Quá tải bởi dòng chuyển dịch sản xuất
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tiến sang năm thứ 2, Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng lợi thế của cuộc di cư sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Sự kết hợp giữa mức lương cao hơn và tăng các quy định về môi trường có nghĩa là khu vực Quảng Đông, trung tâm sản xuất phía nam Trung Quốc, không còn là trung tâm chi phí thấp như trước đây. Đối với nhiều công ty, Việt Nam đã được coi là một sự thay thế hợp lý. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với kế hoạch tăng cao mức thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã đẩy nhanh xu hướng này.
Quý đầu tiên của năm 2019 chứng kiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 86,2%, đạt 10,8 tỷ USD, với đầu tư của Trung Quốc chiếm gần một nửa số đó, theo tờ Securities Times của Trung Quốc.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,1% trong năm ngoái, đã thu hút rất nhiều công ty đa quốc gia, bao gồm Intel, Samsung, LG… tất cả đều đầu tư rất lớn. Fred Burke, đối tác quản lý của công ty luật Baker McKenzie tại Việt Nam, nhận thấy một loạt các nhà sản xuất Trung Quốc vào Việt Nam ngay cả trước cuộc chiến thương mại.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất với hạ tầng chưa được đầu tư đủ quy mô nên Việt Nam đang trở nên quá tải. Chi phí đất đai và lao động tại Việt Nam đang tăng. Việc tắc nghẽn giao thông tại cảng và đường bộ vận chuyển đã báo hiệu sự cần thiết của các giải pháp thay thế nhằm đáp ứng tình trạng nhu cầu sản xuất vẫn tiếp tục tăng cao.
Koh, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất đồ nội thất Singapore Koda, đang điều hành các nhà máy ở Malaysia và Việt Nam, đã thực hiện nhiều khoản đầu tư tại Việt Nam, lo lắng rằng các khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam đang phải đối phó với dòng công ty chuyển tới, nhiều trong số đó đang tìm cách thoát thuế quan chiến tranh thương mại.
“Ở khắp mọi nơi, những tòa nhà cao tầng đang mọc lên. Các con đường ngày càng đông đúc, tình trạng kẹt xe ngày càng tồi tệ hơn. Có một sự khác biệt lớn về tắc nghẽn cảng trong hai năm qua. Hiện nay, chúng tôi phải đặt chỗ cho một con tàu trước hai tuần. Chúng tôi không phải làm điều này trước đây”, ông Koh cho biết.
Do đó, công nghệ sản xuất tiên tiến và quy trình đặc trưng bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay công nghiệp 4.0, có thể là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, khi mà Việt Nam sẵn sàng áp dụng công nghệ 4.0 với việc triển khai chương trình “Made in Vietnam 4.0”, thì phải có sự tập trung bình đẳng trong việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có nền kinh tế kết hợp 2,6 nghìn tỷ USD (tạo thành nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới) và dân số vượt quá 632 triệu người. Đầu tư trong khu vực đang tăng lên do lực lượng lao động được đào tạo ngày càng tốt hơn, thị trường tiêu dùng mới nổi, mở rộng cơ sở hạ tầng và mạng lưới hậu cần đang phát triển. Hơn nữa, ASEAN đã tăng cường hội nhập thương mại trên thị trường toàn cầu và chuyển đổi từ nông nghiệp sang sản xuất và dịch vụ.
Tuy nhiên, khi nói đến việc triển khai các công nghệ mới tại nơi làm việc, các doanh nghiệp (DN) ASEAN có xu hướng không đứng hàng đầu. Họ được coi là tín đồ của việc áp dụng công nghệ chứ không phải là nhà đổi mới.
Ở các nền kinh tế phát triển, những cải tiến gần đây trong tự động hóa đang dẫn đến việc tái sản xuất, trong đó sản xuất được đẩy trở lại các quốc gia đang phát triển trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động phổ thông, như may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử và ô tô... Các quốc gia thành viên ASEAN đang tụt lại trong xu hướng này. Trong khi đó, chi phí của các công nghệ tự động hóa đang giảm nhanh chóng và ứng dụng của chúng ngày càng trở nên phổ biến, thay thế dần các công việc chân tay. Do đó, ASEAN có thể gặp phải những khó khăn to lớn trong phát triển và tăng trưởng nếu không thể giải quyết vấn đề này.
Nghiên cứu “ASEAN chuyển đổi: Tương lai của các công việc có nguy cơ tự động hóa” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao nhất trong 5 quốc gia thuộc ASEAN (bao gồm Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) về các ngành nghề có tay nghề thấp phải đối mặt với rủi ro cao từ sự tự động hóa, ở mức 70%.
