Diễn đàn

Đầu tư vào công nghệ số là đầu tư vì tương lai của báo chí

Ngọc Mai 15/03/2024 22:02

Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, yếu tố sản xuất mới và động lực mới. Đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo (ĐMST) số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.

Đó là nội dung đáng chú ý trong bài phát biểu tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS).

Công nghệ số tạo sự thay đổi căn bản của lĩnh vực báo chí

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Thắng hay bại là ở đây. Bây giờ không chỉ là lên không gian mạng mà còn là giành lại không gian mạng, tạo ra dòng chủ lưu trên không gian mạng. Nguồn thu chính của báo chí rồi cũng sẽ đến từ không gian mạng.

ong-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.

Công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Báo chí phải làm những việc mới. Đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là “Ai, cái gì, khi nào và ở đâu”, tức là rộng hơn việc đưa tin. Độc giả mong muốn biết những gì ở phía sau quá nhiều những tin tức kia. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước”, Bộ trưởng lưu ý.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đổi mới không phải là một việc quá khó. Đổi mới là đi tìm một cách làm dễ hơn cho một việc khó hơn. Cách làm mới đó thường xuất hiện từ một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác.

Ở thời đầu của một cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) mới thì cách làm mới thường là làm ngược lại. Hãy sử dụng công nghệ số để làm ngược lại. Thay vì viết thì hãy làm nền tảng để mọi người viết. Thay vì để mọi người đọc trên trang web của mình thì hãy để họ đọc trên các nền tảng khác nhau. Thay vì cung cấp thông tin thì hãy cung cấp tri thức. Thay vì tự làm thì hãy hợp tác. Thay vì để phóng viên phải xử lý rất nhiều thông tin thì hãy để họ xử lý những thứ mà rất ít thông tin và để cho AI xử lý rất nhiều thông tin. Thay vì tránh tai nạn thì hãy kiểm soát tai nạn”, Bộ trưởng khuyến nghị.

Cũng theo người đứng đầu Bộ TT&TT, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là ĐMST số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và ĐMST số là đầu tư vì tương lai của báo chí.

Công nghệ số, nhất là AI (trí tuệ nhân tạo), mạnh hơn năng lượng hạt nhân, thì những vấn đề, những thách thức, những rủi ro mà nó mang đến cho chúng ta cũng sẽ lớn hơn hạt nhân. Đó là quy luật. "Không có bữa trưa nào miễn phí cả".

Nhưng rồi con người luôn học được cách để sử dụng công nghệ mới một cách khôn ngoan, giảm thiểu các rủi ro và gia tăng giá trị. Ba cuộc CMCN trước đây đã là như vậy. Cuộc CMCN lần thứ tư này, mà trung tâm của nó là công nghệ số, và trung tâm của công nghệ số là AI, chắc cũng sẽ như vậy. Giải quyết những vấn đề của công nghệ mới thì phải bằng thể chế mới và bằng chính công nghệ mới đó. Và chúng ta hy vọng cái giá phải trả sẽ ít hơn.

Những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí, như một số người nghĩ như vậy, mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần phải đổi mới. Không thay đổi thì sẽ bị thay thế. Công nghệ số, Internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

“Muốn đi xa thì phải về gần. Báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về và giữ vững những giá trị cốt lõi và sứ mệnh ban đầu của báo chí cách mạng. Giữ cái bất biến này để ứng vạn biến. Cái vạn biến này chính là cách mà chúng ta làm báo. Không gian sáng tạo vô hạn của chúng ta là ở đây. Công cụ để thực hiện sự sáng tạo vô hạn đó chủ yếu là công nghệ số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

AI - Thách thức và cơ hội với báo chí

Cũng tại phiên khai mạc Diễn đàn Báo chí toàn quốc, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đã có bài tham luận bàn về thách thức và cơ hội với báo chí.

ong-le-quoc-minh.jpg
Ông Lê Quốc Minh: Báo chí cần tìm ra thị trường ngách và mô hình kinh doanh hiệu quả.

Ông Lê Quốc Minh cho biết, một trong những thách thức, đồng thời cũng là cơ hội rất lớn cho báo chí chính là AI. Trong năm 2023, số lượng website tin tức AI đã tăng 12 lần, với hơn 620 trang “tin tức” cung cấp số lượng bài viết chủ yếu hoặc hoàn toàn do máy tạo ra bằng hơn 10 ngôn ngữ. Ngoài việc cung cấp những thông tin không tin cậy, những trang này có thể sản xuất tin cực nhanh với số lượng cực lớn. Một trang tin tức AI có thể sản xuất trung bình 1.200 tin mỗi ngày, lớn hơn rất nhiều so với khoảng 250 tin bài/ngày trên website của The New York Times.

Microsoft, Google và các công ty khác đang thăm dò những cách thức mới để hiển thị nội dung gọi là Search Generative Experience (SGE), cung cấp các câu trả lời trực tiếp thay cho cách truyền thống là danh mục các đường link tới website.

Nội dung do AI tạo ra thay thế các đường link nằm tại những vị trí giá trị nhất trên Internet khiến giới báo chí băn khoăn với nhiều câu hỏi. Thậm chí có người quan ngại rằng đây là “cơn ác mộng” tiêu diệt lượng truy cập.

Bàn về những việc báo chí cần làm trong thời gian tới, nội dung đầu tiên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh là: “Nội dung báo chí chiếm tới 30% lượng nội dung được dùng để huấn luyện AI. Đừng lặp lại những sai lầm trước đây, đừng cung cấp miễn phí nữa. Cần phải thúc đẩy để ban hành những quy định pháp lý nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của báo chí, để không bị sử dụng và phân tích bởi các hệ thống AI mà không có sự chấp thuận và không có đền bù tài chính thỏa đáng”.

Mặt khác, báo chí cần tìm ra thị trường ngách và mô hình kinh doanh hiệu quả. Hãy xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao, người dùng trung thành, hoặc mối quan hệ trực tiếp với các nhà quảng cáo cụ thể mà không bị lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ.

“Báo in cần được nâng niu và đối xử như là những sản phẩm cao cấp, mang lại những thông tin giá trị với chiều sâu cùng sự hiểu biết mà chỉ có con người mới có thể mang lại mà thôi”, ông Lê Quốc Minh lưu ý thêm.

Lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn báo chí toàn quốc

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao báo chí cách mạng thời gian qua đã có sự đóng góp lớn trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố và mong các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đồng hành với lãnh đạo Thành phố trong thời gian tới.

ong-phan-van-mai.jpg
Ông Phan Văn Mãi: Mong báo chí tiếp tục quan tâm hơn nữa, giúp Thành phố nhìn rõ hơn những điểm nghẽn chiến lược, những định hướng, giải pháp trong hành trình sắp tới.

“Thành phố đã chọn 3 đột phá chiến lược gồm: Thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đây cũng đang chính là 3 “điểm nghẽn” chiến lược của Thành phố. Mong báo chí tiếp tục quan tâm hơn nữa, giúp Thành phố nhìn rõ hơn những điểm nghẽn chiến lược, những định hướng, giải pháp trong hành trình sắp tới”, Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ.

“Trong lịch sử TP. Hồ Chí Minh được biết đến như là một địa phương rất năng động sáng tạo và luôn suy nghĩ tìm tòi những cách làm mới. Rất mong các cơ quan báo chí có thể phân tích thêm, gợi ý thêm để khơi được động lực bên trong của sự năng động sáng tạo mà vẫn đảm bảo được sự tuân thủ, các kết quả thực tiễn nhanh chóng được tổng kết, pháp lý hóa, cơ chế hóa", Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất thêm.

Ngoài ra, năm 2025 sẽ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thành ủy, UBND Thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch, hoạt động chào mừng sự kiện này. Chẳng hạn như sáng tác văn học nghệ thuật, phát động phong trào thi đua đặc biệt kể từ đầu năm 2022 cho đến 30/4/2025; triển khai 50 công trình, dự án tiêu biểu cấp Thành phố; và nhiều hoạt động khác.

"Chúng tôi mong muốn báo chí sẽ tham gia trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm này, không chỉ ở góc độ tuyên truyền mà còn tham gia những hoạt động kỷ niệm này”, Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ.

Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 diễn ra từ ngày 15 - 16/3/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì Sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”. Đây là lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn Báo chí toàn quốc.

Diễn đàn gồm 12 phiên họp, trong đó có 2 phiên toàn thể khai mạc, bế mạc và 10 phiên thảo luận với các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.

Hội Nhà báo Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là Diễn đàn thường niên bàn về các vấn đề liên quan đến đời sống báo chí đang được giới báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế quan tâm, đồng thời cũng sẽ là điểm hẹn tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, những người làm báo cũng như các chuyên gia truyền thông, công nghệ…

Sau phiên khai mạc toàn thể Diễn đàn Báo chí toàn quốc, trong chiều 15/3 đã diễn ra 3 phiên hội thảo chuyên đề: “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí”; “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”; “Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư vào công nghệ số là đầu tư vì tương lai của báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO