Theo Báo cáo số 1387 ngày 2/5/2019 của BHXH Việt Nam gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến tháng 12/2018, cả nước có 23.784 DN phá sản, giải thể, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn; DN mất tích; DN chờ phá sản, giải thể không còn khả năng giao dịch. Những DN này còn nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền trên 2.902,1 tỉ đồng và có 76.253 lao động bị ảnh hưởng.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH
Trong khi đó, chia sẻ những khó khăn trong công tác thực hiện chính sách BHXH, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết: Hiện nay cả nước có 610.000 DN hoạt động, nhưng mới đang quản lý thu BHXH được 327.000 DN. Như vậy, còn tới 283.000 DN đang hoạt động nhưng chưa thu được BHXH. Cùng với đó, số người hưởng BHXH một lần gia tăng, việc giải quyết chế độ cho người lao động trong các DN phá sản, mất tích, chủ DN là người nước ngoài bỏ trốn gặp nhiều khó khăn.
Để tìm giải pháp cho vấn đề này, được biết, giữa năm 2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã từng phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiến hành một cuộc Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “Phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động tại các DN phá sản, có chủ bỏ trốn”.
Tại đây, về vấn đề quản lý nhà nước đối với DN, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, đây là trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành. Mặc dù đã có 62 tỉnh, thành phố ký quy chế phối hợp quản lý DN sau khi đăng ký thành lập, nhưng chủ yếu mang tính hình thức, chưa thực chất, công tác phối hợp chưa tốt nên hiệu quả chưa cao, ý thức tuân thủ của DN tại Việt Nam còn kém. Tỷ lệ DN bỏ trốn, mất tích chiếm 50% trong DN ngừng hoạt động tại Việt Nam.
Qua đó có thể thấy, tình trạng DN phá sản, giải thể, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn thực sự là vấn đề cần được quan tâm xử lý quyết liệt, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho những người lao động bị ảnh hưởng.
Nhằm giải quyết một phần khó khăn, đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật BHXH năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung tăng tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH. Đồng thời, thực hiện quy định tại khoản 7 Điều 10 Luật BHXH về việc trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp.
Trong đó, có quy định cho phép các DN đang gặp khó khăn còn chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp được đóng riêng cho từng lao động để kịp thời giải quyết các chế độ BHXH hoặc ghi nhận quá trình đóng BHXH cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tiếp tục tham gia BHXH ở các đơn vị mới. Đồng thời, tăng tính tuân thủ trong thời gian tham gia BHXH bắt buộc, yêu cầu DN tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động…
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại các DN đòi hỏi trách nhiệm quyết liệt từ phíacác cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, có thể thấy, thực trạng chủ DN bỏ trốn hiện nay thường xuyên xảy ra có nguyên nhân chính là do vẫn còn khoảng trống về mặt pháp lý. Cụ thể, đó là trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các chủ đầu tư.
Do đó, để xử lý quyết liệt tình trạng này, đòi hỏi ngành BHXH cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, DN cố tình trốn đóng, nợ BHXH theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT), Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH của Thủ tướng Chính phủ... qua đó đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.