Đảm bảo vệ sinh môi trường vùng DTTS và miền núi

Đỗ Thêu| 07/11/2019 09:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang ở mức báo động. Do đó, trong nỗ lực cải thiện vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức của cộng đồng giữ gìn vệ sinh công cộng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, công tác tuyên truyền luôn là một giải pháp quan trọng hàng đầu.

Công tác tuyên truyền là giải pháp quan trọng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đồng bào dân tộc thiểu số trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Ảnh Minh Thu

Thực tế cho thấy, tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn. Cùng với đó, nhiều nơi còn tồn tại phong tục, tập quán, thói quen lạc hậu làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sống.

Đơn cử như tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông; phong tục, tập quán nuôi nhốt gia súc gần nhà ở và dưới gầm nhà sàn; tình trạng hố xí tạm bợ, thậm chí phóng uế bừa bãi ra môi trường vẫn còn xảy ra… là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường sống, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.

Trong khi đó, nhận thức và ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế nên việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, ngày 13/11/2018, Bộ Y tế đã có Quyết định số 6847/QĐ-BYT phê duyệt Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, với sự vào cuộc quyết liệt của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), các địa phương trên cả nước đã ban hành, triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Bộ, ban ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm phòng chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ghi nhận tại tỉnh Yên Bái cho thấy, công tác truyền thông đã góp phần quan trọng giúp thay đổi nhận thức, hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hiện nay, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh lên trên 67%, tỷ lệ trạm y tế có nhà tiêu và giếng nước hợp vệ sinh đạt trên 94%, đồng bào DTTS cơ bản đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống.

Ông Hoàng Văn Thanh, thôn Công Nghiệp, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Vừa qua, tôi được chính quyền tuyên truyền, vận động và hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng thời, được tham gia các lớp tập huấn về sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, tôi thấy rất thiết thực, hữu ích.

Sau các buổi tập huấn kiến thức vệ sinh và nước sạch, về nhà, tôi đã truyền đạt lại cho người thân trong gia đình. Hiện nay, các thành viên trong gia đình tôi đã không còn hứng nước mưa để ăn và đều có thói quen rửa tay bằng xà phòng ở các thời điểm quan trọng như sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn - ông Thanh cho biết.

Tương tự, tại tỉnh Hòa Bình, trước đây, nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn rất hạn chế. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên đến nay, ý thức và hành vi của người dân đã thay đổi tích cực.

Chị Hà Thị Kiều ở xóm Cha, xã Tòng Đậu, Mai Châu phấn khởi cho biết: Trước đây do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình tôi cũng như người dân trong xóm không mấy quan tâm tới việc giữ gìn giữ vệ sinh môi trường sống. Tuy nhiên, từ khi được cán bộ, chính quyền tuyên truyền, vận động, chúng tôi hiểu được việc giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường ngăn ngừa nguy cơ phát tán bệnh dịch, ảnh hưởng tới sức khỏe nên bà con đều tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Đến nay, hầu hết các hộ dân đều cố gắng xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom rác thải vào nơi cố định, không xả rác bừa bãi ra môi trường…

Qua đó có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, vận động chính là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Do đó, thời gian tới, ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp cần tích cực quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa giải pháp này để đảm bảo việc giữ gìn vệ sinh môi trường được bền vững.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo vệ sinh môi trường vùng DTTS và miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO