Đại dịch Covid-19 đã làm lộ điểm yếu cốt tử của ta về dữ liệu

PGS. Trương Quang Thông (*)| 18/09/2021 11:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Các quyết định liên quan đến phòng chống dịch của chúng ta trong hơn ba tháng qua đã cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán và thậm chí là vụng

Các quyết định liên quan đến phòng chống dịch của chúng ta trong hơn ba tháng qua đã cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán và thậm chí là vụng về trong một số trường hợp. Đó là hệ quả khó tránh khỏi khi mà các quyết định được đưa ra vẫn ít nhiều nặng về cảm tính và suy đoán.

Đại dịch Covid-19 đã làm lộ điểm yếu cốt tử của ta về dữ liệu - Ảnh 1.

Đi chợ hộ ở ngoại thành TPHCM trong những ngày shipper không được hoạt động. Ảnh: N.K

Nhìn từ Pháp rồi nhìn tới Việt Nam

Cách đây bảy năm, nhân chuyến công tác, tôi đi cùng chuyến bay với con gái tôi sang Pháp để học tại một trường đại học ở Paris. Cũng nhờ đó mà tôi có điều kiện ít nhiều chăm lo, hỗ trợ con trong những ngày đầu tiên hòa nhập với xứ người, từ việc khai báo cư trú, mở tài khoản ngân hàng, ghi danh hành chính tại trường, ký hợp đồng mua điện, thuê bao Internet, đăng ký vé xe công cộng, và đặc biệt là xin trợ cấp tiền thuê nhà (CAF – Caisse d’Allocation Familiale) từ Chính phủ Pháp. Gần như tất cả các thủ tục, quy trình có liên quan đều khai báo trực tuyến. Một khi khai báo đã hợp lệ, thì công việc cứ thế mà tiếp tục… trực tuyến.

Tôi đặc biệt ấn tượng (và đương nhiên rất hài lòng) với khoản phúc lợi trợ cấp cho thuê nhà, áp dụng cho cả du học sinh nước ngoài. Gần như 100% khai báo trực tuyến, không hao tốn giấy tờ bản này bản kia, như cái kiểu hầu hết cái gì cũng phải sao y công chứng ở xứ ta. Sau đó, hàng tháng con tôi đều đặn nhận được khoảng gần 300 euro trợ cấp tiền thuê nhà. Đặc biệt, trong năm 2020, con tôi còn nhận được 200 euro hỗ trợ do đại dịch Covid-19 từ CAF mà chẳng cần khai báo, làm đơn này đơn nọ với ai cả.

Gần hai năm qua, cả thế giới đang phải đối phó với một mối đại họa thực sự “vô tiền khoáng hậu”, đó là đại dịch Covid-19. Không thể kể hết những tác động to lớn của nó đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia, đối với hệ thống dịch vụ y tế, an ninh trật tự, các vấn đề xã hội, và cả đến thói quen sinh hoạt, lối sống nói chung, đặc biệt là lối sống tại các đô thị lớn, chính là những nơi mà Covid-19 hoành hành khủng khiếp nhất.

Thiếu dữ liệu, trong những trường hợp kiểu này, phần lớn đến từ việc thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp, thiếu tính tích hợp với nhau. Cùng phục vụ cho dịch vụ công, những dữ liệu công (theo nghĩa rộng) đáng lý ra phải tích hợp từ những dịch vụ công riêng lẻ đã được thu thập, nhưng chúng lại được lưu giữ theo kiểu “cát cứ”.

Trong bối cảnh khủng hoảng đó, mô hình đô thị thông minh (smart city), trong chừng mực nào đó, đã có được cơ hội để thể hiện là một mô hình mang tính chiến lược, bằng việc tận dụng các nguồn lực hạ tầng công nghệ để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội nêu trên.

Việc xây dựng mô hình đô thị thông minh giúp cuộc sống của các cư dân được thuận lợi hơn, tốt đẹp hơn, hiện đại hơn, và cũng bình an – bền vững hơn; giúp các hoạt động quản trị quốc gia, quản trị đô thị được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Những gì mà cư dân TPHCM, thành phố lớn nhất Việt Nam, đã trải qua và chiêm nghiệm trong những đợt dịch Covid-19 kể từ đầu năm 2020, nhất là đợt dịch thứ 4 này, rất đáng để chúng ta dành chút thời gian để suy gẫm nhiều hơn về những gì đã, đang và chuẩn bị cho một mô hình đô thị thông minh mà chúng ta đã dày công chuẩn bị lâu nay.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền, những sự tận tụy của các tổ chức thiện nguyện, các đoàn thể; những sự dấn thân và hy sinh của rất nhiều cá nhân trong tiến trình đối phó với đại dịch Covid-19.

Nhưng một số vấn đề mà chúng ta khá dễ dàng nhận thấy trong thời gian hơn ba tháng qua, đó là sự lúng túng, sự thiếu nhất quán, thậm chí đó là sự vụng về trong một số trường hợp quyết sách và thực thi, từ cách thức ra quyết định cách ly người nhiễm, phong tỏa các ổ dịch, nguyên tắc làm việc “3 tại chỗ”, “1 cung đường…” đến vấn đề phân phối hàng thiết yếu…

Do thiếu dữ liệu và thiếu thông tin hay là do gì?

Một lý giải phổ biến về nguyên nhân của những vấn đề nêu trên là do thiếu dữ liệu, và thiếu kém sự phối hợp.

Thiếu dữ liệu cho hoạt động dự báo mức độ lây lan, cao điểm của dịch bệnh…

Thiếu dữ liệu cho các hoạt động tác nghiệp và kiểm tra, giám sát hàng ngày như quan sát dịch chuyển dân cư, giám sát điều tra dịch tễ, ước lượng nhu cầu thực phẩm, giấy thông hành cho shipper…

Một hạ tầng “cứng” chưa thực sự hoàn hảo, nhưng với một hạ tầng “mềm” năng động, dám sáng tạo (mà không ngại đụng chạm), dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những đề xuất, quyết định cá nhân, rất có thể mang đến những giá trị lớn lao.

Thiếu dữ liệu cho các hoạt động phối hợp. Chẳng hạn, bất chợt yêu cầu các shipper phải xét nghiệm theo tần suất 1 lần/ngày mà chưa hình dung, tính toán bao nhiêu lực lượng con người và vật chất có thể cáng đáng nổi việc xét nghiệm này; triển khai lực lượng quân đội hỗ trợ nhưng không biết là trong lực lượng đó, có bao nhiêu phần trăm tương đối thông thạo phố xá, ngõ ngách Sài Gòn, hay đã biết… đi chợ hay chưa; các tổ chức thiện nguyện làm sao có được thông tin để tiếp cận đúng lúc hơn, đúng người hơn, đúng nhu cầu hơn.

Do thiếu dữ liệu, thông tin, do hạn chế trong việc điều phối phối hợp, nên những thay đổi, thiếu nhất quán thường là hiển nhiên.

Thế nhưng, lại thêm một câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thực sự thiếu dữ liệu hay không? Trong bối cảnh câu chuyện tản mạn này, có lẽ vấn đề trên liên quan nhiều hơn đến các hoạt động chính quyền đô thị theo định hướng mô hình đô thị thông minh, trong đó các nội dung sát sao nhất đó là cơ sở hạ tầng dữ liệu thông minh và cách điều hành thông minh của chính quyền đô thị.

Là chúng ta chưa biết cách hay chưa chịu khai thác?

Với những thành quả mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua với mô hình chính phủ điện tử, có thể nói, các cơ quan công quyền của chúng ta đã thu thập được một khối lượng dữ liệu to lớn. Mã số định danh cá nhân, mã số bảo hiểm sức khỏe cá nhân, mã số thuế cá nhân, và rất nhiều kiểu mã số dữ liệu khác, kể cả dữ liệu từ các tổ chức mang tính cách tư (chẳng hạn từ các ngân hàng, công ty bảo hiểm) nếu như chúng ta biết cách khai thác chúng thì đó là một nguồn tài nguyên thông tin vô cùng quý giá để chúng ta sử dụng, khai thác phục vụ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 này.

Vẫn còn xảy ra không ít trường hợp bất cập, khập khiễng khác, kiểu như người dân đã tự nguyện khai báo y tế điện tử nhưng rốt cuộc vẫn phải khai báo trên giấy; thay đổi liên tục, hay sử dụng không nhất quán các kiểu khai báo y tế, khai báo dịch chuyển khác nhau; phát phiếu đi siêu thị thay vì về kỹ thuật, có thể khá dễ dàng chuyển nó vào ứng dụng (app) nào đó… Chính quyền, đoàn thể gần như theo một công thức cứu trợ, kiểu “combo” như “gạo – mì gói – rau củ – nước chấm – trứng”, cho nên, đơn cử, một hiện tượng phổ biến là người dân các khu cách ly thường nhận được rất nhiều gạo và mì gói.

Có những gia đình trong một tháng cách ly tại chỗ nhận đến 40-50 ki lô gam gạo, hàng 5-7 thùng mì gói. Gạo, mì gói vẫn rất đáng quý trong những lúc khó khăn, ngặt nghèo, nhưng người bị cách ly, đặc biệt là người bệnh, còn cần những nhu cầu dinh dưỡng không thể thiếu khác như thịt, cá, sữa…

Thiếu dữ liệu, trong những trường hợp kiểu này, phần lớn đến từ việc thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp, thiếu tính tích hợp với nhau. Cùng phục vụ cho dịch vụ công, những dữ liệu công (theo nghĩa rộng) đáng lý ra phải tích hợp từ những dịch vụ công riêng lẻ đã được thu thập, nhưng chúng lại được lưu giữ theo kiểu “cát cứ”.

Chiến lược xây dựng các nền tảng về dữ liệu

Trong tuần lễ đầu tháng 9-2021, công an TPHCM đã bắt đầu lắp 100 camera tại các chốt kiểm soát, giúp quét nhanh chóng mã QR tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc làm này là một khắc phục đáng hoan nghênh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi qua các chốt và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho các lực lượng kiểm soát.

Mô hình sử dụng camera quét mã QR gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ khác. Đó là những chiến lược dài hạn trong việc thu thập, xử lý, tích hợp dữ liệu phục vụ việc quản trị công, cung ứng dịch vụ công. Điều này thật sự quan trọng trong việc điều hành nhịp nhàng, hiệu quả những đô thị thông minh, chứ chúng ta không nên chỉ xem đó là những giải pháp tình huống, tạm thời. Đó chính là chiến lược xây dựng các nền tảng (platform) để thu thập, tồn giữ, kết nối, tích hợp sử dụng các dữ liệu, một cách tập trung, thống nhất, ở tầm cỡ quốc gia.

Các tỉnh, thành Việt Nam đã tốn rất nhiều ngân sách để thiết kế, triển khai các mô hình chính quyền điện tử, vốn thường được ca ngợi như những đột phá trong cải cách hành chính. Thế nhưng, việc tích hợp tất cả những dữ liệu từ “chính quyền điện tử”, thông qua các giao diện kỹ thuật số (dashboard) ở quy mô tỉnh, thành, hay là cao hơn, đáng kỳ vọng hơn, ở cấp quốc gia, vẫn còn là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Đơn cử một vấn đề khá lúng túng mà các tỉnh, thành đang đối phó trong lúc đang chuẩn bị trở lại trạng thái “bình thường mới” vào giữa tháng 9-2021, là khi nào chúng ta có chung một mẫu giấy thông hành thống nhất, với các dữ liệu điều kiện xuất phát từ một dashboard thống nhất, thay vì mỗi địa phương lại có những kiểu giấy thông hành riêng, thậm chí có tính cách phân biệt với nhau?

Nếu năng động, dám nghĩ dám làm thì sẽ khác

Chúng ta vẫn còn những khó khăn trong việc xây dựng những cơ sở hạ tầng liên quan đến thu thập, tích giữ, xử lý, tích hợp thông tin. Các nền tảng nói ở trên là một dẫn chứng.

Về lý thuyết, đó là những cơ sở hạ tầng “cứng”. Thế nhưng, nhiều khi, và có lúc, điểm yếu của chúng ta lại nằm ở cơ sở hạ tầng “mềm” – bao gồm xã hội, nguồn lực con người, sự tham gia, thái độ của người dân, doanh nghiệp, và đặc biệt là các thành tố con người của một chính quyền đô thị như các công chức, viên chức, lực lượng thi hành công vụ, trong mối quan hệ, tương tác với cơ sở hạ tầng “cứng” như trên.

Một hạ tầng “cứng” chưa thực sự hoàn hảo, nhưng với một hạ tầng “mềm” năng động, dám sáng tạo (mà không ngại đụng chạm), dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những đề xuất, quyết định cá nhân, rất có thể mang đến những giá trị lớn lao. Âu đó cũng là những đức tính cần thiết của những con người thông minh trong một đô thị thông minh vậy.

Mới gần đây thôi, giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” về việc “đi chợ” trong thời gian giãn cách, Grab Việt Nam đã chủ động đề xuất cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt trong khu vực shipper không hoạt động. Một động thái xét khách quan thì rất đáng hoan nghênh, thế nhưng, chỉ sau một, hai ngày, đề xuất đó đã chìm vào quên lãng. Nghe nói, cũng trong bối cảnh Covid-19 hiện tại, chính quyền nhiều thành phố ở Indonesia đã chủ động kết nối với Grab, Gojek để cùng nhau phối hợp trong việc đảm bảo thông suốt lưu thông hàng hóa, thực phẩm trong những thời điểm khó khăn nhất.

Gần đây, lúc gửi tin nhắn, gọi điện thoại hỏi thăm nhau, thấy bạn bè, người thân sử dụng ngày càng nhiều hơn câu “mua đồ có được không?”. Một kiểu thăm hỏi mang tính dân gian trong mùa Covid như trên bất giác làm tôi ngẫm nghĩ nhiều điều cần phải làm nhiều hơn, thực tế hơn, trong viễn cảnh Sài Gòn chúng ta đang phấn đấu trở thành một đô thị thông minh trong tương lai.

(*) Đại học Kinh tế TPHCM

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đại dịch Covid-19 đã làm lộ điểm yếu cốt tử của ta về dữ liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO