Đà Nẵng tập trung cho đào tạo vi mạch bán dẫn
Đà Nẵng đã xác định phát triển công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, là một bộ phận quan trọng trong 5 nhóm ngành đột phá để phát triển nhanh và bền vững.
Hội tụ nhiều tiềm năng
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn TP. Đà Nẵng vào ngày 30/8, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương đã khẳng định: "TP. Đà Nẵng là địa phương năng động, tiêu biểu cho tinh thần giám nghĩ, giám làm, đổi mới sáng tạo. Đây là những đặc trưng phù hợp để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đà Nẵng có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phát triển, sự quan tâm và quyết tâm của chính quyền là những yếu tố quan trọng bảo đảm phát triển công nghiệp bán dẫn”.
Theo thống kê được công bố tại sự kiện "Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024" (Semicon Da Nang 2024) vào tháng 8/2024, đến nay tại Đà Nẵng đã có 10 doanh nghiệp (DN) thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT semiconductor, Viettel CNC..., với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các trường đại học trên địa bàn thành phố. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của Đà Nẵng chiếm khoảng 10%.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn có 2.450 DN công nghệ số, trung bình có 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ hai toàn quốc (chỉ sau TP. Hồ Chí Minh) và gấp 3 lần trung bình của cả nước. Tổng số nhân lực công nghệ số là 46.000 người. Theo đánh giá của Bộ TT&TT, năm 2022 kinh tế số của Đà Nẵng đóng góp 19,76% GRDP của thành phố. Mục tiêu của Đà Nẵng đặt ra đến năm 2030 kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP của thành phố.
Về công tác đào tạo, hiện Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành CNTT và các ngành gần có liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Tổng số sinh viên tốt nghiệp hằng năm ngành CNTT và các ngành gần lĩnh vực vi mạch, bán dẫn (như điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa...) là khoảng 5.700 người.
Từ tháng 8/2024, đã có ba trường đại học gồm: Trường Đại học (ĐH) CNTT và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh mới kỹ sư ngành thiết kế vi mạch, với gần 200 chỉ tiêu/năm. Đây là nguồn bổ sung nhân lực quan trọng cho phát triển ngành vi mạch bán dẫn của TP. Đà Nẵng.
Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực
Đà Nẵng đã xác định nguồn nhân lực là “lõi hạt nhân” tạo nên ngành công nghiệp bán dẫn. Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
Cụ thể, Đà Nẵng tập trung tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ 1 - 2 DN đóng gói, kiểm thử.
Từ tháng 9/2023, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với tuyên bố chung, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới phát triển công nghiệp bán dẫn, Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, AI gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn và AI.
Trong tháng 11/2023 và tháng 2/2024, lãnh đạo Đà Nẵng đã đến Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) và trực tiếp làm việc với các tập đoàn hàng đầu về thiết kế vi mạch bán dẫn như Synopsys, Nvidia, Marvell, Ampere, Arm, Qualcomm, Intel, Qorvo, MediaTek... Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện APEC 2023 tại Hoa Kỳ, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam, UBND TP. Đà Nẵng đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Synopsys về những nội dung liên quan đến phát triển lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Cùng thời gian này, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo gấp rút thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 1/2024.
Theo Bộ TT&TT, DSAC là trung tâm đầu tiên của cả nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI. Ngay sau khi thành lập, Trung tâm DSAC đã ký kết 2 hợp tác chiến lược với Synopsys và Intel của Hoa Kỳ để triển khai hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn và AI cho TP. Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã khởi động đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của thành phố và tổ chức đào tạo lớp giảng viên nguồn về vi mạch, bán dẫn gồm 25 giảng viên của các trường ĐH trên địa bàn. Thành phố cũng đã triển khai ba khóa chuyển đổi kỹ sư ngành sang lĩnh vực thiết kế vi mạch với khoảng 39 sinh viên, đồng thời kết hợp bồi dưỡng cho 43 giảng viên trong lĩnh vực này.
Trong quý 4/2024, Đà Nẵng sẽ tuyển chọn các giảng viên xuất sắc nhất để cử tham gia khóa bồi dưỡng giảng viên (train the trainer) tại Học viện Sicada (đơn vị hợp tác của Synopsys tại Đài Loan, Trung Quốc).
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang hợp tác với các tập đoàn lớn như Nvidia, Qualcomm, ARM để triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, thành phố đã khảo sát và xác định một số trường ĐH quốc tế có kinh nghiệm cung cấp nhân lực đạt chuẩn của doanh nghiệp để kết nối với các trường đại học trên địa bàn giúp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn./.