Trong những năm gần đây, vấn đề an toàn, an ninh mạng diễn biến rất phức tạp, khó dự báo, tác động tới hòa bình và ổn định của nhiều quốc gia. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT đã làm xuất hiện nhiều nguy cơ mới, đe dọa an ninh các quốc gia từ không gian mạng. Hoạt động tấn công, xâm nhập hệ thống mạng thông tin, đánh cắp hay làm thay đổi hoặc phá hoại các thông tin, dữ liệu trong hầu hết các lĩnh vực là mối lo ngại thường trực đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các cuộc tấn công mạng phát tán thông tin sai lệch mang màu sắc chính trị liên tục diễn ra đã tác động không nhỏ tới an ninh của nhiều quốc gia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo - Triển lãm quốc gia về An ninh bảo mật 2018 (Security World 2018), Trung tướng, Phó giáo sư -Tiến sỹ Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an, cho biết: “Không gian mạng đã và đang trở thành môi trường thuận lợi để các cá nhân, tổ chức khủng bố liên lạc, tuyển mộ lực lượng, gây quỹ, truyền bá tư tưởng chống đối cực đoan, kích động sự hận thù và bạo lực. Phòng, chống tấn công mạng, tội phạm mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng và ứng phó với những nguy cơ đến từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, được nhiều quốc gia xác định là mục tiêu cốt lõi trong bảo vệ, phát triển đất nước”.
Trung tướng, Phó giáo sư - Tiến sỹ Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an phát biểu khai mạc Hội thảo - Triển lãm Security World 2018
Trải qua 12 kỳ tổ chức liên tiếp tại Việt Nam kể từ năm 2007, Hội thảo - Triễn lãm quốc tế về an ninh bảo mật (Security World) đã trở thành diễn đàn quốc gia lớn và uy tín nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực an ninh thông tin. Hội thảo - triển lãm đã tạo diễn đàn để các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ, trao đổi thông tin, tìm kiếm các giải pháp công nghệ bảo đảm an ninh, phòng, chống các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, dựa trên nền tảng Internet của vận vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh.
Tiếp nối thành công từ những năm trước, năm 2018 Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG) tổ chức hội thảo triển lãm quốc gia về an ninh bảo mật với chủ đề: “Tăng cường bảo mật dữ liệu và an toàn, an ninh mạng trong thế giới kết nối”, dưới sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, Internet của Việt Nam, các chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức với sự bảo trợ, phối hợp của cả 5 đơn vị quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm về an ninh mạng là Cục An ninh mạng (Bộ Công an), Ban Cơ yếu chính phủ, Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng), Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Theo Trung tướng, Phó giáo sư - Tiến sỹ Hoàng Phước Thuận, trong năm 2017, Việt Nam đã phải đối diện với 3 vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin lớn mà trong đó, đáng chú ý là việc hàng loạt các cuộc tấn công mạng diễn ra với quy mô lớn, cường độ cao nhắm vào các lĩnh vực trọng yếu cũng như các công trình quan trọng của quốc gia. Đại đa số các cuộc tấn công này đều diễn ra thông qua hạ tầng truyền dẫn vật lý như trục truyền dẫn quốc tế, trục truyền dẫn nội bộ quốc gia và hạ tầng dịch vụ lõi. Hơn nữa, hầu hết các cuộc tấn công không còn diễn ra một cách tự phát, đơn lẻ mà đã trở thành những chiến dịch, có hệ thống, quy mô lớn.
Trong khi đó, theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Hải – Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong những năm vừa qua, lĩnh vực CNTT Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. CNTT đã được ứng dụng rộng rãi trong toàn xã hội, từ cá nhân, hộ gia đình, các doanh nghiệp tới các cơ quan nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT trong các hệ thống quan trọng như viễn thông, điện lực, tài chính, ngân hàng, các hệ thống điều khiển tự động trong các nhà máy… đã trở nên rất quan trọng và cần thiết. Sự ra đời và phát triển của Internet, Internet vạn vật đã thúc đẩy quá trình kết nối giữa các hệ thống thông tin trong một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau nhanh chóng và toàn diện hơn. Điều này đã khiến thế giới chúng ta đang sống hiện nay thành một thế giới kết nối, điều này mang lại rất nhiều lợi ích to lớn. Tuy nhiên, chính sự kết nối này tạo những nguy cơ rủi ro, gây mất an toàn thông tin, nguy hiểm hơn khi các rủi ro này xảy ra đối với các hệ thống nói trên.
“Thời gian qua đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công gây mất an toàn thông tin trên không gian mạng. Các cuộc tấn công mạng ngày càng dai dẳng, đa dạng, thường xuyên và nguy hiểm hơn. Trong đó, các mục tiêu tấn công đang dần chuyển dịch từ các mục tiêu cá nhân sang các tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt là các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia”, ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Chương trình hội thảo gồm một phiên báo cáo chính và hai chuyên đề với sự tham gia trình bày, đối thoại của hơn 20 chuyên gia, lãnh đạo từ các cơ quan chính phủ và các tổ chức doanh nghiệp trong nước và quốc tế (Mỹ, Liên bang Nga, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) trong lĩnh vực an ninh bảo mật thông tin. Trong đó, phiên báo cáo chính đề cập đến hiện trạng và xu hướng an ninh, an toàn thông tin đang diễn ra hiện nay cũng như đưa ra các cảnh báo, đề xuất các hướng đi cùng những công nghệ/giải pháp an ninh cho các tổ chức và doanh nghiệp. Ngoài ra trong Hội thảo còn có 2 chuyên đề tập trung vào vấn đề an toàn, an ninh mạng cho khối chính phủ: Xu hướng và giải pháp và vấn đề thông tin doanh nghiệp - bảo mật dữ liệu.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền tảng chính phủ điện tử và việc các hệ thống trọng yêu quốc gia đang phải đối diện với nguy cơ tấn công mạng như hiện nay thì việc cập nhật các giải pháp tiên tiến, từ công nghệ, dịch vụ đến con người, quy trình nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin là vô cùng quan trọng. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, năm 2017 có các điểm sáng đáng ghi nhận là mức độ quan tâm đến an toàn, an ninh thông tin của các tổ chức, các doanh nghiệp, từ chính phủ đến người dân đều đã được nâng cao. Thứ hai là hệ thống hành lang pháp lý cho việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đã tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, tình hình an ninh bảo mật đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, do đó để có thể phát triển vững mạnh thì các tổ chức và doanh nghiệp cần phải xây dựng được một hệ thống CNTT an toàn hiệu quả, tích hợp các giải pháp công nghệ có khả năng ứng phó linh hoạt được với các hiểm họa an ninh mạng mới hiện nay.