Cuộc chiến "Tin giả" không ngừng tiếp diễn

CTV| 09/11/2021 10:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Tin giả, tin sai sự thật phát tán tràn lan trên không gian mạng gắn với các tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp (Livestream) đã tác động đến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm và hành vi của người dùng mạng xã hội.

Dù có những biểu hiện khác nhau, song điểm chung nhất của tin giả đó là tính chất thông tin đưa ra không đúng với toàn bộ hoặc một phần sự thật. Với đặc tính lan truyền thông tin mạnh mẽ trên mạng xã hội, điều này là hết sức nguy hiểm, nhất là đối với những tin giả liên quan đến dịch COVID-19.

Cuộc chiến

Nhiều chuyên gia luật học cũng đã lên tiếng cảnh báo về các hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Việt Nam hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số. Chính vì vậy khi có sự xuất hiện, lan truyền các tin giả đã tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống cộng đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, sự hoảng hốt, lo sợ thái quá dễ gây phản ứng tiêu cực mang tính dây chuyền, dẫn đến nguy cơ gây khó kiểm soát tình hình và những hậu quả khó lường. Nếu không xử lý tốt, tin giả sẽ là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh; Gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội; Làm phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, những tin giả mạo, tin thiếu kiểm chứng cũng tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nội dung thông tin không đúng sự thật dễ làm người dân hiểu sai chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của cấp ủy, chính quyền các cấp; làm giảm sự đồng thuận trong xã hội; Gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên phạm vi rộng; Cản trở việc khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp, tinh thần đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiện nay.

Sử dụng các thông tin giả nhằm mục đích xấu, gây rối, chống phá, đi ngược quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân là một phương thức không mới của các loại tội phạm. Tính từ năm 2020 đến nay, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao đã phối hợp với Công an các địa phương triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng.

Riêng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao đã phối hợp xử lý hành chính 82 đối tượng, xử lý hình sự một đối tượng ở TP Hồ Chí Minh; Tiếp tục theo dõi, nhận diện, xử lý các đối tượng khác theo quy định pháp luật. Nhiều địa phương đã tăng cường đấu tranh, phát hiện và xử lý các đối tượng có hành vi phát tán tin giả, như Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương...

Liên quan đến hành vi lan truyền tin giả, nhiều chuyên gia luật học cũng đã lên tiếng cảnh báo về các hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Vô tình hay cố ý đưa tin sai sự thật về dịch COVID-19 đều là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, người có hành vi này có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt 5-10 triệu đồng theo Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP do cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Đặc biệt, trong trường hợp tung tin với mục đích thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho xã hội số tiền lớn… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" được quy định tại Điều 288 Bộ Luật Hình sự (2015), với hình phạt tù có thể từ 3 tháng đến 7 năm tù, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi nói trên.

Tin giả liên quan đến dịch COVID-19 sẽ càng trở lên nguy hại khi bị các thế lực thù địch, phản động khai thác, lợi dụng để chống phá Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Vụ đối tượng Phan Vũ Điệp Anh, sinh năm 1961 (thường trú tại phường 19, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã tung tin giả về vụ "người dân tự thiêu để phản đối chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống COVID-19" là một ví dụ điển hình. Với hành vi này, Phan Vũ Điệp Anh đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Bình Thạnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai tháng để điều tra theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng cho thấy, Phan Vũ Điệp Anh cũng là đối tượng thường xuyên có hành vi viết bài, tán phát các thông tin có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước lên mạng xã hội..

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tin giả lan truyền trên mạng xã hội đã và đang đưa đến những hậu quả tiêu cực. Không chỉ gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, tin giả liên quan đến dịch COVID-19 còn tạo hoài nghi trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội. Bản thân người phát tán, chia sẻ tin giả cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc ngăn chặn, đẩy lùi tin giả liên quan đến dịch COVID-19 là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc chiến chống dịch bệnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến "Tin giả" không ngừng tiếp diễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO