Thực trạng
Theo Báo cáo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" do AlphaBeta phát hành, Việt Nam có nhiều thuận lợi để chuyển sang nền kinh tế số, với 70% dân số dưới 35 tuổi am hiểu về công nghệ, 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, và có nền kinh tế internet tăng trưởng nhanh thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Nếu tận dụng được tối đa tiềm năng, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,7 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) vào năm 2030, tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020.
Tuy nhiên từ tiềm năng đến thực tế đang có trở ngại rõ ràng là hiện nay lao động Việt Nam xếp hạng thấp trong khu vực về kỹ năng số. Báo cáo năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới 2019 cho thấy Việt Nam xếp hạng cuối trong khu vực về kỹ năng số hiện có của lực lượng lao động (Việt Nam xếp hạng 97 so với 66 của Thái Lan, 11 của Malaysia và 5 của Singapore).
Việt Nam cần tập trung 3 ưu tiên để khai thác chuyển đổi số: Nâng cấp kỹ năng số cho người lao động; Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin.
Việt Nam có nguy cơ trở thành một thị trường tiêu thụ số, bị biến thành thị trường tiêu thụ 100 triệu dân trên không gian số, chứ không phải trung tâm sản xuất hay dẫn đầu công nghệ. Và như vậy, dù dẫn đầu về tiêu thụ sốViệt Nam vẫn bị tụt hậu ở mảng sản xuất và sáng tạo. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về số lượng lao động có tay nghề cao trong quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, nền kinh tế Việt Nam có thể mất tới 2 triệu việc làm vào năm 2045.
Trong trường hợp đó, chuyển đổi số có khả năng dẫn đến việc công nghệ thay thế con người, làm giảm lợi ích chung của nền kinh tế và tạo ra sự bất bình đẳng lớn, từ đó có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội. Điều đó đồng nghĩa Việt Nam sẽ bị mắc kẹt trong cái bẫy chuyển đổi số, vì lực lượng lao động không có kỹ năng tương ứng với nhu cầu.
Thử thách và cơ hội
Ngay cả những nước xếp hạng cao về kỹ năng số như Singapore cũng đang đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực có kỹ năng số. Sự thiếu hụt tài năng công nghệ được đánh giá là một trong những trở ngại lớn để hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm công nghệ khu vực của Singapore. Để bù đắp sự thiếu hụt này, các quốc gia như Mỹ, Nhật, Singapo... và một số nước ở châu Âu đang nhắm tới thu hút những tài năng ở nước ngoài với những chuyển biến rõ rệt trong chính sách nhập cư và thu hút lao động có kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ.
Để tận dụng được cơ hội cần cách làm khác với con đường đào tạo nhân lực. Không thể chỉ dựa vào những cơ sở đào tạo truyền thống như trường đại học, cao đẳng để bù đắp những thiếu hụt về công nghệ, mà cần mở ra cơ chế để doanh nghiệp được tham gia lĩnh vực đào tạo nhân lực một cách chủ động hơn, mở rộng phạm vi người có thể tiếp cận các khóa đào tạo này hơn.
Bài toán đào tạo nhân lực đã không còn của riêng Bộ Giáo dục. Nước Anh đã nhận thức điều này, nên tách một số hoạt động đào tạo ở cấp sau trung học ra khỏi Bộ Giáo dục, chuyển về chung với Bộ Kinh doanh, sáng tạo và kỹ năng. Gắn đào tạo với sáng tạo và kinh doanh thay vì môi trường giáo dục thuần túy, là cách tiếp cận có phần thực dụng, nhưng là cần thiết.
Một thí dụ khác, Microsoft đang có sáng kiến giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực an ninh mạng, bằng cách hợp tác với các trường cao đẳng cộng đồng của Mỹ, cung cấp tài liệu và nguồn lực miễn phí giúp giảm tình trạng thiếu nhân lực trong ngành này. Họ hy vọng sáng kiến này sẽ giúp đào tạo thêm 250.000 chuyên gia an ninh mạng ở Mỹ vào năm 2025; Những người trẻ đến từ những gia đình nghèo và không có điều kiện cũng có thể trở thành một bộ phận của lực lượng lao động chất lượng cao đang thiếu hụt, không chỉ những trẻ em may mắn hơn đến từ gia đình có điều kiện cho con học các trường đại học chất lượng.
Việt Nam đã từng lặp đi lặp lại câu chuyện kết nối doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề. Thế nhưng giữa lời hứa hẹn và thực tiễn vẫn còn những khoảng cách đáng kể. Việc xếp hạng kỹ năng số hiện có của lực lượng lao động năm 2019 là lời cảnh báo sẽ còn nhiều điều phải làm. Vì vậy, nếu muốn thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, bài toán đào tạo lại nguồn nhân lực là thách thức lớn của Việt Nam trong các năm tiếp theo.