CÔNG NGHIỆP PHẦN MỀM VIỆT NAM VỮNG BƯỚC TRONG KHỦNG HOẢNG KINH TẾ

03/11/2015 21:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhờ các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước, chỉ trong vòng 10 năm từ 2000 đến 2010, doanh thu công nghiệp phần mềm Việt Nam đã tăng hàng chục lần, từ mức ước khoảng 11,75 triệu USD vào năm 2000 lên đến 1,064 tỷ USD vào năm 2010 (theo Sách trắng về CNTT-TT năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông). Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của công nghiệp phần mềm luôn đạt mức 20-30%/năm, có năm tăng đến 35% như năm 2006.

Theo nội dung Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TTđược Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 thì ngành công nghiệp phần mềm được khẳng định vai trò chủ lực trong việc xây dựng nền công nghiệp CNTT vững mạnh, có tốc độ tăng trưởng cao trong các ngành kinh tế. Tuy vậy, thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg, cũng là lúc nền kinh tế đất nước ta gặp nhiều khó khăn, hầu như tất cả các ngành kinh tế đều phải đối diện với cuộc khủng hoảng toàn diện. Lạm phát cao, chi phí vốn, mặt bằng sản xuất, lãi suất ngân hàng lớn, thị trường trong và ngoài nước bị thu hẹp đã tạo nhiều khó khăn cho ngành phần mềm Việt Nam. Đối diện nhiều khó khăn thử thách, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bên cạnh duy trì các thị trường cũ, ngành đã phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho nhiều phân khúc thị trường mới. Nhờ vậy, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đã vững bước vượt qua khó khăn, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, gấp gần 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.

Sự phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam trong những năm qua có thể chia thành 2 giai đoạn chủ yếu: giai đoạn 1 từ 2000 – 2010 là giai đoạn phát triển thịnh vượng và giai đoạn từ năm 2011 đến nay là giai đoạn vượt qua khủng hoảng kinh tế.

Nhờ các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước, chỉ trong vòng 10 năm từ 2000 đến 2010, doanh thu công nghiệp phần mềm Việt Nam đã tăng hàng chục lần, từ mức ước khoảng 11,75 triệu USD vào năm 2000 lên đến 1,064 tỷ USD vào năm 2010 (theo Sách trắng về CNTT-TT năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông). Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của công nghiệp phần mềm luôn đạt mức 20-30%/năm, có năm tăng đến 35% như năm 2006.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, điểm đặc trưng của công nghiệp phần mềm Việt Nam là đối mặt với khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước. Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên thị trường khối cơ quan chính phủ bị thu hẹp mạnh. Đồng thời, các nội dung hỗ trợ kinh phí đầu tư của nhà nước để phát triển công nghiệp phần mềm theo các Quyết định 51/2007/QĐ-TTg và Quyết định 50/2009/QĐ-TTg đã không thể triển khai thực hiện. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và quốc tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm phần mềm nội địa và xuất khẩu cũng bị thu hẹp đáng kể, ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của công nghiệp phần mềm Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2011 đến nay, công nghiệp phần mềm Việt Nam đã cố gắng vượt qua các khó khăn thách thức và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Công nghiệp phần mềm năm 2011 đã đạt doanh thu 1,172 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 10%. Đây là tốc độ tăng trưởng cao, đáng ghi nhận nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2011 chỉ đạt 5,89% (số liệu của Tổng cục Thống kê).

Số liệu phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam giai đoạn 2008-2011.

(Nguồn: Sách trắng về công nghệ thông tin và truyền thông 2009-2012, NXB TTTT)

STT

Tên chỉ tiêu

2008

2009

2010

2011

1

Doanh thu công nghiệp phần mềm (triệu USD)

680

850

1,064

1,172

2

Tốc độ tăng trưởng (%)

-

25

25,17

10

3

Tổng số lao động (người)

57.000

64.000

71.814

78.894

4

Doanh thu bình quân đầu người (USD/người/năm)

12.000

13.750

14.816

14.855

5

Mức lương bình quân ngành CNTT (USD/người/năm)

3.600

4.093

5.123

5.034

Tính chung trên cả nước hiện có hơn 1000 doanh nghiệp phần mềm, trong đó có 200 công ty phần mềm với quy mô từ 150-200 lao động, có khoảng 10 doanh nghiệp với quy mô xấp xỉ hoặc hơn 1000 người, tiêu biểu trong số đó phải kể đến các công ty FPT Software, FPT Information Systems, TMA, PSV,… Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp đạt chứng về quy trình quản lý chất lượng sản xuất phần mềm quốc tế CMMI mức 3, 4, 5 và các chứng chỉ quốc tế khác có uy tín trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, đảm bảo an toàn thông tin ISO 27001. Đây là những dấu hiệu rất đáng mừng về năng lực phát triển của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam trong thời gian qua.

Về phát triển thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hiện nay chủ yếu cung cấp dịch vụ gia công phần mềm. Việt Nam đã được A.T. Kearney[1] xếp hạng thứ 10 trong số các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm. Ngoài ra, hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu[2]. Các thị trường lớn của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hiện nay là Bắc Mỹ và Nhật Bản. Trong đó Nhật Bản đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm do sự quan tâm của chính phủ và doanh nghiệp Nhật đối với doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, cũng như các thuận lợi về văn hoá, địa lý.

Về phát triển sản phẩm, dịch vụ, thực hiện định hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ phần mềm theo tinh thần các Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến 2010 và Quyết định 50/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy chế triển khai Chương trình này, đồng thời kéo dài Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg đến hết năm 2012, cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực: phần mềm nhúng, phần mềm cho thiết bị viễn thông, gia công phần mềm (ITO), gia công quy trình kinh doanh (BPO),... Các Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm phần mềm phục vụ viễn thông như phần mềm tổng đài, phần mềm tính cước, chăm sóc khách hàng, quản lý mạng lưới từ xa,... Bên cạnh đó, VNPT và Viettel đã phát triển nhiều sản phẩm phần mềm phục vụ Chính phủ điện tử, Văn phòng điện tử,... Các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam như FSoft, CSC, TMA, Global Cybersoft,... đã phát triển nhiều sản phẩm và dịch vụ phần mềm trên nền điện toán đám mây, tăng cường gia công phần mềm cho thị trường Nhật Bản, Bắc Mỹ và Châu Âu,... Trong giai đoạn đến 2012, nhiều sản phẩm phần mềm đã ra đời và cung cấp cho thị trường, đáng chú ý có các loại phần mềm quản lý như phần mềm điều hành trực tuyến SSP-STM, phần mềm kế toán, phần mềm nhân sự, phần mềm quản lý đầu tư,... Đặc biệt, nhiều sản phẩm phần mềm nguồn mở đã được đầu tư, phát triển và bản địa hóa như phần mềm một cửa điện tử, phần mềm chuyên ngành thanh tra, phần mềm quản lý khiếu nại tố cáo,…



[1] A.T. Kearney: một hãng tư vấn thị trường CNTT của Mỹ

[2] Tholons Global Service & Tholons, 2009, “Report on Emerging Global Outsourcing Cities

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CÔNG NGHIỆP PHẦN MỀM VIỆT NAM VỮNG BƯỚC TRONG KHỦNG HOẢNG KINH TẾ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO