Không cần phải nói rằng đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh toàn cầu, từ vận tải, hậu cần đến giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Nhưng bất chấp sự gián đoạn kinh doanh, một loạt các ý tưởng mới và các startup trẻ đã tỏ rõ năng lực thích nghi nhanh chóng với đại dịch và tìm thấy mình trên thị trường chính trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Số liệu thống kê cho thấy Mỹ, Anh và Nhật Bản có số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh mới tăng lần lượt 95%, 30% và 14% trong năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng startup trong ngành công nghệ tăng 20% so với năm 2019, với tốc độ tăng trưởng đạt đỉnh vào quý cuối cùng của năm 2020.
Một xu hướng tương tự cũng có thể thấy ở Malaysia. Các DN mới ở Malaysia đang bắt đầu xuất hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm dịch vụ nhà hàng và ăn uống (F&B), hậu cần, thương mại điện tử, sức khỏe tâm thần, chăm sóc sức khỏe và fintech, do hậu quả của đại dịch.
Startup giúp xây dựng nền kinh tế có khả năng phục hồi
Một lợi ích quan trọng mà các startup nắm giữ - đặc biệt là trong thời kỳ thay đổi nhanh chóng, là tốc độ thích ứng và khả năng mở rộng - một lĩnh vực mà các mô hình kinh doanh lớn, truyền thống có thể chậm chạp hơn. Tổ chức tinh gọn của các startup cho phép họ xoay trục nhanh chóng, vì việc ra quyết định nhanh hơn và dễ dàng hơn cho phép tăng tốc độ trong các quy trình kinh doanh và sản xuất. Điều này mang lại cho họ một lợi thế bổ sung để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục.
Trong bối cảnh thất nghiệp đang gia tăng hiện nay, các startup cũng nắm giữ chìa khóa để tạo việc làm và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Malaysia khi nói đến sáng kiến MyDigital của chính phủ, nhấn mạnh đến việc chuyển đổi số và áp dụng nền kinh tế số để trở thành một quốc gia có thu nhập cao.
Ngoài tăng trưởng kinh tế và công nghệ, các startup còn nuôi dưỡng cảm giác cộng đồng mạnh mẽ. Các startup Malaysia có một nền văn hóa hỗ trợ tích cực - thông tin, mạng lưới và nguồn lực được chia sẻ. Điều này đã thúc đẩy cơ hội tăng trưởng bình đẳng cho tất cả mọi người. Khi chúng ta bước sang thời kỳ hậu đại dịch, ý thức cộng đồng này cho phép tăng trưởng kinh doanh nhanh hơn, khả năng thích ứng cao hơn và văn hóa làm việc tích cực góp phần xây dựng lợi ích kinh tế tốt hơn.
Tạo hệ sinh thái phù hợp cho các công ty khởi nghiệp địa phương
Các startup có thể đảm bảo duy trì kinh doanh liên tục thông qua các công cụ thúc đẩy kinh doanh và tiếp xúc với các cơ hội tài trợ ở giai đoạn khởi động ban đầu. Trong môi trường ngày nay, khi các nhà đầu tư e ngại rủi ro hơn, thì các công cụ thúc đẩy kinh doanh có thể hỗ trợ các startup và DN nhỏ và vừa xây dựng năng lực của họ thông qua hỗ trợ tài chính, trợ cấp và tiếp cận với các cố vấn trong ngành, giúp chuyển đổi các ý tưởng khả thi thành các DN bền vững.
Các nhà cố vấn kinh doanh trong ngành có thể cung cấp cho các doanh nhân hướng dẫn đúng đắn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh, hiểu rõ bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế và hình thành các mối quan hệ đối tác phù hợp, mang lại cho họ một góc nhìn mới để giải quyết các vấn đề sắp xảy ra.
Đại dịch đã và đang cho thấy sự đúng đắn của việc xây dựng các kỹ năng phù hợp và làm việc với những nhân sự tài năng là điều vô cùng quan trọng đối với các doanh nhân ngày nay. Xây dựng các chương trình phát triển tài năng nhằm truyền đạt các kỹ năng như học máy, mã hóa, tiếp thị kỹ thuật số, fintech là một cách khác để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đầy tham vọng xây dựng đội ngũ phù hợp và đạt được mục tiêu kinh doanh của họ.
Khuyến khích khởi nghiệp ở tất cả các cấp
Xem xét vai trò của các startup và doanh nhân đối với công nghệ và tăng trưởng kinh tế của đất nước, các chuyên gia cho rằng tư duy kinh doanh cần được nuôi dưỡng ở tất cả các cấp, cho dù startup bắt nguồn từ một chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm hay sinh viên mới tốt nghiệp xong đại học.
Ví dụ, tại dự án BizPod của Đại học Taylor ở Malaysia, các dự án sinh viên có tiềm năng trở thành startup khả thi. Với BizPod, văn hóa khởi nghiệp được đưa vào khuôn viên trường đại học và mang đến cho sinh viên sự khởi đầu thuận lợi trong hành trình khởi nghiệp của chính họ.
Để nuôi dưỡng ý tưởng của sinh viên, trường đại học đã phát triển một hệ sinh thái nơi sinh viên có thể học các kỹ năng thực tế, đạt được kiến thức kinh doanh và tiếp xúc với các nhà đầu tư mạo hiểm ở chính cấp độ đại học. Ví dụ, Taylor’s Me.reka Makerspace cho phép sinh viên thử nghiệm các kỹ năng thiết kế của họ và đổi mới bên ngoài lớp học. Trường đại học cũng có quan hệ đối tác với các nền tảng như FutureLabs, nơi sinh viên có thể tìm kiếm cơ hội cố vấn với các chuyên gia trong ngành. Tại BizPod, sinh viên có cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư mạo hiểm để mở rộng các ý tưởng kinh doanh của họ hơn nữa.
Trên thực tế, một số dự án sau đại học của Malaysia đã biến nhiều ý tưởng thành các DN thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ và tính bền vững, điều này càng làm nổi bật những lợi ích mà một hệ sinh thái phù hợp có thể có cho các doanh nhân địa phương.
Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn mạnh mẽ các nền kinh tế toàn cầu. Điều đó nói lên rằng, bên cạnh sự gián đoạn, đại dịch cũng đã mở ra những cánh cửa cho sự đổi mới, khai sinh ra những dự án kinh doanh mới. Khi chúng ta tiến vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch, những ý tưởng và đổi mới này sẽ tạo thành xương sống cho định hướng tăng trưởng của một quốc gia về công nghệ, tài năng và doanh thu./.