Đà Nẵng thu hút các dự án về CNTT, công nghệ cao để trở thành "thành phố môi trường"

Hoàng Linh| 30/11/2021 14:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhấn mạnh Đà Nẵng đang cùng với các cơ quan Trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiên thu hút các dự án FDI về CNTT, công nghệ cao nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành "thành phố môi trường" và là điểm đến của các tập đoàn công nghệ số toàn cầu.

Ngày 30/11, UBND Đà Nẵng, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng sự hỗ trợ của Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc KOTRA tại Hà Nội và Trung tâm hợp tác CNTT Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng với sự tham dự của các đại biểu từ nhiều điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng… theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực ICT

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Việt Nam đã đưa ra quan điểm "phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS)".

Đà Nẵng thu hút các dự án về CNTT, công nghệ cao để trở thành

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm: Việt Nam đã và đang hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá cho các khu CNTT tập trung tại các trung tâm kinh tế trọng điểm

Với quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ICT lớn mạnh, Thứ trưởng cho biết Việt Nam đã có 58.000 doanh nghiệp (DN) ICT với mục tiêu đến năm 2025 đạt 100.000 DN. Hiện nay, Việt Nam đứng top 10 thế giới về xuất khẩu sản phẩm điện tử và thứ 2 thế giới về điện thoại, thứ 9 về gia công phần mềm. Chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới là chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng "Make in Viet Nam" - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam.

Tháng 6/2020, Việt Nam đã ban hành Chương trình CĐS quốc gia với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam sẽ lọt vào top 50 quốc gia đứng đầu về Chính phủ số và nền kinh tế số đóng góp 30% GDP. Tăng trưởng kinh tế số hàng năm cao gấp 3 lần tăng trưởng GDP, tạo ra một nền kinh tế số bao trùm trong tất cả các lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải-logistic … vì thế mà hình thành một thị trường và không gian hợp tác đủ lớn cho các DN Hàn Quốc vào đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Thực hiện quyết tâm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DN, ngày 26/11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1944/QĐ-TTg phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TT&TT giai đoạn 2020 - 2025.

Bộ TT&TT cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực CNTT-TT như chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cho DN sản xuất phần mềm, thuế xuất khẩu với sản phẩm về điện tử, CNTT và phần mềm, các chính sách ưu đãi về sử dụng đất, thuế nhập khẩu đối với các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực CNTT tại khu CNTT tập trung…

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, Thứ trưởng cho biết Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc. "Chúng tôi ưu tiên thu hút các dự án lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, CĐS".

Đến nay, Hàn Quốc là quốc gia đứng vị trí số một về đầu tư tại Việt Nam với tổng số hơn 9.000 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đạt trên 71,5 tỷ USD, trong đó có gần 500 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNTT-TT với sự góp mặt của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, KT,...

Đứng trước cơ hội tiếp tục đón nhận các làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc, Thứ trưởng cho biết chính phủ Việt Nam đã và đang hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá cho các khu CNTT tập trung tại các trung tâm kinh tế trọng điểm. Đặc biệt TP. Đà Nẵng được ví như là Thung lũng Silicon của Đông Nam Á, chính quyền Đà Nẵng đang cùng với các cơ quan Trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiên thu hút các dự án FDI về CNTT, công nghệ cao xây dựng Đà Nẵng trở thành "thành phố môi trường" và là điểm đến của các tập đoàn công nghệ số toàn cầu.

Đà Nẵng thu hút các dự án về CNTT, công nghệ cao để trở thành

Diễn đàn tại đầu cầu Hà Nội

Thúc đẩy đầu tư ICT vào Đà Nẵng

Nhấn mạnh vai trò của lĩnh vực ICT, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết CMCN 4.0 đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của chúng ta và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự phát triển của ngành ICT. Ngành ICT vì vậy đã ngày càng đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế quốc gia và các địa phương trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đà Nẵng thu hút các dự án về CNTT, công nghệ cao để trở thành

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn: Đà Nẵng tự hào là một trong những thành phố đi đầu trên cả nước trong lĩnh vực ICT

Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn cũng cho biết Đà Nẵng tự hào là một trong những thành phố đi đầu trên cả nước trong lĩnh vực ICT và được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao như 12 năm liền đứng đầu bảng xếp ICT Index Việt Nam, giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam, giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam…

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn cũng cho biết ngành ICT Đà Nẵng vẫn phát triển mạnh mẽ. Tổng doanh thu ICT đạt 1,3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt gần 90 triệu USD. Đối với Đà Nẵng, Hàn Quốc đã và đang là đối tác quan trọng về đầu tư thương mại, du lịch.

Tính đến tháng 11/2021, Hàn Quốc là một trong 5 quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng dự án và vốn đầu tư cao nhất vào thành phố với 233 dự án, có tổng số vốn 378 tỷ USD. "Lãnh đạo thành phố đánh giá cao và ghi nhận sự đóng góp tích cực của các DN, nhà đầu tư Hàn Quốc đối với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần vào xây đắp mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai quốc gia".

Đà Nẵng thu hút các dự án về CNTT, công nghệ cao để trở thành

Ông Ahn Minsik - Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng: ICT là 1 trong những lĩnh vực trọng tâm được Việt Nam thu hút đầu tư

Ông Ahn Minsik, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng cho biết Hàn Quốc là nước thành công về 5G, nắm giữ các công nghệ 4.0 tầm cỡ quốc tế. Việt Nam có cộng đồng startup đông đảo, ICT là một trong những lĩnh vực trọng tâm được thu hút đầu tư. LG đã thành lập Trung tâm R&D tại Đà Nẵng năm ngoái và sẽ đầu tư hơn nữa. Hàn Quốc cũng đang có dự án thành phố thông minh (TPTM) ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và sẽ thu hút các DN tham gia đầu tư. Đà Nẵng và Hàn Quốc đang hợp tác chặt chẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa trong lĩnh vực CNTT.

Công nghiệp CNTT là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP lớn

Thông tin về sự phát triển của lĩnh vực ICT, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT&TT cho biết công nghiệp ICT bao gồm các lĩnh vực: phần cứng-điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2020 đạt 124,6 tỷ USD, gấp 20 lần so với năm 2009 (6,2 tỷ USD) và gấp hơn 2 lần năm 2015. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân 15,2%/năm, cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước.

Các mặt hàng công nghiệp CNTT đặc biệt là điện thoại và máy tính vẫn đứng vững trong danh sách top 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2020, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu hơn 15 tỷ USD.

Theo chỉ số Tholons Services Globalization Index 2019 (TSGI), Việt Nam xếp hạng thứ 13/50 quốc gia số dựa trên các đánh giá về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 7 về xuất khẩu video game; xếp thứ 9 về xuất khẩu mạch điện tử; thứ 2 về xuất khẩu điện thoại. Năm 2021, Việt Nam được xếp thứ 6/60 về gia công dịch vụ phần mềm theo đánh giá của AT. Kearney.

Công nghiệp phần cứng, điện tử viễn thông có tốc độ tăng trưởng cao, tính riêng giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng 15,7%, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước về các loại sản phẩm điện tử dân dụng, điện lạnh và máy tính. Năm 2020, Việt Nam được xếp vào top 2 thế giới về sản xuất điện thoại di động và linh kiện, top 10 thế giới về xuất khẩu mạch điện tử và linh kiện và top 12 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính.

Năm 2020, doanh thu xuất khẩu sản phẩm phần cứng ước đạt gần 95,8 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử đã được xuất khẩu tới 35 nước trong khu vực và trên thế giới. Các DN phần cứng điện tử tiêu biểu tại Việt Nam: Viettel, VNPT, Bkav, 4P, Vsmart… Các DN phần cứng điện tử FDI tiêu biểu: Samsung, Intel, LG,…

Ông Tuyên cũng cho biết khu CNTT tập trung là hạ tầng quan trọng để phát triển ngành công nghiệp CNTT. Đến năm 2020, số lượng khu CNTT tập trung là 06 (Công viên phần mềm Quang Trung, Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung Cầu Giấy, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng, Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Khu CNTT tập trung TP. Cần Thơ).

Bên cạnh đó, có mô hình thí điểm Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung được Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập, hoạt động theo chức năng của khu CNTT tập trung). Tỷ lệ lấp đầy của các khu CNTT tập trung đang hoạt động trên cả nước đạt trên 95%, cao hơn so với khu công nghiệp (KCN).

08 tỉnh thành phố có doanh thu công nghiệp CNTT hơn 1 tỷ đô là: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Hải phòng

Ông Lê Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng xác định phải phát triển hạ tầng ICT đi trước một bước, sẵn sàng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến phát triển. Đà Nẵng tập trung phát triển nội và thu hút ngoại lực để phát triển ICT.

Đà Nẵng tập trung phát triển vành đai phát triển công nghệ cao ở phía Bắc và vành đai sáng tạo ở phía Nam với chiến lược phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm dữ liệu số (data hub) không chỉ của Đà Nẵng mà là trung tâm của Việt Nam, tập trung R&D.

Theo ông Kim Jinmo, Phó Giám đốc KOTRA tại Đà Nẵng cho biết năm 2020, đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh nhưng gần đây do đại dịch COVID-19, việc hạn chế di chuyển trong nước, hạn chế nhập cảnh nên đang có 1 dòng dịch chuyển đầu tư sang một số nước Đông Nam Á. Ngành ICT chiếm 23% tổng vốn đầu tư, có mức tăng 7,3% trước COVID-19 với sự tham gia của các DN lớn như Samsung, LG….

Ông Kim Jinmo cũng cho biết một số khó khăn đối với DN Hàn Quốc như việc di chuyển, nhảy việc của công nhân nên hoạt động thương mại, hậu cần không hiệu quả trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, có những điểm không nhất quán trong phòng chống dịch tại từng địa phương nên ảnh hưởng đến đầu tư của DN Hàn Quốc. DN Hàn Quốc quan tâm đến môi trường đầu tư ổn định cho các DN. Tính ổn định đóng vai trò quan trọng trong đầu tư vào Việt Nam./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng thu hút các dự án về CNTT, công nghệ cao để trở thành "thành phố môi trường"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO