Công nghệ đang tàn phá môi trường thiên nhiên

Nguyễn Thùy Linh, Lâm Thị Nguyệt| 22/05/2019 16:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Công nghệ thường được quảng cáo là một giải pháp cho các thách thức môi trường của thế giới nhưng nó cũng đồng thời là một phần của vấn đề: các giám đốc điều hành đang phải đối mặt với áp lực gia tăng trong việc làm sạch năng lượng và các hoạt động kinh doanh sử dụng nhiều tài nguyên của mình.

Kết quả hình ảnh cho Dirty data: Firms count environmental costs of digital planet

Cần bao nhiêu năng lượng để gửi email một megabyte? Khoảng 25 watt mỗi giờ, tương đương với 20g khí thải carbon dioxide, theo trung tâm nghiên cứu CNRS của Pháp.

Có vẻ như không nhiều, nhưng nhóm nghiên cứu Radicati ước tính 293 tỷ email sẽ được gửi mỗi ngày trong năm nay và năng lượng cần chủ yếu là từ nhiên liệu hóa thạch.

Các ứng dụng có thể nhanh chóng tiêu hao và rút ngắn tuổi thọ của pin điện thoại, đặc biệt là Snapchat, một dịch vụ nhắn tin đặc biệt "nặng" vì nó tự động bật camera.

Tiếp đến là các trung tâm máy chủ đang xử lý lượng dữ liệu vô tận trên toàn thế giới đòi hỏi một lượng điện khổng lồ để chạy và cung cấp năng lượng cho các máy điều hòa nhiệt độ cần thiết để giữ cho thiết bị không bị quá nóng.

Theo báo cáo gần đây của Viện chính sách Pháp cho biết: tỷ lệ phát thải khí nhà kính từ công nghệ thông tin và truyền thông sẽ tăng từ 2,5% trong năm 2013 lên 4% vào năm 2020. Lĩnh vực này đang tạo ra nhiều khí thải hơn so với ngành hàng không dân dụng (tỷ lệ phát thải 2% trong năm 2018) và tiến tới ngang bằng với ô tô (8%).

'TÁC ĐỘNG VÔ CÙNG LỚN'

Vào tháng 2 năm nay, tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace đã cảnh báo về sự tập trung của các trung tâm dữ liệu, đặc biệt là các trung tâm dữ liệu được sử dụng bởi Amazon ở bang Virginia của Hoa Kỳ, nơi truyền tải 70% lưu lượng truy cập internet của thế giới.

Để đối phó với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng này, công ty điện lực Dominion đã chuyển sang các nguồn phát điện sử dụng nhiên liệu không thể tái tạo. Điều này khiến cho các công ty công nghệ vô cùng tức giận vì hầu hết họ đã cam kết sử dụng càng nhiều năng lượng "sạch" có thể tái tạo càng tốt.

"Ý tưởng rằng lĩnh vực CNTT có thể giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu không phải là mới - Họ đã nói về nó trong hơn mười năm và điều chúng ta cần thấy bây giờ là hành động", Gary Cook, một nhà vận động tại Greenpeace nói.

Sự gia tăng của các dịch vụ video và phát trực tuyến đặt ra một thách thức đặc biệt: năm 2017 Greenpeace đã ước tính rằng 2,7 tỷ lần lượt xem video "Gangnam Style" tiêu tốn một lượng năng lượng tương đương với sản lượng một năm của ​​một nhà máy điện nhỏ.

Truyền phát video hiện chiếm gần 60% tổng lưu lượng truy cập internet "xuôi dòng" từ máy chủ đến các thiết bị riêng lẻ, chỉ riêng Netflix chiếm 15%, theo báo cáo tháng 10 từ nhóm phân tích và dịch vụ mạng của Hoa Kỳ Sandvine.

Dịch vụ âm nhạc cũng không phải là ngoại lệ. Năm 2000, các nhà nghiên cứu tại Đại học Glasgow và Oslo đã phát hiện ra rằng khí thải nhà kính từ riêng ngành công nghiệp âm nhạc Hoa Kỳ đạt mức 157 triệu kg vào năm 2000.

Vào năm 2016, ngay cả khi việc sử dụng nhựa cho đĩa CD và vỏ giảm mạnh, việc lưu trữ và chia sẻ các bản nhạc trực tuyến ở Mỹ đã tạo ra từ 200 triệu đến 350 triệu kg khí thải nhà kính.

CHI PHÍ TÁI CHẾ

Các giám đốc điều hành công nghệ cho biết họ đang nỗ lực để giảm thiểu các tác động đến môi trường.

Carole Marechal của DATA4, công ty điều hành các trung tâm dữ liệu ở Pháp, Ý và Luxembourg, cho biết khách hàng của cô có thể có được thông tin theo thời gian thực về lượng năng lượng và nước họ đang sử dụng, cũng như tỷ lệ phát thải khí nhà kính.

"Nhưng không chỉ giới hạn ở mức tiêu thụ năng lượng", Marechal nói, “nó còn đưa ra mức năng lượng và tài nguyên cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trên toàn thế giới và tái chế chúng.”

Tổ chức phi chính phủ Basel Action ước tính rằng Liên minh châu Âu xuất khẩu khoảng 350.000 tấn chất thải điện tử (một loại chất thải trong đó bao gồm các thiết bị gia dụng như máy giặt) sang các nước đang phát triển mỗi năm. Các nhà hoạt động xã hội đã lên án hành vi này vì thực sự nó đang tạo ra gánh nặng cho các nước nghèo, dư lượng độc hại được nhập khẩu sẽ làm ô nhiễm môi trường địa phương của các nước này.

Cuộc đua trích xuất các kim loại đất hiếm cần thiết cho việc sản xuất các mẫu điện thoại hiện đại và nhiều thiết bị khác thường dẫn đến nạn phá rừng và ô nhiễm nguồn nước. Đây cũng là một mối đe dọa môi trường ở Châu Phi và Châu Á.

Dự án Shift cũng lưu ý rằng việc thúc đẩy sản xuất các thiết bị nhỏ hơn nhưng mạnh mẽ hơn khiến việc tái chế tốn kém hơn. "Năng lượng cần thiết để tách các kim loại ra tăng lên cùng với độ phức tạp của quá trình lắp ráp," họ cảnh báo.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ đang tàn phá môi trường thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO