Đâu là yếu tố giữ chân và thu hút nhân sự ngành chuyển phát?

Hoàng Linh| 11/01/2022 17:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Làn sóng dịch COVID-19 thứ tư với diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều sự xáo trộn cho thị trường lao động.

Tiềm ẩn nguy cơ gây xáo trộn thị trường lao động

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến hết quý 3/2021, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý 3 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch" do Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức trung tuần tháng 11/2021, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết từ đầu năm 2021, COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động.

Trong quý 3/2021, người lao động bị tác động nhiều nhất với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm. Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng rất nặng nề với 4,59% lao động vùng Đông Nam Bộ có và 44,7% lao động vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc.

Nguồn cung lao động bị suy giảm. Trong quý 3/2021, lực lượng lao động có 49,1 triệu lượt người, giảm 22 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2020. Lao động làm việc là 47,2 triệu người, giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, năm 2021, số lượng lao động giảm việc làm rất trầm trọng.

Về cơ cấu việc làm và chuyển dịch bị đảo chiều. Trước kia thông thường lĩnh vực nông lâm thủy sản giảm, lĩnh vực dịch vụ công nghiệp tăng nhưng trong đợt này lại đảo chiều. Số lao động trong nông lâm thủy sản 14,5 triệu người tăng lên 479.000 người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 960.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động ngành việc làm trong ngành dịch vụ là 17,1 triệu người, giảm 2-3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, lĩnh vực dịch vụ giảm rất lớn.

Còn theo báo cáo mới đây "Thị trường lao động trong làn sóng COVID-19 thứ 4 - năm 2021: Thực trạng và hướng đi" do Vietnamworks công bố, 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đáng chú ý, có tới 51,4% người lao động cho biết sẽ chuyển việc sau khi đại dịch kết thúc. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây xáo trộn cho thị trường lao động nói chung và ngành chuyển phát nói riêng, đồng thời đặt các doanh nghiệp trước bài toán nhân sự đầy thách thức không dễ tìm lời giải.

Kịp thời động viên, khen thưởng đội ngũ

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một số ý kiến của nhân viên giao hàng cho biết, việc đảm bảo an toàn sức khỏe là yếu tố họ quan tâm nhất trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời cũng mong muốn được hỗ trợ tài chính sẽ giúp họ ổn định và gắn bó với công việc.

Là đơn vị chuyển phát chủ lực trong lúc căng thẳng nhất đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, để động viên kịp thời đội ngũ nhân viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) Chu Quang Hào đã kịp thời vào tâm dịch TP. HCM gặp và động viên những "chiến binh" của BĐVN, trong đó có nhiều lao động, lái xe, hộ tống viên đang bị F0 đang bị cách ly tại chỗ.

Tổng giám đốc Chu Quang Hào đã bày tỏ: "Tôi rất tự hào về những chiến binh Bưu điện. Giữa lúc mọi người ở nhà giữ an toàn, họ với trách nhiệm, sứ mệnh thiêng liêng là kết nối bằng trách nhiệm dịch vụ, đã lao ra đường mang đi những công văn hỏa tốc, những chỉ đạo của các cơ quan Đảng, chính phủ, bộ ngành và cả hàng trăm tấn hàng hóa thiết yếu để người dân an tâm chống dịch. Tôi tự hào về các bạn những người Bưu điện trong kỷ nguyên số hôm nay và tự hào là một phần của mọi người".

Đâu là yếu tố giữ chân và thu hút nhân sự ngành chuyển phát? - Ảnh 1.

Tổng giám đốc BĐVN Chu Quang Hào đã kịp thời vào tâm dịch TP. HCM gặp và động viên những "chiến binh" của BĐVN

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm vận chuyển và kho vận miền Nam Nguyễn Hữu Vận, Giám đốc Trung tâm khai thác và vận chuyển TP. HCM Nguyễn Thị Liễu chia sẻ đơn vị đã hỗ trợ hết sức cho đội ngũ nhân viên khi thực hiện làm việc 3 tại chỗ, đáp ứng 3 bữa ăn trong thời gian hơn 100 ngày. Nhiều anh em ở các tỉnh về TP. HCM làm việc thuê nhà và bị nhiễm COVID, đơn vị đã tận dụng không gian của đơn vị để hỗ trợ anh em, kịp thời đưa đi bệnh viện. Khối văn phòng của đơn vị đã chung tay lưu thoát hàng hoá, lo công việc hành chính, test nhanh 3 ngày 1 lần cho toàn bộ nhân viên cơ quan, lo tiền bệnh viện cho anh em chữa trị, nơi ở cho anh em đi cách ly, lo báo cáo chính quyền địa phương. Nhiều anh em văn phòng đã phải tranh thủ ngủ nhanh ngay bên bàn làm việc.

Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi cán bộ công nhân và người lao động, BĐVN đã trải qua một năm 2021 với nhiều kết quả đáng tự hào, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng bưu tá.

Thông qua đội ngũ bưu tá, hàng triệu bưu gửi - hàng triệu niềm tin đã đến với khách hàng trên khắp mọi miền tổ quốc. Ngay cả trong điều kiện nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội trong đại dịch, thì sắc áo vàng của hàng nghìn bưu tá BĐVN vẫn có mặt tại từng góc phố, con đường để duy trì vững vàng nhịp chuyển phát, lưu thông hàng hóa, thư tín trên mọi miền đất nước.

Ghi nhận sự nỗ lực không mệt mỏi, kịp thời động viên đội ngũ bưu tá, những người không ngại khó khăn, vất vả, luôn miệt mài cống hiến với nhiệm vụ chuyển phát thư từ, sách báo, hàng hóa, làm cầu nối thông tin liên lạc trên khắp các nẻo đường, Tổng công ty BĐVN đã ban hành quyết định khen thưởng cho 132 bưu tá thuộc 63 bưu điện tỉnh, thành phố đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021. Giải thưởng bao gồm 23 xe máy Honda Air Blade, 65 xe máy Honda Future, 26 xe máy Honda Wave và 180.000.000 đồng. Tùy theo tình hình dịch bệnh tại các địa phương, bưu điện tỉnh, thành phố sẽ tổ chức chương trình trao thưởng thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế.

Hỗ trợ hậu phương vững chắc để cán bộ yên tâm công tác

Chia sẻ tại Hội nghị bưu chính của Bộ TT&TT đầu tháng 11/2021, bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giao hàng Tiết kiệm (GHTK) cho biết trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh GHTK tập trung vào nhân sự bởi con người là quan trọng nhất.

Theo đó, GHTK đã tập trung đảm bảo môi trường làm việc an toàn để người lao động có thể yên tâm làm việc. Từ tháng 6/2021, GHTK đã tập trung tiêm phòng cho nhân viên. Ngoài tiêm phòng, công ty đã tự chủ việc test COVID nhanh liên tục, một công tác quan trọng đảm bảo an toàn trong mùa COVID vừa rồi.

GHTK cũng đã ra nhiều chính sách đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ nhân viên, theo đó, nhân viên yên tâm công tác thì năng suất, chất lượng công việc tăng lên. Công ty cũng thực hiện hỗ trợ máy tính thiết bị máy tính cho chính con em cán bộ của công ty gặp khó khăn, tiền học phí.

Bà Minh nhấn mạnh phải làm cho hậu phương của nhân viên vững chắc thì nhân viên mới làm việc tận tâm.

Hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe tổng thể

Với diễn biến dịch bệnh khó lường ảnh hưởng ít nhiều tới nguồn nhân lực đặc biệt đối với ngành giao nhận và chuyển phát hàng hóa, bà Kiều Thị Tiên Dung, Giám đốc nhân sự Công ty chuyển phát nhanh J&T Express chia sẻ đơn vị này đã thực hiện các chính sách nhân sự đa dạng và duy trì tỉ lệ biến động nhân sự nhỏ hơn hai con số trong thời điểm khó khăn. Đây được đánh giá là con số mà các DN đều mong muốn đạt được nhằm ổn định số lượng nhân viên, phát triển công ty một cách bền vững.

Trước đó, ngay từ đầu đợt dịch thứ 4, J&T Express đã nhanh chóng đưa ra kế hoạch hành động với mục tiêu kép: "Đảm bảo an toàn, giữ vững an tâm" cho người lao động. J&T Express đã nhanh chóng triển khai việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho đội ngũ hơn 25.000 người tại hơn 1.000 bưu cục khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Toàn bộ nhân viên của J&T Express đều được đo thân nhiệt đều đặn 2 lần/ngày để kịp thời phát hiện các ca lây nhiễm nếu có.

Đâu là yếu tố giữ chân và thu hút nhân sự ngành chuyển phát? - Ảnh 2.

Việc thành lập Tổ phòng chống COVID-19 nội bộ hướng dẫn các nhân viên chi tiết từ những thủ tục nhỏ nhất như quét mã QR khai báo y tế mỗi ngày cho đến các biện pháp chăm sóc sức khỏe tổng thể trong trường hợp bị cách ly cũng đã được đơn vị này triển khai rộng khắp trên toàn bộ hệ thống văn phòng và bưu cục cả nước. 100% nhân viên nghiêm túc thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K như thực hiện giao hàng không tiếp xúc, đeo khẩu trang và bao tay y tế trong quá trình khai thác, đóng gói hàng hóa.

Việc giao hàng không tiếp xúc và các biện pháp giúp khách hàng yên tâm sử dụng dịch vụ cũng được J&T tích cực triển khai. Hệ thống Track and Trace, ứng dụng giao hàng của J&T Express không chỉ giúp shipper và khách hàng theo dõi hành trình vận chuyển đơn hàng, mà còn là công cụ hiệu quả giúp truy vết hành trình một cách nhanh chóng trong trường hợp cần cung cấp thông tin chính xác tới cơ quan chức năng. "Tem bưu kiện an tâm" dán trên mỗi kiện hàng có ghi số đo thân nhiệt của shipper, hay việc shipper J&T đeo huy hiệu xác nhận "tôi đã tiêm Vaccine COVID-19" cũng giúp nêu cao trách nhiệm và ý thức phòng, chống dịch của nhân viên, đồng thời giúp khách hàng có thể yên tâm hơn khi giao, nhận hàng.

Thu nhập bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 là yếu tố thứ hai khiến nhiều người lao động bất an. Hiểu rõ điều này, J&T Express đã nhanh chóng thành lập "Quỹ hỗ trợ J&T Care" với tổng số tiền lên tới 5 tỷ đồng, để kịp thời hỗ trợ các trường hợp người lao động và gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tùy theo các trường hợp cụ thể, Quỹ sẽ hỗ trợ từ 2.000.000 - 5.000.000 đồng/người.

Những nỗ lực kể trên của J&T không chỉ giúp đảm bảo yếu tố an toàn sức khỏe để duy trì việc vận chuyển trong mùa dịch, mà còn giúp đội ngũ nhân sự thêm gắn bó với công ty lâu dài hơn. Tin rằng, khi yếu tố con người được đảm bảo, J&T Express sẽ có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong trạng thái bình thường mới, và vững vàng trong tương lai trước nhiều biến cố khó dự đoán./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đâu là yếu tố giữ chân và thu hút nhân sự ngành chuyển phát?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO