Hội thảo vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) và Dolby tổ chức ngày 17/4 tại Hà Nội.
Cơ hội cho truyền hình Internet
Ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TTTT cho biết: Trong thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển của lĩnh vực Viễn thông - CNTT, lĩnh vực phát thanh truyền hình (PTTH) cũng đang phát triển, cạnh tranh và bùng nổ. Việt Nam cũng là thị trường mới nổi trong lĩnh vực này.
Ông Phan Thảo Nguyên cho biết về cơ hội ứng dụng công nghệ truyền hình tiên tiến
Việt Nam có 67 đài PTTH Trung ương và địa phương. Chính phủ cũng đã quyết định số hóa truyền hình, chuyển toàn bộ công nghệ analog sang công nghệ số hóa. Theo lộ trình đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thành số hóa truyền hình. Điều này mở ra cơ hội cho việc áp dụng các công nghệ truyền hình số mới tại Việt Nam để nâng cao chất lượng xem truyền hình.
“Đây cũng là thời điểm để các công ty, các đài PTTH có thể áp dụng công nghệ, thành tựu mới nhất trong lĩnh vực PTTH vào sáng tạo”, ông Nguyên cho biết.
Theo ông Phan Thảo Nguyên, Việt Nam đang ứng dụng 4 loại công nghệ truyền hình là: mặt đất, vệ tinh, cáp và Internet. Truyền hình Internet đang chuyển sang Internet di động và Việt Nam có tiềm năng rất lớn vì có tới 130 triệu người sử dụng điện thoại di động, trong đó 70% người dùng đang dùng smartphone.
Bộ TTTT cũng đang đặt ra mục tiêu cố gắng đến năm 2020, mỗi người dân sẽ có một điện thoại smartphone. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ truyền hình trên nền tảng Internet, đặc biệt trên nền tảng mobile Internet sẽ đặc biệt phát triển, mở ra cơ hội phát triển cho nội dung truyền hình, nội dung số.
Cùng với sự phát triển của lĩnh vực PTTH, Bộ TTTT khuyến khích áp dụng các công nghệ theo tiêu chuẩn mới, trong đó có tiêu chuẩn của Dolby. Dolby đã hợp tác với nhiều đài truyền hình trong việc ứng dụng các công nghệ truyền hình mới để phục vụ người dân Việt Nam. Trong lĩnh vực truyền hình số hiện nay, có Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC đã bắt đầu áp dụng truyền hình số 4K.
Công nghệ âm thanh, hình ảnh sống động của Dolby
Ông Michael Demeyer, Phó Chủ tịch phụ trách Tiêu chuẩn và đối tác thương mại của Dolby Laboratories, cho biết: Dolby đã nỗ lực thực hiện các cải tiến khoa học để mang tới âm thanh, hình ảnh sống động cho tất cả người xem. Từ đơn vị sản xuất nội dung PTTH đến người xem đều có thể cảm nhận được sự sống động, ngoạn mục tại tivi ở nhà và trên các thiết bị di động.
Ông Michael Demeyer giới thiệu các công nghệ tiên tiến của Dolby
Các công nghệ Dolby Atmos, Dolby Vision sẽ đáp ứng trải nghiệm của người xem. Dolby Atmos là một công nghệ âm thanh giúp người dùng có cảm giác như âm thanh đang bao trùm không gian, giống như đang ngồi giữa rạp chiếu phim chất lượng cao.
Công nghệ Dolby Atmos hay còn gọi công nghệ âm thanh lập thể (immersive) được tạo ra bởi cơ chế tái hiện và giả lập âm thanh theo không gian 3D xung quanh. Âm thanh được thể hiện chi tiết, chân thực, giúp người nghe có thể cảm nhận đến từng cử chỉ, hành động của nhân vật. Hiện đã có hơn 1150 bộ phim ứng dụng công nghệ này đã được công bố.
Trong khi đó, Dolby Vision là công nghệ hình ảnh cao cấp mang chất lượng tương đương các rạp chiếu phim tiên tiến hiện nay, giúp người xem tận hưởng hết những cảm xúc chân thật qua từng thước phim. Có thể nói, Dolby Vision giúp định hình trải nghiệm hình ảnh của người xem theo một cách mới.
Hiện nay có hơn 500 phim và chương trình truyền hình, hơn 400 giờ phim nguyên bản có sẵn trên Netflix và Amazon. Nhiều chương trình thường thuật trực tiếp thể thao và video game… sử dụng công nghệ Dolby Vision.
Công nghệ của Dolby đã được ứng dụng để phát các sự kiện thể thao, chương trình truyền hình lớn như Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, Thế vận hội Olympic…
Trao đổi với PV Tạp chí TTTT, ông Michael Demeyer cho biết: Quá trình các đài truyền hình chuyển sang phát các chương trình truyền hình có độ phân giải cao hay phát chương trình, nội dung trên các thiết bị di động là tất yếu. Các công nghệ truyền hình tiên tiến như Dolby Atmos, Dolby Vision được ứng dụng phổ biến trên thế giới có thể ứng dụng tại Việt Nam. Mỗi người xem có nhu cầu với một mức độ, ngôn ngữ khác nhau, công nghệ âm thanh của Dolby giúp cá thể hóa âm thanh trên các dải tần khác nhau, giúp tạo ra không gian âm thanh ấn tượng, cho người xem có cảm giác như đang ngồi giữa rạp chiếu phim.
Công nghệ Dolby Atmos có thể phân tích từng âm thanh và phân chia theo vị trí phát ra (trước mặt, sau lưng, hai bên...) giúp tạo ra cảm giác chân thực. Công nghệ này cũng mang lại âm thanh vòm cực kỳ sống động và bao trùm không gian. Công nghệ âm thanh của Dolby đã được hơn 80 nước sử dụng, trong đó có nhiều quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á…
Theo ông Michael Demeyer, hiện đã có hơn 80% thiết bị tivi, truyền hình khác trên thế giới đã tích hợp công nghệ giải mã của Dolby, có nghĩa là hầu hết các hãng sản xuất tivi lớn của thế giới đã ứng dụng tiêu chuẩn của Dolby, tích hợp trong công nghệ sản xuất tivi của họ. “Dolby áp dụng các cải tiến khoa học dựa trên những nghiên cứu, thông số khoa học để mang đến trải nghiệm người xem rất chân thực”.
Các đại biểu tham dự hội thảo trực tiếp trải nghiệm những chương trình ứng dụng công nghệ Dolby
Đại diện của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC cho biết với sự trợ giúp tích cực của Dolby, thì không có gì phức tạp trong ứng dụng công nghệ mới cho truyền hình. Trong 1 năm gần đây, VTC đã làm các sự kiện về thể thao, âm nhạc với việc ứng dụng công nghệ của Dolby. Vấn đề thiết lập hệ thống, thiết bị cũng không quá phức tạp, chi phí hợp lý.
Từ thực tiễn sản xuất của VTC, công đoạn từ kế lập hoạch cho tới sản xuất chương trình ứng dụng công nghệ của Dolby chỉ kéo dài 2 tháng, chi phí hợp lý. Các kỹ thuật viên truyền hình chỉ mất hơn 1 ngày để có thể làm chương trình ứng dụng công nghệ mới của Dolby.