"Có thời gian để sinh ra, có thời gian để chết, có thời gian để khóc than, có thời gian để nhảy múa, có thời gian để tàn diệt, có thời gian để chữa lành. Có thời gian để phá hủy và có thời gian để xây dựng”, Carlo Rovelli đã viết.
Giống như cách chúng ta vội vàng liếc nhìn lên chiếc đồng hồ đang chạy, thời gian có một mãnh lực huyền ảo chi phối mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta. “Thời gian mang chúng ta đi. Những lớp sóng của từng giây, từng giờ, từng năm, xô chúng ta vào cuộc sống, rồi cuốn chúng ta về hư vô… Chúng ta quen thuộc với thời gian như cá quen thuộc với nước. Sự tồn tại của chúng ta là sự tồn tại trong thời gian…”
Thời gian là một chủ đề được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các tác phẩm văn học kinh điển. Marcel Proust đã từng gây chấn động giới văn học - triết học hàn lâm với tác phẩm “In search of Lost time” (Đi tìm thời gian đã mất). H. G. Wells – cha đẻ của “Người vô hình” huyền thoại, cũng đã cống hiến tài năng của mình cho một cuốn sách mang tên “Cỗ máy thời gian”. Và Carlo Rovelli – với tư cách là một nhà vật lý trong lĩnh vực hấp dẫn lượng tử của thời hiện đại - đã tiếp tục cống hiến vào khối lượng đồ sộ những tác phẩm xuất chúng về thời gian ấy. Trật tự thời gian - một tác phẩm chứa đựng nhiều giá trị khoa học, đồng thời cũng đầy chất thơ.
Cuốn sách được chia làm ba phần – Sự phân hoại của thời gian, thế giới không có thời gian, và nguồn gốc của thời gian.
Trong phần I, những hiểu biết thông thường của chúng ta về thời gian được tác giả đặt lên bàn cân của khoa học. “Ta thường nghĩ về thời gian như cái gì đó giản đơn, cơ bản, đều đặn chảy từ quá khứ đến tương lai, độc lập với mọi thứ. Cái gì đó đo bởi đồng hồ. Trong tiến trình của thời gian, những sự kiện của vũ trụ trình tự nối tiếp nhau: quá khứ, hiện tại, tương lai. Quá khứ là cố định còn tương lai thì vô định… Và tất cả những ấn tượng này hóa ra là sai lạc.”
Ông lần lượt chỉ ra rằng, các đặc tính của thời gian, hết cái này đến cái khác, lần lượt bộc lộ ra chỉ là những xấp xỉ và nhầm lẫn bắt nguồn từ nhận thức chủ quan và phiến diện của con người. Thời gian của các nơi chốn khác nhau sẽ khác nhau - như thời gian ở trên núi khác so với thời gian nơi mặt đất. Thời gian không tồn tại độc lập với mọi thứ, mà ở đâu có sự khác biệt giữa quá khứ và tương lai, ở đó có sự góp mặt của đại lượng entropy.
Rovelli còn kể lại câu chuyện về những chiếc đồng hồ và giải thích tại sao khái niệm “hiện tại” là vô nghĩa. “Nó giống như tiếp điểm của cầu vồng với khu rừng. Ta nghĩ ta có thể thấy nó - nhưng khi ta đi đến kiếm tìm thì lại chẳng thấy đâu.
Đến với phần II, người đọc sẽ bị cuốn vào màn khiêu vũ của ba người khổng lồ: Aristotle, Newton và Albert Einstein.
Aristotle nói rằng: “Thời gian không có gì khác hơn là sự đo đạc của thay đổi.” Newton nói rằng: “Có một thời gian trôi đi ngay cả khi không có gì thay đổi.” Hai người khổng lồ đầu tiên đã kéo sự tò mò của nhân loại về hai hướng hoàn toàn đối lập nhau.
Để thoát khỏi sự giằng co đó, chúng ta cần tìm đến người khổng lồ thứ ba Albert Einstein, với những nhận xét vô cùng xác đáng của ông. Einstein đã hòa giải được tư tưởng của Aristotle và Newton, nhờ đó giành được chiếc vòng nguyệt quế cho những tư tưởng của mình.
Vừa dùng những kết quả nghiên cứu của Enstein để tách từng bước lớp vỏ của thời gian, tác giả còn giải tích về sự bất lực của ngôn từ trong việc diễn tả các khái niệm liên quan đến thời gian. Cái gì là “hiện thực”? Cái gì là “tồn tại”? Thế nào là “hiện tại”? Thế nào là “quá khứ”? Và thế nào là “tương lai"?
Trong phần III của cuốn sách, tác giả sẽ đưa chúng ta đến với đáp án của một câu hỏi vô cùng quen thuộc: “Sự khác biệt giữa quá khứ và tương lai vốn vô cùng quan trọng với chúng ta. Vậy sự khác biệt đó đến từ đâu?”.
Carlo kiên nhẫn giải thích cho chúng ta về sự gia tăng của entropy, và việc tại sao đôi mắt cùng bộ não của con người luôn hướng đến xu hướng gia tăng của đại lượng đó.
Phần III dần dần thoát ra khỏi vòng cương tỏa của lý thuyết khoa học, dẫn chúng ta sâu xa hơn vào lãnh địa của triết học và thần học.
“Bí mật của thời gian đã luôn khiến ta bối rối, khuấy động những cảm xúc sâu xa nhất. Sâu xa đến độ này sinh ấp ủ những triết lý và tôn giáo khác nhau.” Đọc xong chương sách ấy, chúng ta có thể mỉm cười. Mỉm cười quay lại tận hưởng vốn thời gian hữu hạn của chúng ta …
Carlo Rovelli đã kể những câu chuyện về Einstein, về Newton, về những nhà khoa học, cùng lúc kể những câu chuyện về Alice, về Thỏ trắng ở xứ sở thần tiên, về Pinnochio, về Macbeth, về Marcel Proust và những trăn trở bất hủ, về Augustine và những bài ca của ông. Hơn là một sự thức tỉnh về khoa học, cuốn sách này còn là sự thức tỉnh về triết lý sống, về những trăn trở của sự tồn tại, nỗi lo lắng khi chúng ta già đi, và nỗi sợ thầm lặng khi đối diện với cái chết.
Hãy tìm đọc cuốn sách này, hãy lắng nghe giai điệu và sự thật của thời gian, và hãy để trí tuệ và kiến thức giải phóng cho chúng ta …