Đại học Y khoa Đài Loan tiên phong đào tạo an toàn thực phẩm với VR

TH| 02/03/2022 15:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Mới đây, Đại học Y khoa Đài Loan (TMU) đã hợp tác với một công ty công nghệ Đài Loan để cải thiện chất lượng đào tạo an toàn thực phẩm và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của đất nước.

Cụ thể, theo thỏa thuận hợp tác, TMU đã thành lập Trung tâm VR để hướng dẫn về an toàn thực phẩm. GS. Yue-Hwa Chen, Giám đốc Trung tâm an toàn thực phẩm của TMU, cho biết đây là sản phẩm đầu tiên thuộc loại hình này trong nước.

Mô phỏng thực tế ảo (VR) đã được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp khác nhau. Ban đầu VR được sử dụng cho mục đích mô phỏng chuyến bay, thiết kế công nghiệp ô tô và huấn luyện quân sự. Ngoài ra, VR còn được sử dụng rộng rãi trong quá trình học tập và phát triển của sinh viên. Hiện nay VR là một trong những công nghệ quan trọng và là nền tảng của vũ trụ ảo (metaverse).

Trong trường hợp của TMU, mô phỏng VR được sử dụng để tạo ra nội dung VR phù hợp với giáo trình học tập của trường. TMU đang sử dụng một nền tảng được thiết kế bởi một công ty khởi nghiệp đào tạo nhập vai có trụ sở tại Vương Quốc Anh. Với nền tảng này, các nhà giáo dục có thể thiết kế các mô phỏng VR của riêng mình để giúp công nhân nhà máy thực phẩm tiếp cận và thực hành trong môi trường đào tạo thực tế. Sinh viên và công nhân tham gia đào tạo về an toàn thực phẩm có thể truy cập các mô phỏng đào tạo VR bằng cách sử dụng các tai nghe VR mới nhất.

Những mô phỏng này cho phép sinh viên thực hành các kỹ năng trong thế giới thực và nắm bắt kiến thức về an toàn thực phẩm như xác định các mối nguy tiềm ẩn trong bếp hoặc nhà hàng và tuân theo các tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất đối với việc chế biến và nấu nướng thực phẩm.

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Công nghệ VR còn có thể thúc đẩy các kỹ năng mềm tạo ra môi trường hợp tác hơn. Điều này đã được nhấn mạnh bởi người sáng lập công ty khởi nghiệp đào tạo nhập vai có trụ sở tại Vương quốc Anh. Theo đó, quá trình phát triển các mô phỏng VR riêng sẽ không chỉ giúp sinh viên củng cố những kiến thức họ đã học mà còn giúp họ phát triển các kỹ năng mềm để tự tin, vững vàng khi làm việc sau này.

Bệnh tật liên quan tới thực phẩm ngày một gia tăng và ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Đây là một vấn đề cấp bách nhưng có thể phòng ngừa được. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có 600 triệu người bị bệnh sau khi sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm. Hơn 400.000 trường hợp tử vong hàng năm vì các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm.

Bằng cách sử dụng công nghệ VR, việc đào tạo về an toàn thực phẩm có thể được cải thiện lên một tiêu chuẩn cao hơn. Nó không chỉ thực tế mà còn hiệu quả hơn so với các phương pháp đào tạo truyền thống (ví dụ: đọc sách). Nhờ đó, nó giúp nâng cao khả năng học hỏi của sinh viên và kết hợp việc học với thực tiễn. Ngoài ra, công nghệ này còn có thể được sử dụng để đào tạo nhân viên thực phẩm về cách sử dụng các thiết bị nhà bếp mới ngay cả khi chưa từng chạm tay vào thiết bị đó.

Đào tạo về an toàn thực phẩm là rất quan trọng trong việc phòng chống các bệnh do thực phẩm mang lại cũng như những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khác ảnh hưởng đến cộng đồng. Xử lý và bảo quản thực phẩm không đúng cách, vệ sinh và chế biến thực phẩm không đảm bảo chỉ là một trong những vấn đề phổ biến mà khóa đào tạo về an toàn thực phẩm có thể giải quyết được./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đại học Y khoa Đài Loan tiên phong đào tạo an toàn thực phẩm với VR
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO