Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí gắn với chuyển đổi số báo chí
Nhiều ý kiến nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí và chuyên gia tại Tọa đàm “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay” đề cập đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí gắn với chuyển đổi số bằng hình thức, nội dung và kỹ năng phù hợp cho hội viên nhà báo.
Hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo trong cả nước được bồi dưỡng
Theo báo cáo của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), từ năm 2020 đến hết năm 2022, Trung tâm đã tổ chức được 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo trong cả nước. Trong đó có 254 lớp học theo ngân sách nhà nước (chiếm 76%); 54 lớp học theo yêu cầu của các Hội địa phương, các cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương (chiếm 16%); và 25 lớp học do tổ chức nước ngoài tài trợ (chiếm 8%).
Nội dung bồi dưỡng các khóa học do Trung tâm tổ chức vẫn chủ yếu tập trung vào 3 mảng chính: Kỹ năng cho các loại hình báo chí (228 lớp học); Chuyên đề, chuyên sâu (101 lớp học) và 04 hội thảo, tọa đàm (cả trực tuyến và trực tiếp).
Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, một số điểm mới về công tác bồi dưỡng trong các năm vừa qua là tổ chức các lớp học mới để bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới như chuyển đổi số, sản xuất long-form (bài chuyên đề) cho báo mạng, sản xuất Podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, làm báo bằng facebook, ngăn chặn tin giả, … Bên cạnh đó, chú trọng vào việc bồi dưỡng kỹ năng cho các nhà báo về mảng khoa học, truyền thông về giới, xây dựng Đảng, tiếp cận và khai thác thông tin trong thời đại kỹ thuật số…
Cùng với các lớp về kỹ năng, nội dung về chính trị, đạo đức người làm báo cũng được lồng ghép trong các bài giảng nhằm giúp cho các nhà báo luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp. Thêm nữa, việc xây dựng thư viện bài giảng online do chính các giảng viên của Trung tâm thực hiện để chuyển tải lên trang website của Trung tâm; tập trung thiết kế các chương trình bài giảng ở các loại hình báo chí theo quy chuẩn và chuyên nghiệp; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo về các vấn đề liên quan đến công tác đào tạo bồi dưỡng và tác nghiệp trong báo chí trong bối cảnh hiện nay…
Đào tạo, bồi dưỡng phải theo kịp, đi trước mới phát huy hiệu quả
Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến chuyên gia, lãnh đạo cơ quan báo chí đã đề cập đến 3 nhóm vấn đề chính.
Thứ nhất, đánh giá, nhận xét về các khóa bồi dưỡng của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) trong thời gian qua, những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
Thứ hai, đề xuất những kỹ năng cần thiết hiện tại mà các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay.
Thứ ba, đề xuất hình thức và phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng như thế nào cho hợp lý đối với các cấp Hội địa phương, các cơ quan báo chí.
Theo ý kiến của lãnh đạo Hội Nhà báo Quảng Trị, thời gian qua, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã tổ chức được nhiều khóa học phù hợp với các Hội, Chi hội Nhà báo, nhất là tại các địa phương. Qua những khóa học có các giảng viên gạo cội trong làng báo; các chuyên gia truyền đạt, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế nhiều lứa học viên đã thu nạp được kiến thức phục vụ tốt cho hoạt động nghề nghiệp như các kỹ năng về báo chí hội tụ, cách tổ chức sản xuất, tiếp cận thông tin,… Từ đó, góp phần nâng cao trình độ của đội ngũ người làm báo.
Đề xuất về hình thức và phương thức cũng như kỹ năng cho hội viên nhà báo trong giai đoạn hiện nay, đại diện Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cho rằng cần có những lớp, khóa học thời gian phù hợp để phóng viên, biên tập viên, người làm báo có khả năng phục vụ công cuộc chuyển đổi số báo chí.
Đồng tình với ý kiến này, một số ý kiến cũng cho rằng, khối lượng công việc công tác tuyên truyền ở địa phương là rất lớn và rất bức thiết, nhất là trong hoạt đông tuyên truyền gắn với phát triển kinh tế xã hội ở địa phương trong bối cảnh mỗi địa phương cơ bản chỉ có vài cơ quan báo chí chủ lực. Do đó, chuyển đổi số báo chí là vấn đề vô cùng quan trọng để thực hiện công tác tuyên truyền. Muốn vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng để có thể chuyển đổi số được phải đi trước một bước.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất hiện nay đã có cơ chế đặt hàng tuyên truyền với các cơ quan báo chí. Do vậy, các cơ quan báo chí cũng nên tính tới phương án đặt hàng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng. Nhất là lưu ý tới những khóa đào tạo gắn với chuyển đổi số báo chí; công tác đào tạo tại chỗ để phù hợp với hướng đi của từng tòa soạn; cũng như công tác bồi dưỡng phù hợp với từng quy mô tòa soạn, từng ngành hẹp (hay còn gọi là thị trường ngách) gắn với tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí…
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đặt vấn đề, trong bối cảnh quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc theo quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cũng cần phải thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
“Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Đồng thời, phải đa dạng hơn nữa với nhiều chủ đề khác nhau...”, ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Một số phương hướng quan trọng hàng đầu của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong thời gian tới:
Một là tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên trên tất cả các lĩnh vực; Tăng cường chất lượng và hiệu quả các khóa học (dù trực tiếp hay trực tuyến), đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo và các cán bộ quản lý của các cơ quan báo chí.
Hai là, tiếp tục khai thác, mở rộng hợp tác quốc tế.
Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo.
Bốn là đẩy mạnh tổ chức các khóa bồi dưỡng về kỹ năng truyền thông có thu phí…