Đại dịch đã thay đổi cách các chính phủ xây dựng thành phố thông minh

Bảo Bình (Theo GCN)| 02/05/2021 09:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 trong năm qua đã thay đổi cách các thành phố xây dựng thành phố thông minh (TPTM), đặc biệt là trong tốc độ ứng dụng và đầu tư vào các công nghệ tiến bộ. Sự thay đổi đó có thể sẽ là vĩnh viễn, ngay cả khi đại dịch đã chấm dứt.

Đại dịch đã thay đổi cách các chính phủ xây dựng thành phố thông minh - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 trong năm qua đã thay đổi cách các thành phố xây dựng TPTM. Sự thay đổi đó có thể sẽ là vĩnh viễn, ngay cả khi đại dịch đã chấm dứt. Ảnh minh họa

Phát hiện trên là kết luận của một nghiên cứu mới về thành phố thông minh. “Giải pháp TPTM cho một thế giới rủi ro hơn” (Smart City Solutions for a Riskier World) là nghiên cứu của ESI ThoughtLab, một tổ chức tư duy đổi mới chuyên cung cấp các ý tưởng sáng tạo và phân tích dựa trên bằng chứng, nhằm hỗ trợ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ.

Nghiên cứu đã xem xét 167 thành phố trên toàn thế giới và nhận thấy 81% các nhà lãnh đạo thành phố được hỏi cho biết đại dịch COVID-19 và những hậu quả của nó đã mang lại những thay đổi trong tư duy, cách xây dựng, tiếp cận thành phố thông  minh. 

Những thay đổi xảy ra vào năm ngoái đã khiến 69% các nhà lãnh đạo nói rằng họ đang xem xét quy hoạch lại đô thị và hơn 2/3 cho biết các chương trình TPTM rất quan trọng đối với tương lai.

Thành phố 4.0

Cụ thể hơn, đại dịch đã thúc đẩy sự gia tăng của cái mà báo cáo gọi là Các thành phố 4.0, hay các thành phố đi đầu trong việc sử dụng công nghệ thông minh, dữ liệu và quan hệ đối tác để đạt được các mục tiêu xã hội, môi trường và các mục tiêu khác. 

Các nhà nghiên cứu đã phân tích chiến lược của các thành phố theo các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, với 5 lĩnh vực: con người, hành tinh, thịnh vượng, hòa bình và quan hệ đối tác.

“Các cuộc thảo luận của chúng tôi với các nhà lãnh đạo thành phố toàn cầu đã cho thấy rõ ràng đại dịch là chất xúc tác cho những thay đổi đáng kể về công nghệ, kinh doanh và xã hội. Những thay đổi đó sẽ tiếp tục ngay cả sau khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh kết thúc”, Giám đốc điều hành ESI ThoughtLab, Lou Celi cho biết. 

"Các thành phố thành công nhất là những thành phố chuyển đổi số hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm và hoàn toàn bền vững, cũng như có kỹ năng trong các cách kinh doanh mới", ông Lou Celi nhấn mạnh.

Gia tăng đầu tư và tốc độ áp dụng công nghệ mới 

Nghiên cứu của ESI cho thấy “mối tương quan tuyệt đối giữa ứng dụng công nghệ và các thành quả môi trường xã hội tốt hơn, kinh tế lợi nhuận hơn. Bất chấp khoảng cách kỹ thuật số, thực tế cho thấy rõ ràng nếu sử dụng công nghệ đúng cách, các chính phủ có thể thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững và đạt kết quả tốt hơn nhiều cho các thành phố”, Celi nói.

Công nghệ đám mây

Công nghệ đám mây là nền tảng để xây dựng các TPTM bền vững và 100% trong số 20 cộng đồng đạt được trạng thái thành phố 4.0 đã đầu tư vào công nghệ đám mây, so với mức 88% của tất cả các thành phố nói chung. 

Tuy nhiên, cách các thành phố khác nhau sử dụng công nghệ đám mây cũng rất khác nhau. Ví dụ, 90% các thành phố sử dụng đám mây công cộng có trụ sở tại quốc gia của họ; 82% đã đầu tư vào đám mây riêng. Báo cáo cho biết thêm, để đáp ứng các mục tiêu, nhiều thành phố đã sử dụng nhiều hơn một loại đám mây. Trong đó, 69% các thành phố nhanh chóng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khi sử dụng đa đám mây và 81% sử dụng các công nghệ đám mây lai.

Internet of Things

Tất cả các thành phố 4.0, bao gồm Baltimore, Birmingham, Boston, Los Angeles, New York, Orlando và Philadelphia ở Mỹ, cũng đã đầu tư vào internet vạn vật (IoT), trong khi đó ở nhóm các thành phố nói chung chỉ có 84% các thành phố đầu tư vào IoT. Những công nghệ đổi mới lớn khác mà những thành phố này đã khám phá là công nghệ di động, sinh trắc học và blockchain.

Quản lý dữ liệu

Các thành phố 4.0 cũng vượt trội trong quản lý dữ liệu, với 3/4 trong số đó có giám đốc điều hành cấp cao và khung văn bản hướng dẫn sử dụng công nghệ. Ngoài ra, 90% trích xuất giá trị từ dữ liệu và tích hợp, thu thập và phân tích dữ liệu, trong khi chỉ khoảng 50% các thành phố chưa đạt mục tiêu trở thành thành phố 4.0 làm như vậy.

“Một trong những thất bại lớn, lãnh đạo các thành phố nói với chúng tôi, trong thời kỳ đại dịch là họ không có quyền truy cập vào dữ liệu thời gian thực mà họ cần. Họ phải xem dữ liệu như một tài sản chiến lược”, Celi nói.

Digital twins - “liệu pháp” cuối cùng nhằm xây dựng TPTM

Một tài sản khác là digital twins (bản sao số), Celi nói, và gọi chúng là “liệu pháp cuối cùng để điều hành một thành phố và trở thành thành phố thông minh” vì chúng cung cấp cả một nền tảng để thu thập dữ liệu nhanh chóng, chạy mô phỏng và có cái nhìn tổng thể về cộng đồng. 

Digital twins sử dụng công nghệ thực tế ảo cũng như mô hình hóa dữ liệu và đồ họa 3D để xây dựng nên mô hình ảo của quy trình, hệ thống, dịch vụ, sản phẩm hoặc các đối tượng vật lý khác. Hay nói cách khác digital twins là một bản sao chính xác của thế giới vật lý.

Mặc dù đầu tư vào digital twins hiện đang ở mức thấp - chỉ 20% trong nhóm các thành phố 4.0 và 11% trong nhóm tất cả các thành phố còn lại, tuy nhiên, báo cáo dự đoán rằng việc triển khai các công nghệ digital twins sẽ tăng 282% trong 3 năm tới, nhiều hơn bất kỳ công nghệ nào khác.

“Động lực áp dụng digital twins gia tăng chính là một phần kết quả những gì mọi người học được từ đại dịch: nguy cơ có thể đột ngột ập đến theo những cách không mong muốn và tàn phá thành phố của bạn,” ông nói. 

“Digital twins rất quan trọng đối với việc quản lý rủi ro và khả năng phục hồi, vì vậy, tôi nghĩ rằng đại dịch đã thúc đẩy tốc độ ứng dụng digital twins. Thứ hai, từ những gì chúng tôi có thể nói, bản sao kỹ thuật số cho phép bạn có được những bức ảnh đầy đủ hơn về thành phố”.

Các khoản đầu tư lớn khác sẽ là in 3D với mức tăng 200%. Đầu tư vào kho dữ liệu và data lake sẽ tăng 149%. Data Lake là một hệ thống hoặc một kho để lưu trữ dữ liệu dưới dạng thô được lưu trữ và sử dụng khi cần thiết. Công nghệ thực tế nhân tạo và ảo sẽ đón nhận khoản đầu tư tăng 147% của các thành phố

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một khung trưởng thành của TPTM, đồng thời phân loại các TPTM dựa trên sự tiến bộ trong việc sử dụng công nghệ, dữ liệu trên các lĩnh vực đô thị và khả năng thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan. Báo cáo cho thấy 29% thành phố có thể được phân loại là mới ở bước bắt đầu trong khung trưởng thành, 49% là ở mức trung gian và 22% là các TPTM dẫn đầu.

Đại dịch đã thay đổi cách các chính phủ xây dựng thành phố thông minh - Ảnh 2.

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một khung trưởng thành của TPTM, trong đó có 29% thành phố có thể được phân loại là "bắt đầu ", 49% là ở mức "trung gian" và 22% là các thành phố thông minh "dẫn đầu".

Các thành phố 4.0 nổi bật vì đó vừa là người dẫn đầu vừa là người chạy nước rút các chỉ tiêu bền vững. Nghĩa là, những thành phố này đang đạt được các tiến bộ nhanh chóng về phát triển bền vững. Celi nói rằng mối quan hệ đó là một phát hiện quan trọng của báo cáo.

“Những gì chúng tôi tìm thấy trong nghiên cứu là những thành phố từng là TPTM… cũng là những thành phố đang đi trước rất xa trong các mục tiêu phát triển bền vững. Trong tương lai, những thành phố đi đầu  này thực sự sẽ trở thành thành phố 4.0”, ông nói.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đại dịch đã thay đổi cách các chính phủ xây dựng thành phố thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO