Đa dạng hóa dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (phần 1)

03/11/2015 21:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Thẻ ngân hàng đang trở thành phương tiện thanh toán phổ biến, được nhiều người sử dụng và tiếp tục phát triển mạnh. Tính đến cuối tháng 4/2013 đã có 52 tổ chức đăng ký phát hanh thẻ với hơn 336 thương hiệu thẻ. Số lượng thẻ trong lưu thông đạt hơn 45 triệu thẻ (tăng gấp 12 lần so với cuối năm 2006), trong đó thẻ ghi nợ chiếm khoảng 94%, thẻ tín dụng chiếm khoảng 2,5%, thẻ trả trước chiếm khoảng 3,5%.

CHUẨN BỊ HẠ TẦNG VÀ CHÍNH SÁCH

Nhằm đa dạng hóa dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử và chú trọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cuối tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn hai (2011-2015). Đề án đã chỉ rõ mục tiêu cần phải đạt được đến cuối năm 2015 là tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán dưới 11%, nâng tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng lên 35-40%; triển khai 250.000 POS với số lượng trên 200 triệu giao dịch/năm.

Thẻ ngân hàng đang trở thành phương tiện thanh toán phổ biến, được nhiều người sử dụng và tiếp tục phát triển mạnh. Tính đến cuối tháng 4/2013 đã có 52 tổ chức đăng ký phát hanh thẻ với hơn 336 thương hiệu thẻ. Số lượng thẻ trong lưu thông đạt hơn 45 triệu thẻ (tăng gấp 12 lần so với cuối năm 2006), trong đó thẻ ghi nợ chiếm khoảng 94%, thẻ tín dụng chiếm khoảng 2,5%, thẻ trả trước chiếm khoảng 3,5%.

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán thẻ tiếp tục được các ngân hàng thương mại chú trọng đầu tư phát triển. Đến thời điểm này đã có trên 14.200 ATM và gần 86.600 POS được lắp đặt (tăng tương ứng gấp 6 và 5,9 lần so với cuối năm 2006). Ðể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ thẻ giao dịch thanh toán, NHNN tiếp tục chỉ đạo các công ty chuyển mạch triển khai Ðề án xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất theo lộ trình đã được Thủ tuớng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở lựa chọn Công ty cổ phần chuyển mạch tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn) là hạt nhân và chuyển kết nối hệ thống ATM/POS của các ngân hàng thành viên của các công ty chuyển mạch tập trung về Banknetvn.

Về thanh toán thẻ qua POS, đến cuối năm 2012 tổng số POS đã được kết nối liên thông là trên 39.000 POS, của 536 chi nhánh tổ chức tín dụng và trên 4.500 đơn vị (trung tâm thương mại, cửa hàng, khách sạn, siêu thị…) đã chấp nhận thanh toán thẻ qua POS trên toàn quốc. Việc thống nhất mạng lưới ATM/POS trên toàn quốc giúp tạo ra các tiện ích và giá trị lớn hơn cho người sử dụng thẻ, tiết kiệm chi phí đầu tư mở rộng mạng lưới POS, giảm tải cho hệ thống ATM.

Kể từ khi kết nối liên thông, đến nay, nhận thức về thanh toán thẻ qua POS đã có chuyển biến rõ nét trong hệ thống ngân hàng và có bước chuyển biến tích cực tại các địa phương. Tại các thành phố lớn, nơi có điều kiện thuận lợi và cơ hội cho việc phát triển thanh toán thẻ qua POS, nhận thức chung của xã hội về thanh toán không dùng tiền mặt đang thay đổi. Xu hướng thanh toán bằng thẻ của dân cư cũng bắt đầu gia tăng, nhất là trong cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, học sinh. Một số đơn vị chấp nhận thẻ đã có những nhận thức tích cực về lắp đặt và chấp nhận thanh toán thẻ qua POS.

Về quá trình chuyển đổi phương thức thanh toán này, phía NHNN đánh giá: Thanh toán thẻ qua POS hiện nay còn mới mẻ và bỡ ngỡ với phần lớn người dân. Kết quả triển khai kết nối liên thông mạng lưới POS vừa qua cho thấy, phát triển thẻ qua POS còn là một quá trình lâu dài, việc kết nối liên thông vừa qua mới chỉ là nền tảng bước đầu trong việc sử dụng thẻ thanh toán qua POS. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng bộc lộ những tồn tại như: mối quan hệ giữa phát triển thẻ, số lượng ATM và POS chưa cân xứng; môi trường chấp nhận thẻ chưa phát triển, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán thẻ nội địa qua POS chưa cao; địa điểm lắp đặt POS chưa phù hợp. Trên thực tế, thẻ của NHTM này đôi khi chưa được chấp nhận tại POS của các NHTM khác đã tham gia kết nối do các lỗi kỹ thuật. Doanh nghiệp thương mại đã lắp đặt POS ngại công khai hóa doanh thu. Các đơn vị chấp nhận thẻ còn thu phụ phí của khách hàng thanh toán bằng thẻ không đúng quy định…

Những tồn tại này đã gây cản trở sự phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt. Người dân dùng thẻ nội địa chủ yếu dùng để rút tiền. Số liệu năm 2011 cho thấy, tỷ lệ rút tiền mặt/doanh số sử dụng thẻ nội địa là 82,4% (doanh số sử dụng thẻ nội địa đạt 655.000 tỷ đồng). Thanh toán thẻ chủ yếu bởi thẻ quốc tế của khách hàng nước ngoài.

NHỮNG RÀO CẢN KHI TRIỂN KHAI THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Đề án Tiếp tục đẩy mạnh Thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới mục tiêu đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, tạo sự chuyển biến rõ rệt về tập quán thanh toán trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý nhà nước. Nhiều dự báo cho rằng, thói quen sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sẽ gia tăng với tốc độ nhanh trong thời gian tới, đặc biệt là giới trẻ, cán bộ nhân viên văn phòng, công chức nhà nuớc.

Để thanh toán không dùng tiền mặt đi vào đời sống một cách hiệu quả, các ngân hàng cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, cải thiện chất lượng dịch vụ, và xây dựng hệ thống dịch vụ đa kênh. Tuy nhiên, hiện nay đa số các ngân hàng vẫn chưa đa dạng hoá dịch vụ kênh ATM để trở thành một kênh giao dịch tự động đa năng. Các ATM hiện nay chủ yếu vẫn chỉ để rút tiền mặt là chính. Các ngân hàng cũng chưa quyết định dứt khoát có nên sử dụng kênh SMS để phát triển các giao dịch tài chính dành cho các khách hàng hay không. Đối với kênh Mobile, ngân hàng cũng đang lưỡng lự giữa phát triển SIM tool kit với phát triển các phần mềm ứng dụng trên điện thoại không phụ thuộc nhà mạng. Vẫn còn những băn khoăn về việc nên đồng bộ các tiêu chuẩn giữa Internet Banking và cổng thanh toán thương mại điện tử hay phát triển các chuẩn riêng dành cho Internet Banking và và chuẩn riêng cho cổng thanh toán thương mại điện tử? Hiện nay, các ngân hàng và các tổ chức hỗ trợ thanh toán liên quan đều tự định ra những quy chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ riêng. Do đó, cần NHNN vào cuộc để chuẩn hóa các vấn đề bảo mật, tích hợp kỹ thuật, nghiệp vụ... Việt Nam đã phát triển hệ thống thanh toán giao dịch bán lẻ, liên thông ATM, POS, Mobile và đã đưa ra một số quy chuẩn cho toàn bộ thị trường.

Các tổ chức chuyển mạch thẻ hoàn toàn có khả năng quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ đối với dịch vụ thanh toán trên kênh mới; Có khả năng trở thành hệ thống thanh toán tự động (ACH) giống các nước khác; Có thể tận dụng lợi thế sẵn có để đa dạng hoá các dịch vụ thanh toán trên kênh truyền thống. Tuy nhiên, bước chuyển này nhanh hay chậm vẫn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước mà cụ thể là Ngân hàng Trung ương.

Tiếp cận vấn đề từ thực tế phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nuớc chi nhánh TP. HCM, cho rằng: Đánh giá tổng quan thì thị trường phát triển chưa mạnh, thiếu tính bền vững. Cơ hội phát triển thị trường tuy nhiều, song thách thức vẫn không ít. Bên cạnh đó cơ hội nếu không tận dụng khai thác tốt thì trở thành thách thức. Sản phẩm tuy có phong phú, đa dạng nhưng vẫn chưa hiện đại, tạo tiện ích cao cho nguời sử dụng; khách hàng còn nhiều quan ngại khi đến với các dịch vụ ngân hàng.

Về yếu tố pháp lý, dù luật giao dịch điện tử đã có hiệu lực nhưng vấn đề về tội phạm công nghệ, tranh chấp qua giao dịch điện tử vẫn chưa được đề cập chi tiết. Việc tiếp cận thu ngân sách nhà nuớc (thuế, kho bạc, hải quan qua hệ thống ngân hàng còn nhiều khó khăn, các ngân hàng khó tiếp cận để triển khai dịch vụ này.

Về yếu tố công nghệ, việc chấp nhận thanh toán qua ngân hàng điện tử đòi hỏi đầu tư về hạ tầng CNTT, do đó còn một số doanh nghiệp chưa nhiệt tình trong việc triển khai hình thức chấp nhận thanh toán điện tử. Cơ sở hạ tầng, mạng viễn thông của các đối tác chưa đáp ứng được nhu cầu về hoạt động thanh toán, đôi lúc xảy ra nghẽn mạch, lỗi đường truyền.

Đó là những rào cản cần phá bỏ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng cũng như hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Ông Tuck Chan, Giám đốc bộ phận Tư vấn Giải pháp FSI, Aspect, nhận xét: Tôi cho rằng, các nền tảng hạ tầng về mặt công nghệ, kỹ thuật của các ngân hàng của Việt Nam hầu như đã sẵn sàng để ứng dụng tất cả các công nghệ mới. NHNN Việt Nam chỉ đưa ra những khuôn khổ, khung hướng dẫn các hoạt động chung, còn mong muốn đưa ra các trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng tốt nhất thì chính các ngân hàng thương mại phải tự xây dựng cho mình.

(còn nữa)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng hóa dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (phần 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO