CSDL nghề cá quốc gia Vnfishbase triển khai tại 31 tỉnh, thành phố
Theo Bộ NN&PTNT các ngành, các cấp và nhiều địa phương đã nỗ lực, tích cực thực hiện các quy định pháp luật gắn với kiến khuyến nghị của EC về IUU để gỡ thẻ vàng thể hiện qua nhiều kết quả cụ thể trên 04 nhóm vấn đề lớn. Trong đó, cơ sở dữ liệu (CSDL) nghề cá quốc gia Vnfishbase đã triển khai tại 31 tỉnh, thành phố có tàu tham gia khai thác hải sản.
Khung pháp lý
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ để nội luật hóa các quy định của Uỷ ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU và Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thủy sản vào tháng 11/2017. Chính phủ ban hành 02 Nghị định, Bộ NN&PTNT ban hành 08 Thông tư hướng dẫn. Đến năm 2019, khung pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (Illegal, unreported and unregulated fishing - IUU).
Hiện nay, các quy định đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn nghề cá Việt Nam và quy định quốc tế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 (Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP); trong đó Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Chính phủ về quy định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động "khai thác, gồm: (1) Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; (2) Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bảo vệ nguôi lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản" tại Nghị định thay thể Nghị định số 42/2019/ND-CP ngày 16/5/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Bộ NN&PTNT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình, đề án, quy hoạch để phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế và chống khai thác IUU để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021.
Quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá bằng cập nhật CSDL và ứng dụng CNTT
Thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng tàu cá, cập nhật dữ liệu tàu cá vào CSDL nghề cá quốc gia Vnfishbase (tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023 ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác thuỷ hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Uỷ ban châu Âu lần thứ 4).
Bộ NN&PTNT cũng tham mưu Thủ tướng ban hành văn bản chỉ đạo địa phương tạm dừng việc cấp văn bản chấp thuận đóng mới cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cho phép cải hoán tàu cá có chiều dài dưới 15m thành tàu có chiều dài từ 15m trở lên từ ngày 20/12/2022; tổ chức rà soát và xem xét điều chỉnh giảm số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng sát thực với số tàu cá hiện có của địa phương phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017 (tại Văn bản số 8498/BNN-TCTS ngày 18/12/2022).
Đáng chú ý, đã có 26/28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương thực hiện xong việc rà soát, kiểm kê tàu cá hiện có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định của Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017. Kết quả rà soát đến tháng 12/2022 cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019).
Tổng số hạn ngạch đã xác định và công bố là 84.125 giấy phép (đang xem xét điều chỉnh hạn ngạch vùng khơi từ 31.297 giấy phép xuống 29.489 giấy phép; Vùng lộng là 17.899 giấy phép; Vùng ven bờ là 34.929 giấy phép).
Hoạt động cập nhật, khai thác CSDL nghề cá quốc gia (Vnfishbase) cũng được triển khai tích cực với kết quả: Phần mềm CSDL Vnfishbase đến nay đã triển khai tại 31 tỉnh, thành phố có tàu tham gia khai thác hải sản, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về nghiệp vụ quản lý khai thác thủy sản, trong đó thông tin dữ liệu tàu cá về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đã được các địa phương cập nhật, khai thác thường xuyên trên phần mềm.
Với hoạt động đăng ký tàu cá, tổng số tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên CSDL Vnfishbase là 73.282 chiếc (giảm 1.953 chiếc so với tháng 10/2023 do hư hỏng, không còn tồn tại trên thực tế tại địa phương). Đến nay, một số địa phương đã triển khai và xóa đăng ký đối với các tàu không đủ điều kiện và đảm bảo các tàu đã bị xóa đăng ký không tham gia hoạt động khai thác tại địa phương.
Đối với hoạt động cấp giấy phép khai thác thủy sản, tổng số tàu cá từ 15m trở lên đã được cấp phép còn hạn là 27.810/29.489 chiếc đã đăng ký và cập nhật lên CSDL Vnfishbase (đạt 94,3%).
Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/03/2023 phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái và Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản 3 để phát triển ngành khai thác hải sản bền vững (đã thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và đang giải trình, tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng, dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ họp thẩm định và phê duyệt trong quý III/2023).
Tiếp đó, về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, việc ứng dụng công nghệ thông tin khai thác, sử dụng Hệ thống giám sát tàu cá để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển cũng được triển khai tích cực.
Tính đến nay, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 97,65% (28.797/29.489 tàu cá). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý (hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động và thuộc diện chờ giải bản, xóa đăng ký...). Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan; tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển.
Trong khi đó, lực lượng Biên phòng địa phương kiểm tra, kiểm soát điều kiện của tàu cá theo quy định (giấy tờ, trang thiết bị, lao động trên tàu...) trước khi xuất bến, nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Kiểm ngư, Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và thanh tra thủy sản) tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước.
Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng, công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá đã thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT như: (i) Tàu cá trước khi cập cảng đã nắm quy định phải thông báo trước khi cập cảng; ghi, nộp Báo cáo, Nhật ký khai thác thủy sản; (ii) Ban Quản lý cảng cá, Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tổ chức ghi chép, lập hồ sơ kiểm tra tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác bốc dỡ qua cảng; (iii) Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá khai thác, sử dụng CSDL nghề cá quốc gia (VNFishbase), hệ thống giám sát tàu cá, truy cập danh sách tàu cá khai thác IUU để kiểm soát hành vi khai thác IUU...
Một số địa phương đã bố trí nguồn lực, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng... để kiểm soát tàu cá tại cảng nên kết quả thực hiện tương đối tốt như: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tiền Giang, Kiên Giang....
Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản:
Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Cụ thể, thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, công tác xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài đã được tăng cường, đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định PSMA.
Đối với hàng nhập khẩu bằng công-ten-nơ, sửa đổi các quy định kiểm soát theo loài, trong đó thời gian trước mắt sẽ kiểm soát chặt chẽ đối với Cá Cờ kiếm; Yêu cầu các dữ liệu đầu vào về nguồn gốc, cơ chế chia sẽ thông tin giữa các cơ quan chức năng (Tổng cục Hải quan, cảng vụ ...) nhằm thiết lập CSDL phục vụ cho công kiểm soát và hậu kiểm đối với nguồn gốc của các loài có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng được công-ten-nơ.
Thực thi pháp luật và xử lý vi phạm
Tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài sẽ bị ngăn chặn, xử lý: Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm. Đến nay, đã ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Các địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc vi phạm như: Phú Yên, Tiền Giang. Các tỉnh vẫn còn tình trạng vi phạm như Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Bến Tre, Kiên Giang.
Đáng chú ý, công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển: Năm 2020 xử phạt trên 2.000 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 61 tỷ đồng. Năm 2021 là gần 1 nghìn 7 trăm vụ với tổng số trên 21 tỷ đồng. Năm 2022 xử phạt gần 1 nghìn vụ với tổng số trên 16 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, xử phạt 2.111 vụ với số tiền là 44.477.250.000 đồng.
Qua rà soát cho thấy, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm dần qua các năm sau khi bị cảnh báo “Thẻ vàng”; từ đầu năm 2023 đến ngày 13/9/2023, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016, trong đó đã ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm các nước, quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.
Bên cạnh việc nỗ lực các giải pháp ở trong nước, Việt Nam còn tích cực hợp tác quốc tế như: Đã ký kết cấp Chính phủ về Tuyên bố chung về Hợp tác quốc tế tự nguyện chống khai thác IUU với Indoneisa; Biên bản ghi nhớ về sử dụng đường dây nóng chống khai thác IUU với Brunei Darussalam.
Tiếp đó, Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia; MOU với Hoa Kỳ về thực thi pháp luật chống khai thác IUU.
Việt Nam cũng đang đàm phán ký kết đường dây nóng chống đánh bắt bất hợp pháp với Thái Lan, Campuchia; Malaysia, Indonesia; Vận hành có hiệu quả hoạt động của đường dây nóng phòng chống khai thác IUU giữa Việt Nam - Phillipines; triển khai thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực thuỷ sản với Thái Lan, Campuchia, Phillipines.
Tại diễn đàn đa phương, Việt Nam chủ trì xây dựng Sáng kiến “Xây dựng lộ trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong ASEAN giai đoạn 2020 - 2025”.
Việt Nam còn tham gia tích cực các cam kết quốc tế, khu vực về chống khai thác IUU; Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia không phải là thành viên nhưng là bên hợp tác của Tổ chức quản lý nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương; Hợp tác với các tổ chức quốc tế như Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) để triển khai các giải pháp thực hiện các quy định biện pháp quốc gia có cảng, truy xuất nguồn gốc điện tử, chuyển tải trên biển./.