Cập nhật 4G
Mobifone được cho là nhà khai thác mạng lớn cuối cùng ở Việt Nam bước vào cuộc đua 4G sau Vinaphone và Viettel dù tính đến thời điểm này, bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa cấp phép 4G cho các nhà mạng. Theo nhiều chuyên gia, và các cơ quan chức năng, việc cấp phép 4G LTE trên băng tần 1800 MHz sẽ diễn ra ngay trong năm 2016. Và việc các nhà mạng lớn thời gian qua đã lần lượt thử nghiệm, trải nghiệm chính là những bước cuối cùng để tiến hành chính thức khai thác dịch vụ 4G trên diện rộng.
Hoạt động trải nghiệm 4G của Mobifone sẽ diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM từ tháng 7/2016, trong khi trước đó, Vinaphone cho phép trải nghiệm 4G và cung cấp dịch vụ 4G từ tháng 1/2016 tại TP.HCM và Phú Quốc. Viettel đã cho trải nghiệm 4G từ cuối năm 2015 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tiếp theo đó, Viettel còn đi những bước xa hơn là cho phép thuê bao trả sau sử dụng SIM 4G trên toàn quốc từ 12/5/2016 dù như trên đã nói, 4G chưa được cấp phép thương mại hoá chính thức.
Trong khi đó gần đây nhất, cuối tháng 6/2016, bà Elizabeth Fong – Tổng Điều hành Vietnamobile cũng cho phóng viên tạp chí CNTT & TT biết, Vietnammobile sẽ sớm triển khai 4G tại Việt Nam.
Tất cả những bước đi của các nhà khai thác viễn thông di động của Việt Nam nói trên đều cho thấy, rất có thể bài toán dịch vụ viễn thông di động 4G sẽ được giải quyết nhanh chóng ngay trong năm 2016. Ngay trong năm này, ít ra người dùng tại các thị trường quan trọng, các thành phố lớn của Việt Nam sẽ được sử dụng dịch vụ di động 4G.
Điều gì đang chờ đợi 4G?
Tin rằng, cũng như 3G, 4G sẽ là dịch vụ chủ lực của các nhà khai thác viễn thông di động tại Việt Nam trong thời gian tới bởi những lợi thế mà 4G đưa lại, nhất là trên khía cạnh tốc độ đường truyền so với 3G. Sự cạnh tranh khốc liệt vốn có từ lâu nay giữa các nhà khai thác sẽ khiến 4G ngày càng được phổ cập một cách nhanh chóng trên thị trường sau khi chính thức được cấp phép.
Và cũng từ sự cạnh tranh mà tin rằng giá cước 4G tại Việt Nam sẽ khá tốt để người dùng có thể chấp nhận sử dụng sau khi được thương mại hoá. Trong khi các thiết bị di động tích hợp 4G cũng ngày càng nhiều, hiện người dùng Việt Nam có thể mua được smartphone tích hợp 4G với giá dưới 3 triệu đồng.
Nhưng tất cả không chỉ là màu hồng đối với 4G tại Việt Nam, cũng như 3G, người dùng quan tâm nhất ở chất lượng dịch vụ 4G mà đặc biệt là tốc độ đường truyền. Rõ ràng, từ GPRS lên 3G là một bước chuyển mạnh về tốc độ đường truyền, và dù cho chất lượng liên tục bị than phiền nhưng 3G đang đáp ứng được cho nhu cầu của phần lớn người dùng Việt Nam, duyệt web, check mail... chính vì lẽ đó, chỉ khi nào 4G cải thiện tốc độ đáng kể và giá tốt thì đa số người dùng mới sử dụng 4G. Đương nhiên, cũng chính vì hiểu điều này mà hầu hết các nhà mạng sẽ chỉ tạm thời "mở" 4G tại một vài thị trường trọng điểm, thị trường quan trọng, nhất là tại TP.HCM và Hà Nội.
Theo wikipedia.org, 4G LTE (Long Term Evolution - Tiến hóa dài hạn) là một chuẩn cho truyền thông không dây tốc độ dữ liệu cao dành cho điện thoại di động và các thiết bị đầu cuối dữ liệu. Nó có các tính năng chính sau:
- Tốc độ tải xuống đỉnh lên tới 299,6 Mbit/s và tốc độ tải lên đạt 75,4 Mbit/s phụ thuộc vào kiểu thiết bị người dùng (với 4x4 anten sử dụng độ rộng băng thông là 20 MHz). 5 kiểu thiết bị đầu cuối khác nhau đã được xác định từ một kiểu tập trung vào giọng nói tới kiểu thiết bị đầu cuối cao cấp hỗ trợ các tốc độ dữ liệu đỉnh. Tất cả các thiết bị đầu cuối đều có thể xử lý băng thông rộng 20 MHz.
- Trễ truyền dẫn dữ liệu tổng thể thấp (thời gian trễ đi - về dưới 5ms cho các gói IP nhỏ trong điều kiện tối ưu), trễ tổng thể cho chuyển giao thời gian thiết lập kết nối nhỏ hơn so với các công nghệ truy nhập vô tuyến kiểu cũ.
- Cải thiện hỗ trợ cho tính di động, thiết bị đầu cuối di chuyển với vận tốc lên tới 350 km/h hoặc 500 km/h vẫn có thể được hỗ trợ phụ thuộc vào băng tần.
- OFDMA được dùng cho đường xuống, SC-FDMA dùng cho đường lên để tiết kiệm công suất.
- Hỗ trợ cả hai hệ thống dùng FDD và TDD cũng như FDD bán song công với cùng công nghệ truy nhập vô tuyến.
- Hỗ trợ cho tất cả các băng tần hiện đang được các hệ thống IMT sử dụng của ITU-R.
- Tăng tính linh hoạt phổ tần: độ rộng phổ tần 1,4 MHz, 3 MHz, 5 MHz, 10 MHz, 15 MHz và 20 MHz được chuẩn hóa (W-CDMA yêu cầu độ rộng băng thông là 5 MHz, dẫn tới một số vấn đề với việc đưa vào sử dụng công nghệ mới tại các quốc gia mà băng thông 5 MHz thương được ấn định cho nhiều mạng, và thường xuyên được sử dụng bởi các mạng như 2G GSM và CDMA One).
- Hỗ trợ kích thước tế bào từ bán kính hàng chục m (femto và picocell) lên tới các macrocell bán kính 100 km. Trong dải tần thấp hơn dùng cho các khu vực nông thôn, kích thước tế bào tối ưu là 5 km, hiệu quả hoạt động hợp lý vẫn đạt được ở 30 km, và khi lên tới 100 km thì hiệu suất hoạt động của tế bào vẫn có thể chấp nhận được. Trong khu vực thành phố và đô thị, băng tần cao hơn (như 2,6 GHz ở châu Âu) được dùng để hỗ trợ băng thông di động tốc độ cao. Trong trường hợp này, kích thước tê bào có thể chỉ còn 1 km hoặc thậm chí ít hơn.
- Hỗ trợ ít nhất 200 đầu cuối dữ liệu hoạt động trong mỗi tế bào có băng thông 5 MHz.
- Đơn giản hóa kiến trúc: phía mạng E-UTRAN chỉ gồm các eNode B
- Hỗ trợ hoạt động với các chuẩn cũ (ví dụ như GSM/EDGE, UMTS và CDMA2000). Người dùng có thể bắt đầu một cuộc gọi hoặc truyền dữ liệu trong một khu vực sử dụng chuẩn LTE, nếu tại một địa điểm không có mạng LTE thì người dùng vẫn có thể tiếp tục hoạt động nhờ các mạng GSM/GPRS hoặc UMTS dùng WCDMA hay thậm chí là mạng của 3GPP2 như CDMA One hoặc CDMA2000).
- Giao diện vô tuyến chuyển mạch gói.
- Hỗ trợ cho MBSFN (Mạng quảng bá đơn tần). Tính năng này có thể cung cấp các dịch vụ như Mobile TV dùng cơ sở hạ tầng LTE, và là một đối thủ cạnh tranh cho truyền hình dựa trên DVB-H.