Thương mại điện tử đang đối mặt với nhiều thách thức
Các mô hình kinh doanh xuyên biên giới và nền tảng số toàn cầu đang phá vỡ ranh giới truyền thống của thương mại điện tử. Công nghệ AI, blockchain và big data cũng thay đổi toàn bộ chuỗi giá trị thương mại điện tử, từ quảng cáo, bán hàng, hậu cần đến chăm sóc khách hàng và giải quyết tranh chấp.
Ngày 25/4, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2025 (VOBF) với chủ đề “Chiến thắng trong kỷ nguyên AI” tại Hà Nội. Sự kiện thu hút hơn 1.500 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, DN và cá nhân trong lĩnh vực TMĐT trong nước và quốc tế, khẳng định tầm quan trọng của VOBF trong khu vực.
Quy mô TMĐT Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 32 tỷ USD, mức tăng trưởng 27%
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhấn mạnh chưa bao giờ vấn đề chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và TMĐT lại trở nên thiết yếu và cấp bách như hiện nay.
Bà Lại Việt Anh cho biết Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) là những đột phá chiến lược, là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, giúp đất nước bứt phá trong giai đoạn mới.

“Nếu CĐS là một trong những động lực tăng trưởng mới, thì kinh tế số chính là một trong ba trụ cột chiến lược, với TMĐT là động lực trung tâm”, bà Lại Việt Anh nói. Và đáng chú ý, trong thời gian qua, TMĐT Việt Nam đã phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, bà Lại Việt Anh cũng chỉ ra rằng TMĐT đang đối mặt với nhiều thách thức. Những biến động từ bối cảnh toàn cầu, bao gồm áp lực lạm phát, rủi ro địa chính trị và chính sách thương mại phức tạp từ các nền kinh tế lớn, đang tạo ra nhiều yếu tố bất định. Đồng thời, sự thay đổi nhanh chóng của các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới cách thức tổ chức xã hội, phương thức kinh doanh và tư duy chiến lược trong vận hành DN.
Tại Diễn đàn, Báo cáo Chỉ số TMĐT 2025 cũng đã được công bố. Theo đó, trong năm 2024, quy mô TMĐT Việt Nam đã đạt khoảng 32 tỷ USD với mức tăng trưởng 27%. Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban Hợp tác, Hiệp hội TMĐT Việt Nam, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, quy mô và tốc độ tăng trưởng trong báo cáo EBI của VECOM vượt trội hơn so với các báo cáo của Google hay các tổ chức khác.
Bán lẻ hàng hóa trực tuyến đại 22,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước. Như vậy, TMĐT chiếm khoảng 12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 10% của năm 2023. Tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 11%, cao hơn tỷ trọng tương ứng 8,8% của năm 2023.
Có nhiều nguyên nhân để TMĐT Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao, chẳng hạn như xuất phát ban đầu thấp, tăng trưởng GDP khá cao, dân số trẻ…. Một nguyên nhân khác là nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn này ưu tiên chiếm lĩnh thị phần hơn là lợi nhuận, qua đó khuyến khích nhu cầu mua sắm trực tuyến.
Đồng thời, trong giai đoạn này hoạt động quản lý nhà nước về thuế đối với kinh doanh TMĐT cũng thông thoáng nên nhiều thương nhân kinh doanh trực tuyến chưa phải nộp thuế. Mặt tích cực của điều này là tạo ra một dạng “chính sách khuyến khích về thuế”. Tuy nhiên, những điều này sẽ thay đổi căn bản từ năm 2025.
Thị trường sẽ luôn xuất hiện những nhân tố mới, không ngừng cạnh tranh
Một phần quan trọng của TMĐT chính là TMĐT xuyên biên giới. Đối với lĩnh vực này, ông Đoàn Quốc Tâm cho rằng logistics là yếu tố then chốt để thành công. Ông nhận định các chính sách hiện nay chủ yếu tập trung vào quản lý hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, trong khi cần có các chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn để hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Các hoạt động hỗ trợ cần tập trung vào cung cấp thông tin thị trường, cải thiện logistics, phát triển giải pháp thanh toán và xây dựng chính sách thuế phù hợp để khuyến khích xuất khẩu. Ông nhấn mạnh rằng dù thị trường có thể bị chi phối bởi các “tay chơi lớn”, vẫn luôn có cơ hội cho các DN vừa và nhỏ.
Ông Tâm cho rằng các trường hợp như Temu chỉ là một ví dụ, và TMĐT xuyên biên giới là xu hướng toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. “Khi tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, sẽ luôn xuất hiện các nhân tố mới hoặc DN thử nghiệm thị trường với mức giá cạnh tranh”, ông Tâm nói.
“Tuy nhiên, miễn là các DN này tuân thủ pháp luật, cung cấp sản phẩm chất lượng và làm hài lòng khách hàng, sự cạnh tranh sẽ tiếp diễn và các nhân tố mới sẽ không ngừng xuất hiện”. Ông nhấn mạnh không thể cấm đoán hay ngăn cản các nhân tố này, và việc bảo hộ quá mức không phải là giải pháp.
Về quản lý thuế, ông Tâm cho biết các quy định mới yêu cầu các sàn TMĐT phải kê khai và nộp thuế thay cho người bán trên nền tảng. Trước đây, chưa có quy định cụ thể, nhưng nay việc thực thi là bắt buộc, dù tạo ra áp lực và thêm công việc cho các sàn. Đây là một phần của quản lý nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch.
Về kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2025 - 2030, ông Tâm cho biết VECOM đã đóng góp nhiều ý kiến, không chỉ cho kế hoạch mà còn cho dự thảo Luật TMĐT. Hiệp hội đề xuất các nội dung nhằm phát triển TMĐT bền vững, đặc biệt nhấn mạnh vào TMĐT xanh, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.
Báo cáo EBI 2024 đã trình bày chi tiết bộ tiêu chí TMĐT xanh, được khởi động từ năm ngoái, và là một trong những sáng kiến quan trọng của VECOM.
Về tình hình TMĐT tại các địa phương, báo cáo EBI cho thấy TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về chỉ số TMĐT. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các địa phương dẫn đầu và các địa phương còn lại vẫn rất lớn. Top 19 địa phương đạt chỉ số cao nhất chiếm từ 72% đến 74%, trong khi Đắk Lắk, xếp thứ 19, chỉ đạt 9,4%. Các địa phương dưới mức trung bình còn rất nhiều.
Báo cáo đã bao phủ tình hình phát triển TMĐT của cả 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, ông Tâm lưu ý năm 2025 có thể là năm cuối cùng báo cáo EBI giữ nguyên số lượng tỉnh thành như hiện tại, do sắp tới sẽ có thay đổi về đơn vị hành chính ở một số địa phương, dẫn đến sự khác biệt lớn trong báo cáo năm sau.
Định hướng sắp tới của thị trường TMĐT Việt
Theo các chuyên gia, không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, định hướng chính sách trong lĩnh vực TMĐT hiện nay đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Cách tiếp cận quản lý đang dịch chuyển từ “quản lý theo loại hình” sang “quản lý theo chức năng và tác động”, từ “quản lý tĩnh” sang “quản lý động”, nhằm bắt kịp tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái TMĐT minh bạch, an toàn và hiệu quả. Một trong những trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế số, đặc biệt là đối với các lĩnh vực mới như thương mại xã hội (social commerce), kinh doanh xuyên biên giới, cũng như các mô hình sàn giao dịch tích hợp dịch vụ trung gian thanh toán và logistics.
Song song với đó, Bộ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS cho DN, đặc biệt là nhóm DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh - những chủ thể đóng vai trò xương sống trong nền kinh tế - thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo kỹ năng số, và kết nối với các nền tảng số hiện đại.
Mặt khác, việc tăng cường hợp tác quốc tế cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm xây dựng các tiêu chuẩn chung, thúc đẩy công nhận lẫn nhau giữa các thị trường, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc và đảm bảo tính tuân thủ của hàng hóa và dịch vụ trong môi trường số.
Cuối cùng, để nâng cao hiệu quả quản lý, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác điều hành và giám sát. Hướng tới một nền quản lý TMĐT số hóa, minh bạch, hoạt động theo thời gian thực, có khả năng phân tích dữ liệu lớn nhằm phát hiện sớm các nguy cơ rủi ro và hành vi vi phạm, từ đó chủ động trong công tác điều phối và xử lý.
Diễn đàn VOBF 2025 không chỉ là nơi công bố báo cáo EBI mà còn là cơ hội để các DN, tổ chức và cơ quan quản lý trao đổi về tiềm năng thị trường, xu hướng công nghệ và chính sách mới, góp phần định hướng phát triển TMĐT Việt Nam trong kỷ nguyên AI. Sự kiện khẳng định vai trò của VECOM trong việc thúc đẩy TMĐT bền vững, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng AI và các giải pháp logistics, thuế, thanh toán để hỗ trợ DN Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu./.