãnh đạo và hệ thống sách điện tử về MBA chuẩn quốc tế. Học tập với chatbot AI, mỗi môn học được một chatbot AI hỗ trợ học tập.
(2) Phương pháp đào tạo offline - Dành cho khối kiến thức chuyên sâu về lãnh đạo và quản lý, được thực hiện dưới các hình thức: Học tập cùng chuyên gia về các vấn đề thực tiễn trong lãnh đạo, quản lý mang đặc sắc “Việt Nam” theo phương thức học “Learning by key”, Học tập theo các tình huống cụ thể, điển hình (Gồm các key kinh điển từ Đại học (ĐH) Havard, key điển hình của Việt Nam do đội ngũ chuyên gia Việt Nam xây dựng); Thảo luận, đặt câu hỏi, chia sẻ với người đi trước, các chuyên gia với từng chủ đề cụ thể, tìm kiếm lời giải cho các vấn đề lớn của đất nước, vấn đề vướng mắc , tồn tại hiện hữu trong tổ chức, DN theo từng chủ điểm cụ thể; Tham gia các chuyên đề thực tế ở nước ngoài tại các trường ĐH đối tác.
Các chương trình đào tạo chính của Viện bao gồm chương trình: Thạc sĩ/Tiến sĩ, các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ, các chương trình đào tạo bồi dưỡng dành cho các cấp lãnh đạo, quản lý và các môn học dành cho sinh viên ĐH.
Những chương trình này sẽ được thiết kế và liên tục điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của các nhà lãnh đạo, quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ, kinh doanh cho đến quản lý nhà nước.
Đến nay, Viện đã có sự đồng hành và hợp tác từ nhiều tổ chức, cá nhân học giả nổi tiếng tại nước ngoài như Viện Quốc tế Geneva (Thụy Sỹ), Trường Quản lý Công Lý Quang Diệu (Singapore), Đại học Alto (Phần Lan)...
Với sự bảo trợ chỉ đạo định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sự nhiệt huyết của đội ngũ chuyên gia cố vấn uy tín giàu kinh nghiệm, đặc biệt là GS. Vũ Minh Khương, Trường Hành chính công Lý Quang Diệu, cùng sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức giáo dục, DN lớn trong và ngoài nước, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT tin tưởng, Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam sẽ là nơi hội tụ tri thức, nuôi dưỡng khát vọng đào tạo các nhân tại xuất sắc xây dựng Việt Nam hùng cường trong kỷ nguyên mới, lan toả tri thức Việt Nam ra toàn cầu, từ đó khẳng định đẳng cấp và vị thế quốc gia./.