Nhưng công nghệ không phải là mối đe doạ mà nó là một cơ hội. Với các giải pháp tự động hóa, nâng cao kỹ năng và thân thiện với người dùng, người lao động có thể được trang bị các kỹ năng và chuyên môn để đáp ứng tốt nhất và hưởng lợi từ việc thay đổi vai trò của họ.
Cobot - Giải pháp trong tầm tay
Các robot cộng tác (cobots) đang thay đổi câu chuyện “Robots thay thế các công việc”, bằng việc đặt con người là trung tâm của sự biến đổi công nghệ. Các cobot này được thiết kế để hoàn thành các nhiệm vụ bên cạnh người công nhân mà không cần rào cản an toàn nào (nhằm phòng ngừa rủi ro), giúp công nhân dễ dàng thích ứng với thời kỳ công nghệ công nghiệp 4.0.
Để cobot đảm nhiệm các công việc lặp đi lặp lại, vất vả và nguy hiểm, người lao động có thể chuyển sang các công việc yêu cầu kỹ năng cao hơn và được trả mức lương tốt hơn. Như vậy sẽ hạn chế căng thẳng và chấn thương do tai nạn khi làm việc, giúp môi trường làm việc trở nên an toàn hơn. Hơn hết các nhà sản xuất cũng được hưởng lợi từ việc năng suất được cải thiện, chất lượng đầu ra phù hợp và chi phí vận hành thấp hơn khi họ đưa cobot vào dây chuyền sản xuất.
Điển hình là Công ty cổ phần công nghiệp ô-tô Vinacomic có trụ sở tại Quảng Ninh, đã nhận thấy những lợi ích rõ ràng trong vòng 4 tháng kể từ khi triển khai cobot Universal Robot (UR) đầu tiên của mình. Công ty đã chứng kiện sự gia tăng năng suất đến 30% với những cải tiến về chất lượng sản phẩm. Những lợi thế cạnh tranh như vậy có thể thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công ty, tạo thêm việc làm cũng như chuỗi cung ứng.
Với chi phí hiệu quả, an toàn và linh hoạt khi triển khai, cobot giúp quá trình tự động hóa cho các DN ở mọi quy mô trở nên khả thi.
Bằng hình ảnh trực quan 3D, thiết lập cobot không phải là một quá trình phức tạp, ngay cả đối với những người không có kiến thức và kinh nghiệm nền tảng liên quan tới robot. Hơn nữa, các cánh tay robot nhỏ gọn này có thể dễ dàng triển khai lại qua các ứng dụng khác nhau mà không cần phải tốn quá nhiều chi phí vào bố trí lại hệ thống sản xuất của nhà máy.
Chuẩn bị lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0
Hiện nay, Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề, xuất phát từ việc thiếu hụt giáo dục đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET), đây có thể là một trở ngại trong nhiệm vụ thúc đẩy tự động hoá đất nước.
Xét về mặt tích cực, những nỗ lực cải thiện chất lượng lao động tại Việt Nam đang diễn ra từ các tổ chức nhà nước lẫn tư nhân. Ví dụ như là dự án “Kỹ năng và Kiến thức cho tăng trưởng kinh tế hội nhập” được hỗ trợ bởi khoản vay 75 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Dự án này hỗ trợ cung cấp thiết bị đào tạo tiên tiến cho 16 cơ sở TVET quốc gia, để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, dự án còn thiết lập mối quan hệ đối tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và các DN bên ngoài để cung cấp cơ hội đào tạo tại chỗ cho sinh viên.
Để chuẩn bị lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0, các chuyên gia tự động hóa như UR đã giới thiệu Học viện UR để cung cấp các khóa học và hội thảo trực tuyến về kỹ năng lập trình cobot cho người dùng miễn phí, bất kể trước đó đã có nền tảng về robot. Ngoài ra, việc đào tạo được thực hiện bởi các giảng viên được chứng nhận tại Mạng lưới trung tâm được ủy quyền đào tạo của UR.
Trên cả công nghệ 4.0, UR (Universal Robot) hình dung ra một tương lai công nghiệp 5.0, trong đó tập trung phát triển vào sự kết hợp giữa con người và robot, hợp nhất công nghệ tự động hóa cộng tác thông minh với các kỹ năng tư duy phản biện, sự nhận thức nhanh nhẹn và cả sự sáng tạo của con người. Ngành công nghiệp 5.0 sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa con người và robot, ưu tiên sự tương tác của con người trong sản xuất để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm thiên về cá nhân.
Công nghệ 4.0 là cơ hội để Việt Nam tối đa hóa lợi ích tiềm năng từ cuộc chiến tranh thương mại và vươn lên trở thành một nền kinh tế phát triển. Điều quan trọng là Việt Nam liên tục trang bị cho lực lượng lao động của mình các kỹ năng cần thiết để tìm ra các cơ hội và giải quyết các thách thức trong tương lai, đảm bảo sự tiến bộ chung của toàn xã hội.